Multimedia Đọc Báo in

Thu ngân sách đạt thấp - vì sao?

10:05, 08/07/2013

Ước tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn tỉnh khoảng 1.567 tỷ đồng, tương đương gần 39% dự toán HĐND tỉnh giao - đây được xem là mức thấp “kỷ lục” so với kết quả thu của nhiều năm gần đây. Ngoài lý do kinh tế khó khăn, liệu còn nguyên nhân nào khác làm ảnh hưởng đến kết quả thu?

Trong tổng mức thu ngân sách trên, riêng thu thuế và phí gần 1.399 tỷ đồng, tức chỉ hơn 38% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng xấp xỉ 83% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Thuế: kinh tế khó khăn, DN ngừng nghỉ kinh doanh ngày càng nhiều; sản lượng cà phê niên vụ 2012-2013 giảm khoảng 40% so với niên vụ trước; hạn hán kéo dài, các công trình thủy điện hoạt động không hết công suất; thực hiện giảm, giãn nợ theo chủ trương của Chính phủ; tội phạm trong lĩnh vực thuế gia tăng… là những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng xấu đến kết quả thu 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, công tác quản lý nguồn thu và chống thất thu của ngành thuế cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là khả năng ứng phó với các hoạt động tội phạm liên quan đến thuế trong lĩnh vực cà phê, nông sản không kịp thời, thậm chí còn lơ là, chủ quan, nhất là đối với các chi cục thuế. Còn nhớ, cuối năm 2012, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục nhắc đến một tình trạng hoàn toàn trái ngược với quy luật kinh doanh, đó là “mua cao, bán thấp” – thủ đoạn hợp thức hóa chứng từ trong kinh doanh mua bán cà phê để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Trước thực trạng này, Cục Thuế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường biện pháp quản lý thuế tận gốc đối với hoạt động kinh doanh cà phê, nông sản, nhất là các DN mới thành lập; phối hợp xác minh địa điểm kinh doanh, hóa đơn đến đơn vị cuối cùng của đường dây mua bán hóa đơn VAT bất hợp pháp…, nhưng việc triển khai thực hiện trong thực tế, hiệu quả mang lại không cao. Thêm nữa, công tác giám sát của các chi cục thuế về hoạt động cũng như hồ sơ khai thuế của DN chưa đạt yêu cầu, dẫn đến không phát hiện kịp thời tình trạng DN lợi dụng kẽ hở của chính sách Nhà nước, chiếm đoạt tiền thuế. Chẳng hạn như trường hợp bỏ kinh doanh của DN tư nhân nông sản Mỹ Hòa (thị xã Buôn Hồ) thành lập vào giữa tháng 2-2012, kê khai hoạt động kinh doanh từ tháng 4-2012 đến tháng 12-2012 với doanh số mua vào, bán ra hơn 3.000 tỷ đồng. Đầu tháng 1-2013, Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ kiểm tra mới phát hiện DN đã bỏ địa điểm kinh doanh, mang theo hơn 900 số hóa đơn và còn nợ hơn 14 triệu đồng tiền thuế. Nhìn lại quá trình hoạt động của DN này cho thấy, nếu cơ quan quản lý nói chung, cơ quan thuế nói riêng chú trọng đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát thì đã có thể ngăn chặn, hoặc ít nhất cũng hạn chế được thất thu ngân sách do DN này gây ra. Bởi DN mới thành lập mà doanh số mua vào bán ra lên đến hàng ngàn tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn là dấu hiệu bất bình thường, nhưng cơ quan chức năng lại không nhìn thấy (?!) Chưa kể, thủ đoạn chiếm đoạt tiền thuế của một số DN là mua cà phê của người trực tiếp sản xuất tại Dak Lak, nhưng không lập bảng kê theo quy định mà dùng hóa đơn đầu vào của các DN ở các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh… để hợp thức hóa chứng từ khấu trừ, hoàn thuế. Việc mua cà phê từ những địa phương khác rồi vận chuyển về Dak Lak – vùng chuyên canh cà phê - để bán là điều hoàn toàn bất hợp lý. Lẽ ra, các cơ quan quản lý phải tập trung vào việc xác minh nguồn gốc, tính hợp pháp của các giao dịch liên quan đến mua bán cà phê trên thị trường, thế nhưng trong suốt thời gian dài, biện pháp chống thất thu trên khâu lưu thông thông qua việc kiểm tra chứng từ cứ liên tục được hô hào “đẩy mạnh”, “tăng cường” để rồi kết quả thu được là… ngân sách vẫn tiếp tục thất thu. Lý giải nguyên nhân thất thu ngân sách không khó, bởi lẽ trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông trên thị trường, các DN làm ăn bất chính này đã kịp thời chuẩn bị đầy đủ chứng từ liên quan bằng cách mua hóa đơn của các DN trong đường dây, ở các tỉnh thành khác và đã bỏ kinh doanh.

Kiểm soát chặt chẽ “đường đi” của hạt cà phê sẽ góp phần nâng cao chất lượng  công tác chống thất thu (ảnh minh họa).
Kiểm soát chặt chẽ “đường đi” của hạt cà phê sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác chống thất thu (ảnh minh họa).

Nguồn thu từ khu vực ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng 55%) trong tổng thu thuế và phí được giao hàng năm của tỉnh, trong đó chủ yếu là thu thuế VAT từ hoạt động kinh doanh cà phê, nông sản. Nói điều này để thấy rằng, tăng cường quản lý nguồn thu và nâng cao chất lượng công tác chống thất thu đối với lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết, vừa đem lại công bằng giữa những người nộp thuế với nhau, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đã có nhiều biện pháp được xây dựng và triển khai, tuy nhiên, theo chúng tôi, giải pháp quản lý tận gốc là hiệu quả nhất, trong đó ngoài cơ quan thuế, cần có sự phối hợp của nhiều lực lượng khác mới đủ sức thống kê, kiểm soát chặt chẽ “đường đi” của hạt cà phê nói riêng, nông sản nói chung từ khâu sản xuất đến xuất khẩu, từng bước loại trừ DN làm ăn gian dối, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Trần Sáu


Ý kiến bạn đọc