Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ: Hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị trung tâm

08:34, 17/06/2013

Sau 5 năm được nâng cấp lên đô thị loại 3, bộ mặt của thị xã Buôn Hồ đã có những đổi thay đáng kể, trong đó công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đã được nỗ lực triển khai, thực hiện nhằm nhanh chóng đưa Buôn Hồ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của tiểu vùng phía Bắc tỉnh Dak Lak.

Xây dựng một đô thị đóng vai trò động lực

Buôn Hồ cách TP. Buôn Ma Thuột 40 km về phía Đông Nam và cách Ea H’leo - cửa ngõ phía Bắc của tỉnh  hơn 50 km theo chiều dài Quốc lộ 14 đi qua Tây Nguyên nên dễ dàng gắn kết với các địa bàn khác trên toàn vùng như Krông Buk, Krông Năng, Cư M’gar và cả một vùng khá rộng ở cửa ngõ Buôn Ma Thuột. Theo ông Phạm Phú Lộc- Phó chủ tịch UBND thị xã, chính vì có vai trò, vị thế trung tâm như thế, nên Buôn Hồ được xác định là đô thị kinh tế - sinh thái - văn hóa có tầm cỡ (trong chuỗi đô thị đã hình thành) trên địa bàn Dak Lak nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Song, để sớm trở thành đô thị đóng vai trò động lực cho cả tiểu vùng phía Bắc, Buôn Hồ rất cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn của tỉnh và Trung ương. Trước mắt là có dự án tái định cư cho người dân trong quá trình mở mang đô thị; sắp xếp và bố trí hợp lý hệ thống cơ quan, công sở theo từng phân khu chức năng như quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hoa viên thị xã Buôn Hồ - một trong những điểm nhấn của đô thị trẻ.
Hoa viên thị xã Buôn Hồ - một trong những điểm nhấn của đô thị trẻ.

Triển khai mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 3-2-2012 về xây dựng và phát triển thị xã Buôn Hồ giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó ưu tiên đầu tư, phát triển và hình thành các khu trung tâm thương mại, công nghiệp chế biến nông sản, dịch vụ tài chính, vận tải và du lịch… nhằm thúc đẩy nền kinh tế-xã hội trên toàn vùng phía Bắc Dak Lak phát triển tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Buôn Hồ đạt trên 14%/năm, trong đó ngành nông – lâm - thủy sản có bước đột phá khoảng 12,16%/năm; công nghiệp - xây dựng 15,5% và thương mại - dịch vụ đạt hơn 16,15%. Theo đó, cơ cấu kinh tế của thị xã cũng sẽ chuyển dịch dần theo hướng công nghiệp, thương mại- dịch vụ hỗ trợ nông - lâm nghiệp với tỷ trọng chiếm từ 40-42% trong nền kinh tế. Còn trước mắt, ông Võ Văn Sự - Chánh văn phòng UBND thị xã Buôn Hồ cho biết: Đảng bộ và chính quyền địa phương đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho việc phát triển đô thị như quy hoạch và xây dựng các khu dân cư mới: phường An Lạc, An Bình, Đạt Hiếu, Thiện An; tiếp tục phát triển và hoàn thiện mạng lưới điện, mạng lưới bưu chính viễn thông và hệ thống đường giao thông nội thị cũng như vùng ngoại ô thị xã. Theo ông Sự, đến nay chủ trương kêu gọi đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng đang được Buôn Hồ xúc tiến mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực giao thông và điện chiếu sáng đô thị. Hiện đã có hàng chục danh mục dự án xây dựng cơ sở hạ tầng được phê duyệt và chờ đón các nhà đầu tư vào cuộc như: đường giao thông liên xã Buôn Hồ - Đoàn Kết, Buôn Hồ - Ea Blang - Ea Siên, Buôn Hồ - Ea Phê (huyện Krông Pak), đường vành đai nội thị Buôn Hồ nối trục giao thông Đông-Tây thị xã và nhiều cầu, cống xung yếu khác trên địa bàn.

Đường giao thông nối trục Quốc lộ 14 (đi qua trung tâm thị xã) với xã Ea Blang, Ea Drông  được đầu tư xây dựng hoàn thiện với hệ thống điện chiếu sáng và cảnh quan cây xanh.
Đường giao thông nối trục Quốc lộ 14 (đi qua trung tâm thị xã) với xã Ea Blang, Ea Drông được đầu tư xây dựng hoàn thiện với hệ thống điện chiếu sáng và cảnh quan cây xanh.

Có thể thấy, sau 5 năm (2008-2013) được nâng cấp lên thị xã, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Buôn Hồ đã có sự nỗ lực đáng kể nhằm tạo dựng bộ mặt mới, xứng tầm là đô thị cấp vùng. Ngoài công tác quy hoạch chi tiết cho các phân khu chức năng hành chính, thương mại - dịch vụ, du lịch và văn hóa - thể thao… chính quyền thị xã đã tranh thủ mọi nguồn lực tại chỗ cũng như bên ngoài để xây dựng mới nhiều hạng mục quan trọng: công trình cấp nước có công suất 8.000m3/ngày đêm do Tổ chức JICA và KOICA tài trợ; kéo lưới điện hạ áp đến các xã Cư Bao, Ea Siên, Ea Drông, phường Đạt Hiếu và Thống Nhất; nâng cấp và hoàn thiện nhiều tuyến đường - điện chiếu sáng trên địa bàn nội thị; hoàn thành công trình hoa viên thị xã… Ông Phạm Phú Lộc đánh giá: những công trình, dự án này có ý nghĩa  “bản lề” mở ra giai đoạn phát triển mới cho thị xã trong những năm tiếp theo như tinh thần của Nghị quyết 08 đề ra.

Tạo sự đồng thuận để phát triển

Những thành quả đạt được nói trên so với mục tiêu phấn đấu mới chỉ là những bước đi ban đầu, tạo cơ sở vững chắc cho sự tăng tốc giai đoạn 2015-2020. Tuy vậy, theo ông Võ Văn Sự: địa phương đang nỗ lực khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách năng động và linh hoạt như: sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, huy động mọi nguồn lực đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác trên địa bàn. Đặc biệt, UBND các phường, xã trên địa bàn Buôn Hồ đều thành lập Ban chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng (gồm các tiểu ban: vận động, tuyên truyền, kế hoạch và chuyên môn) để tham mưu cho chính quyền thực hiện tốt và có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của mình trong công cuộc xây dựng phát triển thị xã đã được HĐND các cấp thông qua. Cũng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo như vậy, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cho Buôn Hồ trong thời gian qua cũng như hiện nay đều được triển khai thuận lợi và thông suốt. Được biết, trong số 21 tuyến đường giao thông liên vùng và nội thị được tỉnh và thị xã đầu tư với kinh phí hơn 484 tỷ đồng từ năm 2011 đến nay, thì chính quyền địa phương đã vận động, kêu gọi nhân dân đóng góp thêm  (bằng hình thức hiến đất, tài sản trên đất…) gần 12 tỷ đồng  để nâng cấp và mở rộng nhiều tuyến đường tại địa bàn các khu dân cư. Có thể nói, đông đảo người dân tích cực hưởng ứng và ủng hộ chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” quan tâm từng bước đi lên của thị xã. Bởi theo họ, khi các tiêu chí trên các mặt kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, hạ tầng xã hội…được thực hiện thì nhu cầu thụ hưởng của người dân nói chung sẽ được đáp ứng cao hơn và đầy đủ hơn.

Báo cáo dự thảo 5 năm xây dựng và phát triển thị xã cho thấy: thời gian qua, từ nguồn đóng góp của nhân dân cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Buôn Hồ đã có hơn 85% đường giao thông nội vùng được cứng hóa, trong đó hầu hết các trục đường nội thị và khu dân cư được thảm nhựa và có điện chiếu sáng, môi trường cảnh quan đô thị cũng từng bước được hoàn thiện theo hướng văn minh - sạch đẹp hơn. Nếu công tác vận động, tuyên truyền và thu hút đầu tư được triển khai thường xuyên, mạnh mẽ hơn, thì việc xây dựng, phát triển thị xã Buôn Hồ xứng tầm là đô thị hạt nhân vùng cửa ngõ phía Bắc Dak Lak sẽ sớm trở thành hiện thực. Dẫu còn bộn bề công việc đang chờ phía trước, nhưng từ kết quả 5 năm qua đã cho thấy từ sự đồng thuận của chính quyền và người dân trong công cuộc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cho thị xã đã cho thấy một đô thị mới đang hiện ra với dáng vóc ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn. 

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.