“Nỗi niềm” cụm công nghiệp!
Hạ tầng ngổn ngang, thu hút đầu tư ảm đạm, năng lực doanh nghiệp (DN) bắt đầu bộc lộ những bất cập, yếu kém..., đó là những khó khăn của các CCN hiện nay.
Hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp tại CCN Ea Đar (Ea Kar). |
Cụm công nghiệp M’Drak nằm trên địa bàn xã Krông Jing (M’Drak) được triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2010 với quy mô 70 ha. Theo quy hoạch được phê duyệt năm 2007, đây là CCN do UBND huyện làm chủ đầu tư, quản lý, tập trung các nhà máy, xí nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, ít gây ô nhiễm môi trường, trong đó chú trọng các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 5 dự án đăng ký đầu tư, trong đó 1 dự án đi vào hoạt động, 2 dự án đang xây dựng, 2 dự án đang làm thủ tục đăng ký đầu tư. Tình hình thu hút đầu tư của CCN này ảm đạm được lý giải, chủ yếu là do địa phương không có vốn đầu tư cho các hạng mục công trình hạ tầng trong cụm. Ngay cả hạng mục san ủi mặt bằng, địa phương cũng không cân đối được ngân sách nên giao luôn cho DN. Có nghĩa là, đơn vị nào đăng ký đầu tư, xây dựng nhà xưởng trong cụm thì phải ứng vốn ra tự san ủi mặt bằng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến trong 2 năm nay, địa phương không thu hút thêm được dự án đầu tư nào, mặc dù nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực chế biến tinh bột sắn, ván dăm, mía đường… vẫn đến làm việc với huyện tìm kiếm cơ hội đầu tư. Còn CCN Krông Buk 1 - huyện Krông Buk, hạ tầng có phần bớt ngổn ngang hơn khi đã có mặt bằng sạch, đường trục chính, hệ thống điện, nước cơ bản hoàn thiện…, với tổng vốn đã thực hiện là 47,68 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương (NSĐP) 37,64 tỷ đồng, vốn DN 664 triệu đồng.
Tuy nhiên, 2 năm nay, tình hình thu hút đầu tư vào đây vẫn chưa có sự biến chuyển. Trong số 9 dự án đăng ký đầu tư, cũng chỉ mới có 3 dự án đang hoạt động, còn lại 6 dự án đăng ký diện tích 40 ha, chiếm tỷ lệ lấp đầy 82% tổng diện tích đất chia lô công nghiệp. CCN Trường Thành Ea H’leo nằm trên địa bàn thị trấn Ea Đrăng và xã Ea Ral huyện Ea H’leo, được phê duyệt quy hoạch xây dựng từ năm 2007 trên diện tích 50 ha. Do nguồn ngân sách huyện không thể đảm đương, năm 2009, sau khi kêu gọi được nhà đầu tư là Công ty Cổ phần quản lý CCN Trường Thành Ea H’leo, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng CCN do đơn vị này làm chủ đầu tư, với tổng mức trên 157,6 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 41,6 tỷ đồng. Theo cam kết của chủ đầu tư, đến cuối năm 2012 hoàn thiện về hạ tầng và các nhà máy trong cụm sẽ được lấp đầy, tuy nhiên, đến nay chỉ mới xong hạng mục giải phóng mặt bằng, hạng mục đường điện, đường nội bộ CCN đang đầu tư xây dựng, với tổng vốn đã thực hiện là 6,5 tỷ đồng, trong đó vốn NSĐP 5 tỷ đồng, vốn DN 1,5 tỷ đồng. Đến nay, cũng chỉ có 8 dự án đầu tư, trong đó 4 dự án đang hoạt động, 2 dự án đang xây dựng, 2 dự án đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất thuê khoảng 11,752 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 33,6% tổng diện tích đất chia lô công nghiệp. Hiện, chính quyền địa phương nơi đây đang đề nghị UBND tỉnh chuyển chủ đầu tư hạ tầng từ Công ty Trường Thành sang UBND huyện Ea H’leo. Còn ở huyện Ea Kar, CCN Ea Đar - một trong những CCN hứa hẹn sẽ thúc đẩy địa phương phát triển trở thành vùng công nghiệp sôi động, nhưng trước những biến động của nền kinh tế trong những năm gần đây, CCN này cũng rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Trong số 10 dự án đầu tư, có 7 dự án đã đi vào hoạt động, 1 đang xây dựng, 2 dự án đăng ký đầu tư, tổng diện tích đất đăng ký thuê khoảng 40 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 70% tổng diện tích đất chia lô công nghiệp. Đây chủ yếu là những dự án được thu hút từ năm 2006 đến năm 2011, từ năm 2012 trở lại đây, CCN không những không thu hút thêm được dự án nào mà còn có dự án đang tạm ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng do DN gặp khó khăn về thị trường. Như Công ty Cổ phần Vina Mít, đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trái cây, củ quả sấy khô tại CCN Ea Đar, với tổng vốn 84 tỷ đồng, công suất 1.000 tấn sản phẩm/năm, giai đoạn 1 đầu tư 40 tỷ đồng. Đơn vị này đã lắp đặt hoàn chỉnh các máy móc thiết bị và các hạng mục xử lý nước thải, đi vào sản xuất cuối năm 2010. Thế nhưng, trong năm 2012, do tình hình kinh tế khó khăn cùng nguồn nguyên liệu giảm sút, giá cả thị trường thiếu ổn định nên công ty này đã xin tạm ngừng hoạt động. Cùng trong thực trạng khó khăn đó, Công ty TNHH Đông Tây Nguyên mặc dù đã xây dựng hoàn chỉnh nhà máy cán luyện thép với công suất 3.600 tấn sản phẩm/năm, đi vào sản xuất từ cuối năm 2006, nhưng đến nay đã tạm ngưng sản xuất thép thành phẩm, chỉ sản xuất phôi thép…
Ngoài 11 CCN đã công bố quy hoạch (8 CCN vừa xây dựng hạ tầng vừa hoạt động), Dak Lak hiện có thêm 7 CCN đang lập quy hoạch: CCN Buôn Chăm - Krông Ana, 30 ha; CCN Ea Bông - Krông Ana, diện tích 50 ha; CCN Phước An - Krông Pak 50 ha; CCN Buôn Đôn, 28,58 ha; CCN Cư Bao - Cư M’gar, 50,38 ha; CCN Ea Dăh - Krông Năng, 49,75 ha; CCN Quảng Phú - Cư M’gar, 50 ha. Đành rằng, công nghiệp phát triển sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, nhưng nếu thiếu sự quan tâm, đầu tư đúng mức, công tác quy hoạch CCN dàn trải, thiếu tập trung thì CCN không những không mang lại hiệu quả như mong muốn mà còn gây lãng phí về quỹ đất.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc