Nguyên nhân các tuyến đường giao thông xuống cấp: “Đói” vốn duy tu, bảo dưỡng đường bộ
Trong những năm qua, nguồn ngân sách Nhà nước dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng đường bộ mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực tế. Thực trạng thiếu vốn bảo trì kéo dài nhiều năm, trở thành một căn bệnh kinh niên của ngành đường bộ là nguyên nhân chính làm cho hệ thống giao thông ở các địa phương hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng, tuổi thọ các công trình cũng ngắn hơn so với thiết kế ban đầu.
Hàng loạt tuyến đường xuống cấp
Dak Lak hiện có trên 10.800km đường các loại, trong đó 5 tuyến quốc lộ với 472,5km; tỉnh lộ 13 tuyến với 399km; đường huyện 71 tuyến với 1.403km; đường xã 3.320km; đường thôn, buôn 4.079km; đường đô thị 751km. Theo số liệu của Sở GTVT, đến nay, tỷ lệ nhựa hóa và bê tông hóa của các tuyến trên địa bàn tỉnh như sau: QL 407/472,5km đạt trên 86%; tỉnh lộ 347/399km, đạt gần 87%; đường huyện 954/1.403km, gần 68%. Như vậy, kết quả thực hiện mục tiêu nhựa hóa đường tỉnh, kế hoạch đến năm 2013 phải được 89,3% và 100% vào năm 2015 là chưa đạt. Đến nay, các tuyến từ QL đến đường thôn, buôn đều xuống cấp trầm trọng, đơn cử như QL14, đoạn phía Nam TP.Buôn Ma Thuột và một số đoạn trên tỉnh lộ 1, 9 và 15. Đa số hệ thống đường trên hồ sơ là đường có cấp quản lý rõ ràng, cụ thể, đối với đường tỉnh là đường cấp IV miền núi, song, trên thực tế, có nhiều đoạn trên tuyến không đạt tiêu chuẩn về cấp như thiết kế ban đầu, do đó kinh phí phân bổ vào công tác sửa chữa không thể đáp ứng nhu cầu, trong khi nhiều tuyến đã có chủ trương nâng cấp từ nhiều năm, nhưng do thiếu vốn nên đến nay vẫn chưa thực hiện. Chẳng hạn, năm 2009 UBND tỉnh đã có chủ trương lập dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 3 từ huyện Krông Năng đi Ea Kar, tỉnh lộ 9 từ Krông Bông đi Krông Pak, Sở GTVT (đơn vị quản lý) đã lập xong dự án đầu tư trong năm đó, nhưng sau 4 năm, các dự án vẫn nằm trên giấy do không có nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, tuyến QL26 – được xem là tuyến đường tốt nhất trong các tuyến QL đi qua địa bàn tỉnh cũng đang có dấu hiệu xuống cấp, ngoài 89km (từ km32 đến km121) được Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư từ năm 2004 – 2007 chất lượng bảo đảm, các đoạn còn lại có nhiều vị trí mặt đường bị rạn nứt, lớp nhựa bị bong tróc, xuất hiện nhiều ổ gà, có dấu hiệu sụt lún, cụ thể, như các đoạn qua khu vực đông dân cư thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar), xã Ea Phê, thị trấn Phước An (huyện Krông Pak), km61-km65 (huyện M’Drak). Bên cạnh đó, một số công trình cầu nằm trên tuyến cũng có dấu hiệu xuống cấp, dầm cầu, thanh sắt bị hoen rỉ gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Điều đáng nói là trong khi nhiều công trình cầu, đường ngày càng xuống cấp, không phát huy được hiệu quả vốn đầu tư, không bảo đảm an toàn giao thông, thì các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng xe chở quá tải trọng cho phép và số lượng phương tiện giao thông cá nhân ngày một gia tăng. Theo dự báo của Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh, số phương tiện xe mô tô, gắn máy trên địa bàn tỉnh dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ vào khoảng 954.991 chiếc. Điều đó đồng nghĩa với việc dễ dẫn đến nhiều tuyến đường ở trong tình trạng quá tải, nhất là khu vực nội đô, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Sửa chữa đường khu vực TP. Buôn Ma Thuột. |
Vốn sửa chữa nhỏ giọt
Theo dự toán giao năm 2013, Sở GTVT được phân bổ 21, 356 tỷ đồng cho công tác sửa chữa có tính chất đầu tư và không có tính chất đầu tư đối với 12 tuyến tỉnh lộ, có tổng chiều dài 225 km. Theo Sở GTVT, số vốn đó chỉ đáp ứng khoảng 40% cho công tác sửa chữa các tuyến đường tỉnh. Được biết, tính đến hết tháng 6-2013, đơn vị đã dùng hết số kinh phí nói trên để duy tu, bảo dưỡng các đoạn bị hư hỏng nặng, bảo đảm giao thông thông suốt và tránh bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề sẽ khiến các công trình giao thông xuống cấp nghiêm trọng hơn, trong khi nguồn kinh phí chỉ là con số 0. Tương tự, Công ty Cổ phần quản lý và xây dựng đường bộ 26, được Bộ GTVT ủy thác quản lý 119 km trên QL26, đoạn từ km32 (điểm giáp với tỉnh Khánh Hòa) đến km151 (giao nhau với QL14), năm 2013, đơn vị được phân khai vỏn vẹn khoảng 6 tỷ đồng cho công tác duy tu, bảo dưỡng, trong đó bao gồm chi phí quản lý, nhân công, vật tư, phương tiện máy móc, cùng với khối lượng công việc khổng lồ như trực bão lũ, vét rãnh, phát quang cây cối, nắn sửa cọc tiêu, biển báo, vệ sinh mặt đường, thanh thải lòng suối, vệ sinh mặt cầu… Tính ra, chi phí trực tiếp cho việc sửa chữa còn lại chẳng còn bao nhiêu. Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Công ty, số tiền phân khai chỉ đáp ứng từ 30 đến 40% so với định mức bảo dưỡng thường xuyên tại Quyết định số 3479/2001/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT. Do nguồn vốn quá ít ỏi, Công ty phải thực hiện giao khoán các hạng mục cho người lao động, trong đó ưu tiên công tác bảo dưỡng hệ thống báo hiệu và hệ thống thoát nước để bảo đảm cho tuyến đường luôn thông suốt, an toàn và nguồn vốn được sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Công Xuân, Trưởng phòng quản lý giao thông (Sở GTVT), cho biết, trong khi kinh phí cấp cho công tác duy tu, bảo dưỡng không đáp ứng nhu cầu thực tế thì nguồn vốn xã hội hóa cho việc đầu tư các tuyến mới cũng như bảo trì đường bộ không đáng kể nên việc sửa chữa không kịp thời, chưa đúng với kỳ hạn quy định. Do đó, Sở đề nghị tỉnh bố trí thêm vốn kinh tế, sự nghiệp giao thông cho công tác duy tu, bảo dưỡng, đồng thời phê duyệt Đề án thành lập quỹ bảo trì đường bộ Dak Lak (Sở đã trình trước đó) để có thêm kinh phí. Đối với những tuyến đường xuống cấp, đề nghị tỉnh bố trí vốn để Sở lập dự án nâng cấp sửa chữa.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc