Multimedia Đọc Báo in

Nhân rộng hiệu quả mô hình tưới phun mưa trên rau

10:00, 26/08/2013

Từ hai mô hình nhà lưới và tưới phun mưa trên rau ăn lá được dự án Cạnh tranh nông nghiệp Dak Lak đầu tư ở 2 xã Ea Ô và Ea Kmut (huyện Ea Kar) năm 2011, đến nay mô hình tưới phun mưa đã được bà con nông dân trên địa bàn huyện học hỏi và nhân rộng ra khắp vùng trồng rau.

Ứng dụng khoa học vào sản xuất

Trở lại vùng rau thôn Ninh Thanh 1, xã Ea Kmut, huyện Ea Kar, khác với những gì chúng tôi thường thấy trước đây là cứ vào buổi chiều nông dân lại gồng mình kéo những đường ống nước dài để tưới nước cho rau, nhất là vào mùa khô, nhiều hôm tối mịt mà người nông dân vẫn chưa về nghỉ ngơi, bây giờ thay vào đó là những hàng ống thẳng tắp, trên mỗi đầu ống được gắn một béc tưới, chỉ cần bật máy bơm, mở van nước là có thể tưới cho rau mà không cần phải “đụng tay, đụng chân”. Anh Nguyễn Văn Mạnh vui vẻ cho biết, sau khi tham quan mô hình tưới phun mưa trên rau và nhà lưới do dự án Cạnh tranh nông nghiệp Dak Lak đầu tư thấy hay quá, nhưng chi phí làm nhà lưới quá cao nên tôi chỉ lựa chọn đầu tư hệ thống phun mưa trên diện tích 5 sào rau của gia đình. Từ khi có hệ thống tưới này, vợ chồng nhàn hẳn, mỗi buổi chiều thay vì còng lưng kéo dây tưới rau ngoài vườn thì chỉ cần bật máy và canh giờ là có thể xong công đoạn tưới, tranh thủ được thời gian nấu cơm nước, chăm con chăm cháu chứ không phải tất bật như ngày xưa. Ngoài tiết kiệm được công lao động, vườn rau cũng phát triển xanh tốt hơn nhờ được nguồn nước phân bố đều… Hộ anh Nguyễn Văn Thơ cho hay: thấy nhiều hộ trong thôn lắp đặt mô hình này đem lại hiệu quả, tôi cũng tìm hiểu và đầu tư vào vườn rau của gia đình. Quả là nếu biết áp dụng khoa học vào sản xuất thì bà con mình nhàn hẳn, tiết kiệm được công lao động, rau lại không bị dập úng khi tưới.

Hệ thống tưới phun mưa trên rau được nhiều nông dân huyện Ea Kar áp dụng.
Hệ thống tưới phun mưa trên rau được nhiều nông dân huyện Ea Kar áp dụng.

Theo anh Nguyễn Văn Kiên, cán bộ khuyến nông huyện, hệ thống tưới phun mưa trên rau ăn lá hạn chế bệnh rất tốt, vì ngoài cung cấp nước cho cây, rửa lá, cách tưới này còn không làm xây xát tế bào lá như tưới truyền thống, do đó sẽ hạn chế được việc các loại vi sinh vật hại xâm nhập gây bệnh lá rau, giảm tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này  đồng nghĩa với việc bảo vệ được sức khỏe cộng đồng, môi trường và sản xuất bền vững. Từ khi có mô hình của dự án cạnh tranh nông nghiệp, nông dân ở các vùng chuyên canh rau như Ea Ô, Ea Kmut, thị trấn Ea Kar… đã đến tìm hiểu và nhân rộng mô hình. Tuy chưa có con số thông kê cụ thể nhưng ước tính đến 70% hộ trồng rau ở các vùng chuyên canh áp dụng mô hình này.

Cần có sự hỗ trợ cho nông dân

Hiện Dak Lak có hơn 8.000 ha trồng rau các loại với sản lượng gần 130 nghìn tấn, trong đó rau sản xuất theo hướng an toàn chiếm tỷ lệ rất thấp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu đầu tư về cơ sở hạ tầng, trong đó có việc trang bị hệ thống tưới cho rau. Do vậy, dù nhận thấy rõ ưu điểm của tưới phun mưa là có thể thực hiện trên mọi địa hình, cải tạo điều kiện về khí hậu của khu tưới, tiết kiệm nước, bảo đảm mức tưới chính xác, phân phối nước tương đối đồng đều, tự động hóa khâu điều khiển và dễ dàng vận hành... nhưng chi phí ban đầu khá cao, nên ít gia đình có điều kiện triển khai thực hiện. Đơn cử hộ anh Nguyễn Văn Mạnh, với diện tích 5 sào, nhưng đã phải chi phí đầu tư hệ thống tưới 20 triệu đồng, chưa kể máy bơm nước; hoặc hộ anh Nguyễn Văn Thơ, tổng mức đầu tư hệ thống tưới phun mưa cho 4 sào rau khoảng 18 triệu đồng. Với người nông dân, bỏ ra một lúc khoản tiền trên không phải là dễ, cho nên dù thấy “lợi đủ đường” nhưng không phải hộ nào cũng áp dụng được. Trên thực tế, ngoài mô hình tưới phun mưa do dự án Cạnh tranh nông nghiệp đầu tư thực hiện thì vẫn chưa có một chính sách hỗ trợ nào đối với người nông dân về đầu tư hệ thống tưới cho rau, chủ yếu vẫn do nông dân bỏ tiền túi để làm.

Thiết nghĩ, muốn xây dựng vùng rau an toàn, sạch bệnh thì nước tưới và cách tưới nước rất quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng rau. Do vậy, ngoài việc chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, xây dựng nhà lưới… thì các ngành chức năng cũng cần quan tâm đến việc hỗ trợ kinh phí xây dựng và chuyển giao mô hình tưới nước trên rau, tạo điều kiện cho nông dân trồng rau chuyển từ phương pháp truyền thống sang trồng rau an toàn.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc