Cánh đồng mẫu cà phê: Thêm nguồn lực đầu tư cho nông dân
Cánh đồng mẫu cà phê được xem là mô hình tiên phong trong sản xuất cà phê ở khu vực Tây Nguyên nhằm tiến tới việc sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất, sản lượng. Sự thành công của mô hình không chỉ có ý nghĩa trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và còn tạo thêm nguồn lực đầu tư cho nông dân, tiến tới xây dựng nông thôn mới.
Thêm kênh hỗ trợ cho nông dân
Chỉ cho chúng tôi thấy khu vực chọn làm cánh đồng mẫu cà phê đầu tiên của tỉnh tại xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột), anh Trần Văn Nguyên, chủ tịch Hội nông dân xã vui mừng cho biết: đây là khu vực có diện tích cà phê liền kề lớn và tương đối bằng phẳng, sau khi khảo sát thực địa, xã đã chọn được 61 hộ tham gia với tổng diện tích 38,6 ha. Trước đây Hòa Thuận cũng đã có 8 tổ sản xuất cà phê bền vững đã được cấp chứng chỉ, và cánh đồng mẫu cà phê này được xem là tổ sản xuất thứ 9, với quy trình được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Cụ thể, trước khi tham gia, các hộ nông dân được tuyên truyền, giới thiệu về mô hình, được tập huấn về kỹ thuật, xây dựng tổ hợp tác phát triển cà phê bền vững dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự tham gia của doanh nghiệp, các Viện, ngành khoa học liên quan. Theo đó, vùng cà phê tham gia cánh đồng mẫu đã được Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên lấy mẫu đất để phân tích, trên cơ sở đó đưa ra quy trình hướng dẫn bón phân, phun thuốc, tưới nước hợp lý, cân đối. Nông dân trong xã cũng đã được tham gia nhiều lớp tập huấn, hội thảo về sản xuất cà phê bền vững trong từng lĩnh vực của các công ty, ngành liên quan; được hỗ trợ 30% lượng phân bón lá và ứng trước thuốc bảo vệ thực vật (nếu có nhu cầu). Bác Phạm Khám, nông dân ở thôn 6 cho hay, từ khi tham gia vào mô hình cánh đồng mẫu, được tham gia các lớp tập huấn, các buổi hội thảo… kiến thức về cây cà phê được mở mang và có thể tự giải quyết được những vướng mắc trong sản xuất. Nếu trước đây chỉ chăm sóc theo kinh nghiệm hoặc tùy vào thời điểm có tiền mới mua phân về bón, thì bây giờ đã biết bón phân, phun thuốc đúng thời gian, đúng liều lượng và đúng cách. Hy vọng, với cánh đồng mẫu cà phê, nông dân chúng tôi sẽ được hỗ trợ nhiều hơn, nhất về đầu ra cho sản phẩm và hệ thống máy móc sau thu hoạch. Còn theo anh Văn Hữu Hàn, tổ trưởng tổ hợp tác, cánh đồng mẫu cà phê đã mở ra cơ hội lớn cho nông dân tiếp cận hệ thống kiến thức bài bản, khoa học về kỹ thuật chăm sóc, chế biến cà phê qua từng công đoạn; sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ. Quan trọng hơn, với sự tham gia của 4 nhà sẽ giúp nông dân khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất, nước hợp lý trong quá trình sản xuất, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm cà phê Dak Lak. Hiện tại, mô hình đang được tiếp tục khảo sát để xây dựng lò sấy, giúp nông dân bảo quản tốt sản phẩm sau thu hoạch trong điều kiện mưa nhiều.
Nông dân trao đổi về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê. |
Thắt chặt mối liên kết 4 Nhà
Với mục tiêu hình thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao giúp người trồng cà phê áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách đồng bộ, hạn chế chênh lệch năng suất giữa các vườn, tăng chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê…, cánh đồng mẫu cà phê đầu tiên của Dak Lak đã ra đời trong mối liên kết chặt chẽ của 4 nhà, gồm: UBND thành phố, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty TNHH DakMan Việt Nam, Công ty cổ phần thực vật An Giang và Hội nông dân xã Hòa Thuận.Sau khi mô hình được triển khai (từ tháng 4-2013), các Nhà đã thể hiện được vai trò của mình, như: Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên tiến hành lấy mẫu đất của các hộ để xét nghiệm, các đơn vị phối hợp thực hiện triển khai nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, biện pháp canh tác cho nông dân tham gia cánh đồng mẫu. Tại buổi khảo sát thực địa, đại diện Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã cam kết chung tay cùng chính quyền và nông dân thực hiện có hiệu quả mô hình này thông qua các hình thức hỗ trợ vốn cho một số lĩnh vực như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lò sấy…, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát mô hình, cùng thực hiện với nông dân. Ngoài ra, Công ty TNHH DakMan Việt Nam sẽ bao tiêu sản phẩm và cộng thêm giá hỗ trợ cho nông dân khoảng 300 đồng/kg khi sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn UTZ. Ông Nguyễn Hữu Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố đánh giá: việc thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu cà phê không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc tạo chuyển biến trong tập quán sản xuất của người dân ở đây, mà còn là tiền đề để nhân rộng mô hình ra các địa phương trồng cà phê trên địa bàn tỉnh nhằm tiến tới sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm chi phí đầu tư và tăng năng suất, sản lượng. Đây cũng là bước tiến quan trọng để đạt các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới.
Có thể thấy, với cách làm khoa học và có sự vào cuộc đồng bộ của 4 nhà, mô hình cánh đồng mẫu cà phê đang tạo được sự đồng thuận, hợp tác của người dân trồng cà phê trong vùng. Mô hình sẽ thực hiện trong 3 năm (2013-2016), với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách thành phố và các doanh nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, một số địa phương chuyên canh về cà phê cũng đang xây dựng dự án cánh đồng mẫu cà phê để khắc phục dần tình trạng sản xuất manh mún, thiếu đồng bộ… trong sản xuất cà phê ở Dak Lak.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc