Khó khăn trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng các hồ, đập chứa nước tại huyện Ea H’leo
Bằng các nguồn vốn, từ năm 1980 đến nay huyện Ea H’leo đã xây dựng được 43 công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở các xã, thị trấn; trong đó có 3 đập dâng, tổng dung tích trữ nước trên 6,5 triệu m3, đáp ứng khả năng tưới cho 3.200 ha cà phê, hồ tiêu và lúa nước 2 vụ trên địa bàn. Trong toàn huyện, chỉ duy nhất xã vùng sâu Ea H’leo chưa có công trình thủy lợi; 10 xã và thị trấn còn lại mỗi địa phương có từ 2-7 công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Nhờ những công trình thủy lợi này, bà con nông dân ở các xã, thị trấn trong huyện chủ động được nguồn nước trong sản xuất, tưới cho cây trồng khi mùa khô đến. Ngoài chức năng tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, không ít hồ, đập chứa còn cung cấp thêm nguồn cá, tôm tự nhiên, giúp người dân ở khu vực xung quanh có điều kiện cải thiện bữa ăn gia đình, tắm giặt khi có nhu cầu…
Trong thời gian qua mỗi ngày có hàng chục người đưa ô tô, xe công nông đến sục bùn lấy cát, gây bồi lắng cho hồ chứa nước Ea Ral 2. |
Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác quản lý, khai thác, sử dụng và duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi hiện có trên địa bàn huyện Ea H’leo vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Một thực tế đáng buồn là sau khi các hồ, đập chứa nước được xây dựng hoàn thành, đại diện ngành chức năng của huyện lập hồ sơ bàn giao cho chính quyền các xã quản lý và đưa vào sử dụng thì một số công trình hầu như đã trở thành… vô chủ. Vì thế dẫn đến thực trạng chung: nhiều công trình thủy lợi ở các xã mất thiết bị như tay quay, vô lăng điều khiển cống áp lực, kênh dẫn nước đầu mối, tràn xả lũ. Nước trong những hồ chứa tự do chảy về phía hạ lưu quanh năm suốt tháng mà không có người đóng – mở cống, kênh dẫn hợp lý, đúng quy trình. Tràn xả lũ, cống lấy nước, kênh dẫn đầu mối và nội đồng bị cỏ, rác thải chèn lấp làm tắc nghẽn dòng chảy nhưng không được phát dọn, khơi thông kịp thời, dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn khi mưa to, lũ lớn bất ngờ. Một số công trình thủy lợi như đập chứa nước A6 - xã Ea Wy, hồ buôn Riêng – xã Ea Nam đã bị kẻ xấu đập phá, tháo trộm bù lon, thanh sắt về bán phế liệu… Tại khu vực hồ đập chứa nước Ea Ral 2, trong thời gian qua, mỗi ngày có hàng chục người ở địa bàn xã Ea Ral, thị trấn Ea Đrăng đến và sử dụng phương tiện để sục bùn lấy cát ngay sát khu vực lòng hồ; hoạt động trái phép này đã gây bồi lắng, nhanh xuống cấp, đe dọa đến sự an toàn công trình thủy lợi Ea Ral 2. Thậm chí có những hồ, đập nước bàn giao cho xã nhưng chưa được phân định ranh giới và cắm mốc rõ ràng, quy trách nhiệm cụ thể bằng văn bản. Lợi dụng sơ hở này, một số hộ dân đã lấn chiếm trồng hoa màu, cây công nghiệp lâu năm, tùy tiện mở đường đi qua đồng, lên rẫy… đã gây không ít khó khăn, phức tạp trong việc nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi khi cần thiết vì vướng đến công tác đền bù, giải tỏa. Điển hình như công trình thủy lợi Phù Mỹ, Cây Sung – xã Cư Mốt, đập Ea Trang, buôn Riêng 2 – xã Ea Nam...
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do UBND một số xã, thị trấn còn xem nhẹ công tác quản lý khi công trình đã được bàn giao; ngành chức năng của huyện chưa làm tốt công tác kiểm tra, tham mưu, nhắc nhở, giúp chính quyền cơ sở có hướng xử lý phù hợp, trong khi nhiều xã còn gặp khó khăn, lúng túng về nhân lực, kinh phí trả lương cho tập thể, cá nhân nhận đăng ký quản lý, vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn. Bên cạnh đó, người dân chưa có ý thức tự giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ công trình thủy lợi như phát quang cây cỏ dại, san lấp rãnh xói lở bờ đập, kênh mương, trực lũ khi mưa bão… Điều đáng tiếc là rất nhiều hồ, đập chứa ở huyện Ea H’leo được Nhà nước đã bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng nhưng chỉ dùng vào mục đích trữ nước tưới cho cây trồng, còn lại thì “bỏ trống” quanh năm, chưa được các cá nhân, tập thể trên địa bàn đấu thầu nuôi thêm cá nước ngọt.
Thiết nghĩ, nếu hơn 40 công trình thủy lợi này, ngoài chức năng cấp nước cho cây trồng vào mùa khô, còn được UBND các xã cho đấu thầu nuôi cá nước ngọt, các loài thủy sinh có lợi khác chắc chắn sẽ đem lại nguồn thu không nhỏ - khi lợi ích kép trong lòng hồ được phát huy tối đa, khai thác hết tiềm năng. Qua hoạt động nuôi cá trong hồ, đập, các cá nhân, tập thể thường xuyên đến kiểm tra sẽ kịp thời phát hiện hư hỏng, những tác động tiêu cực khác đến sự an toàn của hồ, đập khi mưa lũ; và sẽ có người đóng khẩu, chặn dòng tích trữ nước cho công trình thủy lợi mùa khô hạn…
Ngọc Tài
Ý kiến bạn đọc