Multimedia Đọc Báo in

Một dự án giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm

08:49, 11/06/2013

Hướng dẫn nông dân trồng cà phê áp dụng những biện pháp kỹ thuật trong sản xuất như: cách chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… nhằm đạt năng suất, chất lượng cao nhất thuộc Dự án phát triển cà phê bền vững được Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 triển khai từ năm 2009 đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Sản xuất  cà phê  bền vững  cho hiệu quả kinh tế cao.   (Ảnh  minh họa)
Sản xuất cà phê bền vững cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh minh họa)

Dak Lak là tỉnh có sản lượng cà phê lớn nhất nước, song khi đánh giá chung về chất lượng, ông Lê Đức Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 cho rằng: Chất lượng cà phê Dak Lak vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các quốc gia xuất khẩu cà phê khác trên thế giới. Nguyên nhân chính là do thói quen của nông dân lâu nay chủ yếu canh tác, chăm sóc cà phê theo kinh nghiệm, chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm tăng chi phí đầu tư nhưng cà phê lại không cho năng suất, chất lượng cao nhất. Ông Huy dẫn chứng: khi tưới nước cho cây, nông dân thường có quan niệm là phải tưới cho tràn bồn mới tốt, chứ không dùng đồng hồ nước để đo lượng nước cần tưới. Với phương pháp tưới như vậy, nếu tưới quá lượng nước cho nhu cầu một gốc cà phê (400-450 lít/gốc) thì không chỉ gây lãng phí nước, công sức, tiêu tốn nhiên liệu mà chất dinh dưỡng trong đất cũng theo nguồn nước ngấm sâu qua rễ làm hao hụt. Tương tự, cách sử dụng phân bón cà phê của nông dân cũng còn tùy tiện, không đúng liều lượng, chủng loại nên vừa lãng phí, hiệu quả không cao.

Để giải quyết “bài toán” này, Dự án phát triển cà phê bền vững được Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 xây dựng và triển khai từ tháng 3-2009 với mục đích giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cà phê trồng, đồng thời hướng đến xây dựng thương hiệu cà phê, nâng cao năng lực cạnh tranh của cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường. Để thực hiện Dự án, những ngày đầu đội ngũ cán bộ Công ty đã bỏ thời gian, công sức, nghiên cứu rà soát vùng nguyên liệu, tổ chức các hội thảo, tuyên truyền phổ biến mục đích, ý nghĩa của chương trình đến với các hộ nông dân, vận động họ tham gia vào dự án. Song song đó, đội ngũ kỹ sư trẻ của công ty trực tiếp đến các hộ dân, hướng dẫn những kỹ thuật chăm sóc cà phê từ khâu bón phân, tỉa cành, tưới nước, thu hoạch, chế biến… “Thời gian đầu làm công tác vận động anh em chúng tôi phải lặn lội đi đến từng hộ gia đình, bất kể mưa nắng tổ chức họp, phổ biến mục đích, ý nghĩa quyền lợi của nông dân cũng như kiên trì thuyết phục họ tham gia dự án, với việc đưa ra những cam kết hỗ trợ, giúp nông dân trang bị các kiến thức về khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm và nhất là khi tham gia dự án, công ty sẽ thu mua sản phẩm cao hơn 200 đồng/kg so với giá thị trường…” - anh Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng cà phê bền vững kể lại. Kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện, số nông hộ tham gia Dự án đã tăng lên đáng kể: nếu năm 2009 tổng số hộ tham gia là 951 hộ với trên 1.300 ha, sản lượng 3.672 tấn thì đến nay đã phát triển lên đến 8.664 hộ, với diện tích là 13.426 ha và sản lượng 47.949 tấn.

“Qua khảo sát có thể thấy hiện tại nông dân rất quan tâm tới dự án vì thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia vào chương trình, năng suất cũng như chất lượng cà phê tăng lên rõ rệt. Cụ thể nếu áp dụng theo đúng quy trình, sản xuất năng suất bình quân mỗi ha sẽ đạt 3,5 tấn cà phê nhân, cao hơn trung bình khoảng 0,5 tấn, trong khi đó chi phí đầu tư lại giảm khoảng 15%. Mặt khác người nông dân lại có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ tín dụng, thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng… Vì vậy thời gian tới chúng tôi sẽ đã có kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu, thu hút thêm nhiều người dân tham gia vào dự án” - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Lê Đức Huy cho biết.

 Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc