Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy kinh tế phát triển: Ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp và doanh nghiệp

11:12, 30/07/2013

Kết thúc nửa đầu năm 2013, về tổng quát, kinh tế của tỉnh nói chung tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhưng xét trên từng lĩnh vực, ngành nghề thì vẫn còn nhiều điều đáng lo…

Nguy cơ không đạt kế hoạch

Hạn hán đã làm giảm đáng kể đến sản lượng lúa vụ đông xuân 2012-2013. Trong ảnh: nông dân huyện Krông Pak thu hoạch lúa đông xuân 2012-2013)
Hạn hán đã làm giảm đáng kể đến sản lượng lúa vụ đông xuân 2012-2013. Trong ảnh: nông dân huyện Krông Pak thu hoạch lúa đông xuân 2012-2013)

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh cho thấy, trong nhóm 7 chỉ tiêu chính của kinh tế tỉnh, nhiều chỉ tiêu có kết quả đạt tương đối thấp so với kế hoạch. Chẳng hạn, giá trị tổng sản phẩm đạt hơn 8.160 tỷ đồng, dù có tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ đạt hơn 48% KH; huy động vốn đầu tư toàn xã hội hơn 5.946 tỷ đồng, xấp xỉ 40% KH; kim ngạch xuất khẩu 314 triệu USD, chỉ đạt chừng 42% KH, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu 7,2 triệu USD, tương đương 36% KH; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 1.700 tỷ đồng, đạt trên 40% dự toán HĐND tỉnh giao và chỉ bằng khoảng 88% so với cùng kỳ năm trước… Theo dự báo của UBND tỉnh, với kết quả đó dễ dẫn đến nguy cơ không đạt kế hoạch của cả năm là rất lớn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là do tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, chưa có dấu hiệu phục hồi, thậm chí một số lĩnh vực còn khó khăn hơn so với năm 2012; thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài, ảnh hưởng lớn đến vụ đông xuân 2012-2013 (tổng diện tích gieo trồng 43.314ha, vượt kế hoạch khoảng 10%, các loại cây trồng khác tiếp tục ổn định…) nhưng do nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới ở một số vùng thiếu ngay từ đầu vụ nên nhiều diện tích bị ảnh hưởng, thậm chí mất trắng. Chỉ tính riêng cây lúa, đã có khoảng 8.722ha (hơn 27% diện tích gieo trồng) bị ảnh hưởng của hạn hán, trong đó có hơn 3.046 ha bị mất trắng. Trong chăn nuôi, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như chọn lựa giống chất lượng cao đã được người dân chú trọng, công tác phòng, chống dịch cũng được tăng cường nhưng những tháng đầu năm 2013, nhiều loại dịch bệnh: cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo tai xanh vẫn xảy ra ở một số địa phương làm thu nhập của người chăn nuôi cũng như đóng góp của lĩnh vực này đối với địa phương bị ảnh hưởng đáng kể. Về nguyên nhân chủ quan, UBND tỉnh nhìn nhận công tác chỉ đạo, điều hành giữa các cấp, ngành chưa đồng bộ; những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN chậm được xử lý; tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật thuế gây thất thu ngân sách chậm được khắc phục; việc huy động các nguồn lực đầu tư theo hướng giảm dần đầu tư công và tăng tỷ trọng đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước còn hạn chế…

Giải pháp cho những tháng cuối năm

Do thiếu vốn, Công ty Cổ phần chế biến gỗ Trường Thành M’ Drak  chỉ tổ chức sản xuất cầm chừng.
Do thiếu vốn, Công ty Cổ phần chế biến gỗ Trường Thành M’ Drak chỉ tổ chức sản xuất cầm chừng.

Từ thực tế trên, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giải pháp chủ yếu cho những tháng cuối năm, trong đó về nông nghiệp, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh hại để chủ động phòng chống hiệu quả; tăng cường triển khai các giải pháp đề phòng phát sinh những ổ dịch mới và tái phát các ổ dịch cũ trên gia súc, gia cầm. Tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình giá cả thị trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại cùng với tổ chức tốt công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi, phân bón các loại. Về thu ngân sách, rà soát lại nguồn thu, tìm các biện pháp tăng nguồn thu mới; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hồ sơ khai thuế đối với DN, nhất là các DN kinh doanh nông sản, xây dựng, vận tải, dược phẩm… Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, nhiệm vụ trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, nhất là việc nâng cao các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tiếp tục hỗ trợ các chủ đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh; thực hiện tốt việc tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất, kinh doanh…

Trên thực tế, nhiều DN mong muốn UBND tỉnh dành nhiều ưu tiên hơn cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ DN, bởi đây là ngành nghề chủ lực và có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hầu hết người dân trong tỉnh. Riêng đối với DN, phải thừa nhận rằng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN được xây dựng và triển khai, nhưng kết quả mang lại vẫn còn thấp, những tháng đầu năm, số DN phải tạm ngừng hoạt động, giải thể hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký tiếp tục có xu hướng tăng mạnh. Một trong những khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay vẫn là chuyện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nếu có thêm giải pháp thông thoáng, phù hợp, bảo đảm các quy định hiện hành để DN được tăng cường nguồn vốn vay tương đối đủ phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh thì đó là một trong những giải pháp căn bản giúp các DN phục hồi để phát triển…

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.