Đừng thêm áp lực với... rừng!
Bảo vệ rừng hiện đã trở thành một “cuộc chiến” khi vấn nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép đang diễn ra ngày một nhức nhối; không ít cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm đã phải đổ máu vì sự bình yên của những cánh rừng. Vậy nhưng, có những dự án thủy điện vẫn len lỏi được vào trong vùng lõi của các vườn quốc gia, nơi được xem là vùng của những khu rừng cấm, những khu rừng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tuần tra rừng ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin. |
Tôi còn nhớ như in nỗi thất vọng của người làm công tác gác rừng tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, khi vào năm 2005, dự án thủy điện Ea Ktour, xã Cư Pui, huyện Krông Bông được tỉnh đồng ý cho khảo sát, lập dự án xây dựng tại vùng lõi của rừng đặc dụng - khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn. Ông Lương Vĩnh Linh (Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Flitch Dak Lak) - Giám đốc Vườn ngày đó đã ra sức phản đối bởi sự đánh đổi này đối với Vườn là sự mất mát khá lớn. Trước đó, Vườn cũng đã phải mất 100 ha rừng đặc dụng cho một công trình thủy điện chỉ 11 MW. Ngày đó, cũng từng đã có sự tranh luận nảy lửa giữa lãnh đạo Vườn với các cơ quan chức năng, nhưng rồi họ đành ngậm ngùi “lực bất tòng tâm”. Những tưởng khi dự án thủy điện Ea Ktour trước những phản ứng của địa phương, của cán bộ, lãnh đạo Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và của những người tâm huyết với rừng… thì sau nhiều lần kiểm tra, tạm hoãn sẽ được xem xét lại một cách thấu đáo, toàn diện, lấy sự an nguy của rừng và hệ sinh thái đa dạng sinh học nơi đây làm trọng; thế nhưng, mới đây, Sở Công thương lại có văn bản đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại quy mô từ 7,5 MW xuống còn 5 MW(!?) Có thể thấy dù 7,5 MW hay 5 MW thì sự ảnh hưởng và những hệ lụy của việc xây dựng công trình thủy điện này với môi trường sinh thái, đa dạng sinh học cũng như an ninh cho những cánh rừng nơi đây là khôn lường. Sẽ ra sao đối với những loài bò sát có nguy cơ tuyệt diệt khi dòng chảy của suối Ea K’tour bị đổi dòng chảy? Sẽ ra sao đối với sự tồn tại của những loại đặc hữu quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới khi môi trường sống của chúng thay đổi vì mất rừng? Sẽ chẳng có tiền nào mua được một hệ sinh thái tự nhiên đã tồn tại và phát triển ổn định từ hàng nghìn năm nay… Phải chăng, cũng bởi suy nghĩ Vườn Quốc gia Chư Yang Sin rộng đến hàng nghìn héc ta, lấy đi vài héc ta cho thủy điện thì có thấm vào đâu, đáng gì phải lo(!). Không riêng gì thủy điện Ea K’tour, hiện có nhiều dự án thủy điện đang len lỏi vào các khu rừng cấm, và câu hỏi đặt ra với các nhà quản lý: có nên làm thủy điện bằng mọi giá, bất chấp đề nghị tạm ngưng xây mới các dự án thủy điện Tây Nguyên của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng như sự phản đối kịch liệt của địa phương, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ gác rừng và những người làm khoa học đã và đang gắn bó, tâm huyết với rừng!
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc