Quỹ hỗ trợ phát triển HTX: "Bà đỡ" của kinh tế tập thể
Dak Lak là địa phương thứ 3 trong cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX). Đây là nguồn hỗ trợ quan trọng tăng thêm nguồn lực tài chính cho khu vực kinh tế tập thể, giúp các HTX đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên.
Cơ hội cho HTX phát triển
Năm 2007, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh được thành lập, với số vốn ban đầu là 1 tỷ 520 triệu đồng, được bổ sung hàng năm đến nay lên 4,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp là 4 tỷ 592 triệu đồng, vốn khác là 308 triệu đồng. Từ nguồn vốn này đã có 40 lượt HTX được vay với tổng số vốn quay vòng là 5 tỷ 980 triệu đồng, chủ yếu ưu tiên cho các dự án khả thi ở lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và các ngành nghề truyền thống như: mây tre đan, dệt thổ cẩm.... Mặc dù số lượng vốn vay từ Quỹ chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các HTX (trung bình mỗi HTX được vay từ 50-300 triệu đồng) song đã giải quyết được một phần khó khăn về vốn sản xuất, giúp HTX có thêm giải pháp kinh doanh, ổn định thu nhập cho xã viên và người lao động. Với hơn 380 ha lúa nước 2 vụ, tổng sản lượng mỗi năm khoảng 5.000 tấn, Ban Chủ nhiệm HTX nông nghiệp 714 (xã Ea Pal, huyện Ea Kar) luôn ấp ủ kế hoạch đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên, sau nhiều lần gõ cửa các ngân hàng thương mại xin vay vốn, HTX chỉ nhận được cái lắc đầu… Đang lúc khó khăn, năm 2011, HTX được vay 300 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX thời hạn 3 năm để mua máy làm đất phục vụ xã viên và hộ nhận khoán. Ông Vũ Xuân Thu, Chủ nhiệm HTX 714 cho biết: “Số tiền được vay không nhiều so với nhu cầu, nhưng đã gỡ khó cho HTX trong việc đầu tư máy móc, cơ giới hóa khâu làm đất bảo đảm kịp thời vụ, nhờ đó năng suất lúa của xã viên và hộ nhận khoán luôn đạt 7,2 tấn/ha/vụ, cao hơn 1,5 tấn so với năng suất bình quân của các hộ sản xuất ngoài HTX”.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, HTX Mây tre đan dệt thổ cẩm Ea Kao có thêm điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Thời tiết diễn biến thất thường, kinh tế suy thoái ít nhiều tác động đến hoạt động sản xuất của HTX nông nghiệp Quỳnh Tân (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). Để thích ứng với cơ chế mới, ngoài tổ chức quản lý, điều tiết nước tưới cho 210 ha lúa nước 2 vụ, sản xuất gạch ngói nung, HTX còn tổ chức cung ứng phân bón cho các hộ xã viên. Năm 2012, HTX mạnh dạn vay từ Quỹ trên 150 triệu đồng trong thời gian 18 tháng để tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung của xã viên. Ông Nguyễn Viết Tốt, Chủ nhiệm HTX cho biết, còn quá sớm để nói về hiệu quả của đồng vốn vay, nhưng trong điều kiện nguồn vốn chưa nhiều, việc góp vốn, hoàn vốn còn chậm, nguồn vốn cho phát triển kinh doanh hạn chế, thì nguồn vốn vay ưu đãi này đã giúp HTX tháo gỡ một phần khó khăn, có thêm điều kiện để mở rộng ngành nghề, tạo thêm việc làm cho xã viên. Quan trọng hơn, nhờ có nguồn vốn vay này, mối quan hệ giữa xã viên và HTX gắn kết hơn khi cả hai cùng bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đây còn là bước khởi đầu để HTX phát huy lợi thế diện tích 9,5 ha mặt nước phát triển nuôi trồng thủy sản, chuẩn bị cho việc tiếp nhận một phần diện tích mặt nước khi UBND thị trấn giao quản lý Hồ Sen.
Nhờ bảo đảm lịch thời vụ nên năng suất lúa của HTX Nông nghiệp 714 luôn cao hơn 1,5 tấn so với các hộ sản xuất ngoài HTX. |
Phải chứng minh được phương án kinh doanh tốt
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, có hơn 70% trong tổng số 326 HTX hiện nay có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất. Mặc dù, số vốn vay đối với mỗi HTX không lớn (vài trăm triệu đồng) nhưng nếu tính tổng mức cần vay của các HTX cộng lại thì không phải nhỏ, trong khi đó nguồn Quỹ lại eo hẹp, mỗi năm UBND tỉnh chỉ phân bổ trên dưới 1 tỷ đồng, do đó khi cho vay Liên minh HTX tỉnh buộc phải “chọn mặt gửi vàng” với hy vọng những HTX được vay sẽ sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Dù là nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho HTX, nhưng khi vay buộc HTX phải tuân thủ quy trình, thủ tục là phải có phương án kinh doanh khả thi, nhưng điều này không dễ tí nào đối với các HTX ở Dak Lak, bởi khu vực kinh tế tập thể này vẫn còn nhiều yếu kém, phần lớn chủ nhiệm và kế toán chưa qua đào tạo cơ bản về quản lý kinh tế HTX… Trước tình hình đó, Liên minh HTX đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ tài chính kế toán cho cán bộ quản lý kinh tế và kế toán trong các HTX; mặt khác ưu tiên dành kinh phí của các chương trình, dự án xây dựng các mô hình điểm tại những đơn vị được vay vốn nhằm giúp HTX có thêm điều kiện phát triển sản xuất. Kết quả tuy còn khiêm tốn, nhưng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã góp phần củng cố niềm tin đối với kinh tế tập thể trong xã viên và người lao động. Đặc biệt, thông qua việc vay vốn từ Quỹ, kỹ năng xây dựng dự án của cán bộ quản lý HTX được nâng lên, đây còn là bước tập dượt để các HTX, tổ hợp tác tự tin hơn trong việc xây dựng các dự án và tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng khác.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc