Multimedia Đọc Báo in

Thất thu thuế qua “doanh nghiệp ma”: Không thể bó tay trước loại tội phạm mới!

08:13, 03/06/2013

Tính đến cuối tháng 5-2013, ước tổng thu thuế và phí toàn tỉnh khoảng 1.215 tỷ đồng, đạt hơn 33% dự toán và xấp xỉ 82% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt khoảng 517 tỷ đồng, tương đương 26% dự toán và chỉ bằng 63% so với cùng kỳ - một con số khá thấp so với cùng kỳ của những năm gần đây

DN “ma” làm thị trường cà phê rối loạn, thất thu ngân sách lớn. (Ảnh minh họa)
DN “ma” làm thị trường cà phê rối loạn, thất thu ngân sách lớn. (Ảnh minh họa)

Kết quả thu ngân sách những tháng đầu năm 2013, nhất là thu từ khu vực ngoài quốc doanh đạt thấp do nhiều nguyên nhân: tình hình kinh tế khó khăn, thiên tai, mất mùa, Nhà nước thực hiện các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế…, nhất là do thất thu ngân sách trong lĩnh vực kinh doanh nông sản khá lớn. Số liệu lập bộ thuế VAT quý I-2013 của các đơn vị nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại các huyện, thị xã, thành phố có nguồn thu từ nông sản (chủ yếu là cà phê) cho thấy giảm hơn 250 tỷ đồng; tập trung chủ yếu ở các địa phương: Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ, TP. Buôn Ma Thuột… Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do tình trạng gian lận, trốn thuế trong mua bán kinh doanh cà phê đã xảy ra trên diện rộng, bằng các thủ đoạn như: DN trên địa bàn thu mua cà phê tại chỗ nhưng sử dụng hóa đơn của DN ngoài tỉnh; lợi dụng chính sách giãn nộp thuế VAT, thu nhập DN, chính sách thông thoáng trong việc đăng ký kinh doanh, tự in hóa đơn… một số đối tượng sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) giả, hợp đồng thuê mặt bằng giả để thành lập DN, kinh doanh một thời gian, rồi bỏ trốn, chiếm đoạt tiền thuế. Chỉ tính riêng trên địa bàn thị xã Buôn Hồ cũng đã thấy được mức độ thất thu ngân sách do các DN “ma” gây ra: đến thời điểm này, các cơ quan chức năng phát hiện có ít nhất là 15 DN “ma” đã “biến mất” khỏi địa bàn, ôm theo một số tiền thuế không nhỏ. Chẳng hạn như Công ty TNHH Lê Quang Tập được thành lập từ đầu tháng 4-2012, kê khai hoạt động kinh doanh tháng 5 và 6 – 2012 với tổng doanh số mua vào, bán ra khoảng 1.500 tỷ đồng. Cuối tháng 8-2012, Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ kiểm tra, phát hiện DN đã bỏ địa điểm kinh doanh, mang theo hơn 600 số hóa đơn và nợ thuế môn bài 1 triệu đồng. Tương tự, Công ty TNHH Ngô Quý Yên được thành lập cuối tháng 6-2012, kê khai hoạt động kinh doanh tháng 7 và 8-2012, với doanh số mua vào, bán ra hơn 1.400 tỷ đồng. Cuối tháng 9-2012, Chi cục Thuế Buôn Hồ kiểm tra mới phát hiện DN khai man, đã bỏ địa điểm kinh doanh, mang theo 75 số hóa đơn và hơn 400 ngàn đồng tiền nợ thuế. Trường hợp Công ty TNHH Nguyễn Hữu Hiếu cũng vậy, được thành lập đầu tháng 4-2012, kê khai hoạt động tháng 5-2012 với doanh số mua vào bán ra khoảng 1.500 tỷ đồng. Cuối tháng 8-2012, Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ kiểm tra phát hiện DN khai man, đã bỏ địa điểm kinh doanh, mang theo trên 300 số hóa đơn và còn nợ thuế hơn 1 triệu đồng…

Ngoài thị xã Buôn Hồ, tình trạng này cũng đã xuất hiện ở các địa phương khác, như huyện Krông Năng, TP. Buôn Ma Thuột. Hầu hết giám đốc DN là người các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương… không có mặt thường xuyên tại trụ sở kinh doanh; khi cơ quan chức năng kiểm tra thì cố tình vắng mặt hoặc bỏ địa chỉ kinh doanh.

Tình trạng thành lập DN “ma” để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước đã và đang được các cơ quan chức năng trong tỉnh nỗ lực ngăn chặn, song vấn đề đáng quan tâm là dường như nỗ lực này đang rơi vào bế tắc, vì hầu hết các trường hợp nêu trên đều dùng CMND giả (của một người khác đã làm mất trước đó) để làm thủ tục thành lập DN. Chẳng hạn như Công ty TNHH Lê Quang Tập, người có tên Lê Quang Tập và số CMND như trong hồ sơ đăng ký thành lập DN đã mất CMND và được làm lại CMND khác từ đầu năm 2012, từ đầu năm 2012 đến nay, người này lái xe cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh, không thành lập Công ty TNHH Lê Quang Tập ở Dak Lak. Tương tự, ông Ngô Quý Yên – người có tên và số CMND trùng với hồ sơ đăng ký thành lập Công ty TNHH Ngô Quý Yên – đã bị mất CMND từ năm 2009. Trường hợp Công ty Nguyễn Hữu Hiếu cũng vậy, người có tên Nguyễn Hữu Hiếu và số CMND trong hồ sơ thành lập DN trên đã bị Công an huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương bắt về tội cướp tài sản vào cuối tháng 8-2012, hiện đang thụ án 36 tháng tù giam, không thành lập Công ty Nguyễn Hữu Hiếu ở Dak Lak. Cơ quan chức năng cho rằng: do các DN này đã ngừng hoạt động, giám đốc thực tế cũng đã bỏ trốn nên không thể xác định được họ là ai, ở đâu, không có thông tin cụ thể để tiến hành điều tra xác minh, truy tìm… Điều này cũng đồng nghĩa rằng hàng tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước đã bị kẻ xấu ẵm trọn một cách trắng trợn.

Trước thực trạng này, nhiều người bức xúc đề nghị cơ quan chức năng phải cương quyết vào cuộc, bởi vì hành vi sử dụng giấy tờ giả để đăng ký thành lập DN nhằm mục đích mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế nêu trên thể hiện rõ thái độ xem thường pháp luật, cần phải được điều tra, xử lý nghiêm. Việc cho rằng giám đốc thực tế đã bỏ trốn, DN ngừng hoạt động nên không có thông tin cụ thể để điều tra, xác minh, làm rõ nội dung sự việc là chưa thỏa đáng, khó thuyết phục. Xung quanh tình trạng này, còn rất nhiều vấn đề cần được làm rõ: Tại sao các đối tượng này có nhiều CMND của người khác đã đánh mất trước đó? Liệu chúng có phải là đồng bọn của một đường dây chuyên cướp giật, móc túi? Trong quá trình hoạt động, DN này đã làm ăn, giao dịch với những đơn vị nào, ở đâu, ai là người phụ trách công tác kế toán… Chúng ta có một hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có trách nhiệm nên không thể có chuyện “bó tay” nhìn bọn tội phạm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước một cách ngang ngược như vậy!

Lê Ngọc 


Ý kiến bạn đọc