Làm giàu từ chuyên canh cây lúa nước
Nhờ mạnh dạn đưa cơ giới vào nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh tế ở thôn 1, xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) đang từng ngày khởi sắc. Đây cũng là địa phương tiêu biểu của huyện trong việc thực hiện cuộc vận động Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trong nhiều năm liền.
Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng Bình Hòa. |
Thôn 1 có 340 hộ, 1558 nhân khẩu, với ngành nghề chủ yếu sản xuất chuyên canh cây lúa nước. Với vị thế thuận lợi có tỉnh lộ 2 chạy qua và được bao bọc bởi đê bao Quảng Điền, người dân thôn 1 đã không ngần ngại đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại để thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn, phấn đấu làm giàu từ thế mạnh của địa phương. Theo thống kê của ban tự quản, toàn thôn có khoảng 7 máy gặt liên hợp, giá trị từ 250 triệu đồng/máy trở lên; 20 xe tải chuyên chở nông sản, phân bón và hàng trăm máy móc khác phục vụ sản xuất của bà con nơi đây. Chia sẻ về kinh nghiệm tạo sự đồng lòng ở khu dân cư, anh Nguyễn Văn Cường, thôn trưởng thôn 1 cho biết, ban tự quản thôn luôn nỗ lực trong công tác tuyên truyền nhằm khuyến khích người dân giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu tại nơi mình sinh sống. Nhờ vậy, kinh tế thôn ngày càng đi lên, hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, toàn thôn có trên 70% gia đình khá giả trở lên. Tại đây, ngày càng xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất giỏi, những triệu phú trẻ đi lên từ cây lúa nước bên dòng Krông Ana huyền thoại như anh Đặng Thanh Tuấn mới 32 tuổi mà đã có trong tay 10 ha đất sản xuất, anh Lê Đình Hùng với 13 ha và đầy đủ phương tiện, máy móc hiện đại. Không chỉ lo làm giàu cho bản thân và gia đình, các hộ dân trong thôn còn giúp nhau bằng việc góp vốn để giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn thông qua các tổ tiết kiệm. Số vốn tuy không nhiều, nhưng cũng đủ để các hộ mua một con bò giống, heo giống hay xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi. Cứ thế, khi kinh tế của các gia đình ổn định, khấm khá hơn thì số vốn tiết kiệm lại được giao cho hộ khó khăn hơn, trong đó ưu tiên những người già neo đơn, bệnh tật. Phong trào hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, truyền đạt những bí quyết, cách làm hay trong sản xuất ở thôn 1 như sợi dây thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Sự đồng lòng trong nhân dân là yếu tố quan trọng để thôn 1 giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn trong những năm gần đây. Anh Nguyễn Đức Minh, công an viên của thôn phấn khởi: anh rất mừng vì tinh thần tố giác tội phạm trong nhân dân rất cao, hễ thấy đối tượng nào đó có biểu hiện vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến an ninh là người dân đến khai báo với ban tự quản thôn để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ đó, nhiều tệ nạn xã hội trong thôn được đẩy lùi, góp phần đem lại sự bình yên cho người dân.
Kinh tế phát triển, người dân thôn 1 quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng đời sống tinh thần. Sau những vụ mùa tất bật, những thanh niên khỏe mạnh trong thôn lại kéo nhau ra sông Krông Ana để tập đua thuyền – nơi đây chính là cái nôi của Lễ hội đua thuyền hàng năm tại địa phương. Hễ rảnh rỗi, người này gọi người kia đội thuyền ra sông tập cho đến khi nào vã hết mồ hôi mới thôi. Cùng với đó, ban tự quản thôn cũng rất nghiêm khắc với mọi sinh hoạt của đội đua thuyền. Thôn đề ra nguyên tắc, trước mỗi mùa lễ hội khoảng 3 ngày, các thành viên trong đội tuyệt đối không được sử dụng rượu, bia, thuốc lá và những chất kích thích khác để bảo đảm sức khỏe khi thi đấu. Bởi vậy, thôn 1 nhiều năm liền đạt kết quả cao trong các Lễ hội đua thuyền đầu năm do huyện tổ chức. Hiện, thôn có 5 chiếc thuyền, trị giá mỗi chiếc khoảng 35 triệu đồng, do người dân góp tiền mua vật liệu và tự đóng.
Người dân thôn 1 đang ngày ngày đóng góp công sức, tiền của, hiến đất để các tuyến đường cấp phối được mở rộng thêm, công trình phúc lợi được xây dựng hoàn thiện, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong khu dân cư… góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc