Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi chim bồ câu nhốt chuồng

10:06, 12/08/2013

Hiện nay, mô hình nuôi chim bồ câu nhốt chuồng (bồ câu Pháp) đang được mở rộng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ nông dân đã chọn hướng phát triển mô hình này bởi kỹ thuật nuôi đơn giản, không đòi hỏi đầu tư nhiều, nhu cầu thị trường lớn, hiệu quả kinh tế cao... Điển hình như hộ gia đình anh Nguyễn Trường Mai và chị Nguyễn Thị Vinh (tổ dân phố 4, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar).

Chuồng bồ câu Pháp của gia đình chị Vinh.
Chuồng bồ câu Pháp của gia đình chị Vinh.

Năm 2007, trong một lần về thăm quê ở xã Vĩnh Điện (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), được tham quan mô hình nuôi chim bồ câu theo hướng nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh chị đã quyết định mua 10 cặp về nuôi thử nghiệm (250.000 đồng/cặp). Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước, đồng thời tìm hiểu qua sách báo, ti vi nên đến nay anh chị đã thực hiện việc nuôi bồ câu nhốt chuồng khá hoàn chỉnh với diện tích chuồng khoảng 20m2, nuôi hơn 300 cặp bồ câu sinh sản. Chị Vinh cho biết: “Nuôi chim bồ câu thịt không khó, không tốn nhiều công chăm sóc cũng như thức ăn, thu hồi vốn nhanh, thế nhưng cần phải nắm vững kỹ thuật. Bồ câu phải ở chuồng nuôi thoáng mát, sạch sẽ, tránh gió và có đầy đủ ánh sáng, hàng năm định kỳ tiêm phòng. Thức ăn cho chim chủ yếu là thóc, gạo lứt, ngô, cám viên công nghiệp, mỗi ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng, chiều nên không tốn quá nhiều thời gian vào việc chăm sóc và có thể tận dụng lao động phụ trong gia đình. Tính chi phí thức ăn cho 100 cặp chim hết khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Chim bồ câu sinh trưởng và phát triển nhanh, thời gian vừa đẻ vừa ấp trứng của chim mẹ khoảng 1 tháng nên việc nhân đàn rất nhanh (bình quân, mỗi năm một cặp bồ câu có thể đẻ 8-9 lứa, mỗi lứa 2 con, từ lúc chim non mới nở đến lúc xuất bán khoảng 10 ngày), giá bán khoảng 80.000 đồng/cặp. Mỗi tháng gia đình anh chị xuất ra thị trường gần 200 cặp chim bồ câu, sau khi trừ chi phí thức ăn còn thu về trên 10 triệu đồng tiền lãi.

Anh Nguyễn Đăng Lân, cán bộ Hội Nông dân huyện Cư M’gar cho biết: mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình chị Vinh đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều nông dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống. Thời gian tới gia đình anh chị sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhằm kịp thời cung cấp chim bồ câu giống và chim thịt ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Trên địa bàn huyện Cư M’gar đến nay đã có gần 20 hộ mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi chim bồ câu, bước đầu mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, bà con cần tìm hiểu kỹ về nhu cầu của thị trường cũng như nắm vững kỹ thuật nuôi để tránh thất bại…

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.