Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: Quy hoạch cần đi trước một bước

08:34, 07/06/2013

Xây dựng nông thôn mới (NTM) mới theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp là một vấn đề cấp thiết. Trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí quy hoạch được đặt lên hàng đầu, đi trước một bước. Tuy nhiên vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai.

Ngổn ngang quy hoạch

Thông thường, trước khi triển khai bất kỳ một dự án nào, người ta luôn xem xét tổng thể để đưa ra quy hoạch chi tiết, phù hợp và thống nhất rồi mới triển khai thực hiện các hạng mục thành phần. Do đó quy hoạch luôn là bước đầu tiên trong cả quy trình triển khai dự án. Nếu có quy hoạch tốt sẽ tránh được tình trạng chồng chéo và phát huy hết công năng của mỗi hạng mục. Xây dựng NTM cũng không là ngoại lệ, thậm chí quy hoạch còn đóng vai trò quan trọng hơn do thời gian thực hiện lâu dài, trên địa bàn rộng và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều thành phần, bộ phận dân cư. Đặc biệt, việc xây dựng NTM còn có sự lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác nhau như Chương trình mục tiêu về giáo dục, về y tế… (do đó nếu chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch yếu sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo, lãng phí và hiệu quả các hạng mục đạt thấp. Thế nhưng sau hai năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn rất chậm. Tính đến nay chỉ mới có 61/152 xã được phê duyệt đồ án quy hoạch (đạt 40,1%); các xã còn lại mới cơ bản hoàn thành xong đồ án, đang trình thẩm định, phê duyệt. Cá biệt có 2 huyện là Krông Buk và Ea H’leo chưa có xã nào hoàn thành công tác quy hoạch.

Xây dựng đường giao thông nông thôn tại huyện Lak.
Xây dựng đường giao thông nông thôn tại huyện Lak.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm trễ trên là do một số nội dung của tiêu chí chưa hoàn chỉnh, chưa bền vững, chưa phù hợp với từng vùng, một số nội dung triển khai còn chậm, việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân địa phương chưa được quy chế hóa. Số lượng đơn vị tư vấn quy hoạch còn ít, một số đơn vị có năng lực chưa cao, thiếu chiều sâu, nhiều đồ án quy hoạch mang tính sao chép không phù hợp với thực tế của từng địa phương. Chẳng hạn tại huyện Ea Súp là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh, cơ sở hạ tầng gần như đang phải làm mới hoàn toàn. Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vô hình chung lại tạo điều kiện cho địa phương có điều kiện để thực hiện công tác quy hoạch. Thế nhưng đến nay vẫn còn 5 xã chưa hoàn thành do đề án quy hoạch của các đơn vị tư vấn chưa đáp ứng được yêu cầu chung của huyện. Ở những địa phương khó khăn đã vậy, những địa bàn thuận lợi hơn, được đầu tư mạnh mẽ hơn thì sự phối hợp giữa quy hoạch xây dựng NTM với các quy hoạch chuyên ngành khác lại chưa chặt chẽ, thiếu tính khớp nối trên cùng một vùng. Thực tế ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đã chứng minh vấn đề này. Đây là xã của TP. Buôn Ma Thuột đã đạt được 6 trong tổng số 19 tiêu chí NTM và đã có quy hoạch tổng thể. Mặc dù vậy, những công trình công cộng như hệ thống điện nông thôn, đường giao thông, trường học, trạm y tế được xây dựng theo những chương trình riêng lẻ của từng ngành, ít có sự gắn kết, thống nhất với nhau về không gian và quy mô sử dụng. Ông Đào Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, do công tác quy hoạch kém nên sau một thời gian sử dụng, nhiều công trình đã xuống cấp hoặc không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Do chưa tính đến sự phát triển mạnh mẽ của tiểu, thủ công nghiệp, nên xã chưa có quy hoạch hạ tầng thiết yếu cho sự phát triển của các ngành này. Các cơ sở sản xuất vẫn nằm trong các khu dân cư, vấn đề ô nhiễm nước thải, ô nhiễm không khí và tiếng ồn là một thách thức không nhỏ cho chính quyền địa phương. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng giao thông cũng đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng do không theo kịp sự phát triển của công nghiệp.

Tiêu chí quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa

Theo Phó Phòng quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột Nguyễn Xuân Nở, quan trọng nhất trong thực hiện quy hoạch chính là phải có tầm nhìn trong tổng thể, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, đặc điểm văn hóa, lịch sử của địa phương đồng thời phù hợp với lòng dân. Việc lập Quy hoạch xây dựng NTM bao gồm quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khu dân cư, sản xuất… Đây được coi là bước đầu tiên để các địa phương căn cứ vào đó triển khai xây dựng NTM và điều chỉnh định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để có mô hình NTM mang tính kế thừa và bổ sung, phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vấn đề quy hoạch được đặt lên hàng đầu, trở thành tiêu chí đầu tiên. Nếu quy hoạch không đi trước một bước và không có chất lượng thì xây dựng NTM sẽ gặp khó khăn và không đi đến đích. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch phải khắc phục được tình trạng vừa làm, vừa lập kế hoạch, thiếu tính tổ chức, tổng thể và liên kết giữa các địa phương nhằm phát huy hiệu quả một cách tổng thể. Đơn cử trong lĩnh vực giáo dục, hầu hết khi lập quy hoạch xây dựng các trường học cấp xã, địa phương mới chỉ tập trung vào các phòng học, chưa đối chiếu với tiêu chuẩn về diện tích, cảnh quan…

Quan trọng nhất là tiến độ thực hiện quy hoạch. Chẳng hạn tại huyện Ea Súp, theo Phó Phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Long, để thực hiện tiêu chí quy hoạch, địa phương sẽ dự kiến định hướng phát triển kinh tế, xã hội, cùng đơn vị tư vấn khảo sát thực tế địa bàn, sau đó dự thảo quy hoạch đưa ra để nhân dân thảo luận, bàn bạc góp ý, tổng hợp hoàn thiện trình cấp trên phê duyệt. Có quy hoạch tổng thể, các xã mới đầu tư, xây dựng các tiêu chí khác như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, chợ, khu dân cư… Rõ ràng đó là định hướng đúng mà cũng là nguyên tắc cơ bản trong thực hiện các dự án. Thế nhưng nếu không thực hiện kịp thời vấn đề quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến tiến độ toàn cục.

Trong đề án Chương trình mục tiêu quốc gia về NTM của Chính phủ, mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM. Rõ ràng để góp phần đạt được những mục tiêu trên, Dak Lak cần hết sức nỗ lực, trong đó cần sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác quy hoạch để có cơ sở thực hiện tốt các tiêu chí tiếp sau đó.

 Giang Nam

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.