Xây dựng lò mổ gia súc tập trung rồi... bỏ không
Năm 2008, Hợp tác xã nông nghiệp Thành Phát (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) đã đầu tư 240 triệu đồng xây dựng lò mổ gia súc tập trung, công suất 100 con/ngày. Để có kinh phí xây dựng, HTX đã kêu gọi xã viên đóng góp vốn tùy theo khả năng, trong đó hộ đóng cao nhất lên đến 80 triệu đồng.
Lò mổ xây dựng đáp ứng một số quy chuẩn như có hệ thống mổ treo, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải và đã được địa phương cho phép. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, mỗi ngày lò mổ chỉ tiếp nhận được khoảng 20 con heo và cũng chỉ hoạt động được khoảng 15 ngày thì người dân không đưa gia súc vào lò mổ vì… bất tiện, khiến công trình bỏ không từ đó đến nay. Đứng giữa khuôn viên lò mổ đang dần xuống cấp, cỏ mọc um tùm, ông Trần Ngọc Thành, Chủ nhiệm HTX Thành Phát xót của: “Nhà giết mổ này chẳng biết tận dụng để làm gì, số tiền bỏ ra xây dựng coi như bị… đánh rơi”.
Ông Thành xót của nhìn lò mổ bỏ không rất lãng phí. |
Trong khi công trình này bị bỏ không thì xã Ea Ô lại đang xây dựng lò mổ khác cách đó không xa, công suất 30 – 50 con heo/ngày, với số vốn 1,2 tỷ đồng (bằng nguồn hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh và ngân sách xã). Lý giải về việc không tận dụng lò mổ đã có mà xây dựng công trình mới, lãnh đạo xã Ea Ô cho biết: “Lò mổ cũ xây dựng không đúng quy hoạch lò giết mổ của huyện và ở gần khu dân cư nên không bảo đảm vệ sinh môi trường”. Đây là cách lý giải thiếu thuyết phục vì nếu cho rằng lò mổ gần khu dân cư thì tại sao địa phương lại cho phép xây dựng, thêm nữa, công trình này xây dựng trước quy hoạch chung của huyện. Thiết nghĩ, việc xây dựng lò mổ tập trung sẽ có tác dụng kiểm soát, vận chuyển, giết mổ gia súc, tránh dịch bệnh lây lan đồng thời bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các địa phương cần có cách làm thấu tình, đạt lý để tránh lãng phí hàng trăm triệu đồng như trên.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc