Multimedia Đọc Báo in

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Chia sẻ lợi ích để quản lý bảo vệ rừng bền vững

09:37, 28/08/2013

Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99 của Chính phủ ngày 24-9-2010 đang triển khai trên địa bàn Dak Lak được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng trên cơ sở tăng thu nhập từ rừng…

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin  có tổng diện tích 59.405,7 ha bao gồm 55 tiểu khu  thuộc ranh giới hành chính các xã: Cư Pui, Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn, Hòa Lễ, Hòa Phong, Yang Mao, Cư D’răm (Krông Bông), Dak Phơi, Bông Krang, Krông Nô (Lak). Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, tháng 6-2013, đơn vị đã thiết kế, triển khai giao khoán rừng cho 1.190 hộ gia đình trên địa bàn 9 xã của 2 huyện Krông Bông và Lak với tổng diện tích 32.655,3 ha. Mức chi trả theo Quyết định 817/QĐ - UBND ngày 3-5-2013 của UBND tỉnh là 150.000 đồng/1ha, sau khi trừ 10% chi phí thiết kế, lập hồ sơ…, người nhận khoán sẽ được nhận 135.000 đồng/1ha. Như vậy, nếu mỗi hộ nhận quản lý, bảo vệ 20-30 ha rừng, bình quân mỗi năm có thêm thu nhập khoảng từ 3-4 triệu đồng. Ông Ama Thiên, buôn trưởng buôn Ja, xã Hòa Sơn cho biết, trong buôn có 142 hộ thì 110 hộ tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với diện tích 25-30 ha/hộ; hàng năm mỗi hộ có thêm khoản thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Mức hỗ trợ này đã giúp người dân trong buôn có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, nhất là đối với 32 hộ nghèo. Ngay sau khi ký hợp đồng nhận giao khoán với Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, bà con trong buôn trên cơ sở quy ước bảo vệ rừng được xây dựng trong hương ước đã thường xuyên tổ chức thành các tổ, nhóm cùng với lực lượng kiểm lâm của Vườn tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.

Người dân tham gia bảo vệ rừng cộng đồng cũng sẽ nâng cao trách nhiệm  để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao khoán.
Người dân tham gia bảo vệ rừng cộng đồng cũng sẽ nâng cao trách nhiệm để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao khoán.

Là một trong những doanh nghiệp được cung ứng DVMTR, tháng 7-2013, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông đã triển khai ký hợp đồng giao khoán cho 36 nhóm hộ (gồm 202 hộ) ở 8 thôn, buôn trên địa bàn xã Cư Pui, Cư D’răm, Yang Mao và Cư San của M’Drak với tổng diện tích 5.104 ha. Cũng từ nguồn cung ứng DVMTR, đơn vị có thêm nguồn thu trả lương cho cán bộ, công nhân viên, chi phí cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Hà Văn Liên, Phó Giám đốc Công ty cho biết, việc chi trả phí DVMTR là một cơ chế sòng phẳng giữa các đơn vị khai thác thủy điện, nước sinh hoạt, kinh doanh du lịch với các chủ rừng, người trồng và chăm sóc bảo vệ rừng. Có được nguồn thu này, các đơn vị QL - BVR đẩy mạnh công tác tăng cường tuần tra, truy quét, đầu tư các công trình lâm sinh, làm tốt công tác khoanh nuôi tái sinh rừng. Đây cũng là phương thức hỗ trợ giúp giảm bớt gánh nặng chi đối với ngân sách nhà nước.          

Với tổng diện tích gần 650.000  ha, tỷ lệ che phủ đạt 48,8%, trong đó 562.770 ha rừng tự nhiên và 78.041 ha rừng trồng (31.467 ha rừng trồng cao su), Chính sách chi trả DVMTR được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Dak Lak, bởi đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ông Kiều Thanh Hà, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh là đơn vị ủy thác thực hiện chi trả gián tiếp phí của bên sử dụng DVMTR đến với bên cung ứng DVMTR, đảm bảo kịp thời, đầy đủ đúng quy trình. Việc chi trả phí dịch vụ môi trường rừng cũng góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng thôn buôn, hộ gia đình trong việc phối hợp với chủ rừng để bảo vệ rừng. Việc chi trả phải căn cứ trên cơ sở nhu cầu, kế hoạch hoạt động bảo vệ rừng cụ thể và mức chi trả hợp lý. Rừng tự nhiên trên địa bàn đang được giao cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, ban quản lý, công ty lâm nghiệp và một số giao cho cộng đồng địa phương quản lý, bảo vệ. Trong tổng số tiền cần chi trả 37 tỷ đồng trong năm 2013, đến nay Quỹ đã giải ngân 15 tỷ đồng cho 9 chủ rừng. Ông Hà tin tưởng, với việc triển khai chi trả phí DVMTR đang được thực hiện ở tỉnh ta sẽ góp phần mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đây cũng là một cách chia sẻ lợi ích để triển khai tốt công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng bền vững.

 Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.