Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa bến xe khách: Các bên đều có lợi

09:00, 13/08/2013

Những năm gần đây, nhu cầu phát triển hạ tầng bến, bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh tăng nhanh nhưng việc đầu tư còn hạn chế do ngân sách Nhà nước có hạn. Chủ trương xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe của tỉnh góp phần giải quyết bài toán này.

Bến xe khách M’Drak là bến xe mới nhất được xây dựng  theo phương thức xã hội hóa đã đi vào hoạt động.
Bến xe khách M’Drak là bến xe mới nhất được xây dựng theo phương thức xã hội hóa đã đi vào hoạt động.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa bến xe và bãi đỗ, góp phần giảm tải gánh nặng đầu tư cho Ngân sách địa phương là đòi hỏi cấp thiết của ngành giao thông vận tải. Nắm bắt được chủ trương xã hội hóa bến xe, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 13 bến xe đạt chuẩn quốc gia. Đến nay ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều đã có bến xe và tất cả đều được xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Gần đây nhất, HTX Quyết Thắng đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng Bến xe khách M’Drak (xã Krông Jin, huyện M’Drak). Bến xe khách M’Drak là bến xe theo tiêu chuẩn loại III Quốc gia được xây dựng trên diện tích 6.000 m2, tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng, gồm các hạng mục: nhà ga chờ khách, nhà làm việc, nhà ở cán bộ công nhân viên, căng-tin, cửa hàng xăng dầu và nhà vệ sinh công cộng... Bến phục vụ nhu cầu cho 10 đầu xe đi các tuyến từ Dak Lak đến TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, hằng năm tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 100 lao động địa phương. Đây là bến xe đạt tiêu chuẩn loại III thứ 2 mà HTX Quyết Thắng đầu tư xây dựng (trước đó là Bến xe Quyết Thắng (huyện Krông Pak). Bên cạnh những bến xe đã được xây dựng và đi vào hoạt động, thời gian tới, trên địa bàn huyện Krông Buk sẽ xuất hiện một bến xe nữa theo tiêu chuẩn loại II quốc gia. Chủ nhiệm HTX Vận tải Thành Công (thị xã Buôn Hồ) Hồ Hai, chủ đầu tư dự án này cho biết, bến xe khách huyện Krông Buk sẽ được xây dựng theo thiêu chuẩn loại II có diện tích trên 10.000 m2 với tổng kinh phí đầu tư trên 60 tỷ đồng đã nhận được chủ trương và phê duyệt đầu tư của tỉnh, công trình này sẽ đi vào hoạt động vào khoảng nửa đầu năm 2014. Theo Phó Giám đốc sở GTVT Đỗ Bình Chính, tình trạng các bến xe vừa thiếu, vừa hạn chế về cơ sở vật chất, là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông.

Chủ trương xã hội hóa xây dựng và khai thác bến xe với sự tham gia của các thành phần kinh tế đã huy động mọi nguồn lực đã góp phần bảo đảm quy hoạch bến xe trên địa bàn, thay đổi bộ mặt đô thị tại các địa phương, tiến đến xóa bỏ bến cóc, xe dù, tạo điều kiện cho kinh doanh vận tải phát triển, cạnh tranh lành mạnh để phục vụ người dân. Chia sẻ vấn đề này, nhiều địa phương trong tỉnh cũng khẳng định việc các bến xe được xây dựng theo phương thức xã hội hóa là sự hỗ trợ cần thiết trong cả quá trình phát triển. Chẳng hạn, theo Phó Chủ tịch UBND huyện M'Drak Chu Thị Thành, cơ sở hạ tầng tại huyện M'Drak còn đang trong quá trình xây dựng, còn nhiều hạng mục thiếu trong khi ngân sách địa phương chưa thể cáng đáng hết thì việc các doanh nghiệp đầu tư xây dựng bến xe trên địa bàn đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị của huyện, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong huyện. Chủ trương của huyện là luôn hoan nghênh và tạo mọi thuận lợi trong điều kiện có thể giúp doanh nghiệp phát huy hiệu quả của bến xe. Trong khi đó, theo đánh giá của một số người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực vận tải hành khách, hiện tượng quá tải tại các bến xe khiến cả hành khách lẫn nhà xe mệt mỏi, bực mình có thể chấm dứt nhờ bến xe xã hội hóa. Chuyện "cò" vé, chung chi bến bãi, bị "làm luật" khi xe xuất bến, dừng bắt khách dọc đường, các dịch vụ đi kèm như vệ sinh, ăn uống…chất lượng kém cũng sẽ giảm đi nhiều khi có sự cạnh tranh từ các bến xe xã hội hóa như thế này.

Rõ ràng, mô hình xã hội hóa bến xe đã tạo ra “động lực” mới cho sự phát triển của ngành GTVT, làm thay đổi bộ mặt các địa phương, và quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân. Tuy nhiên, để chủ trương xã hội hóa bến xe được thực hiện có hiệu quả, nhiều nhà đầu tư cho rằng, tỉnh nên hỗ trợ doanh nghiệp một phần như hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh bến xe; hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, đào tạo quản lý và khai thác bến bãi. Đồng thời, Nhà nước nên quy định hành lang pháp lý cụ thể cho các bến xe…nhằm khuyến khích các đơn vị, cá nhân yên tâm đầu tư.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc