Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng trong liên kết canh tác ngô - nấm

08:49, 03/08/2013

Ngô là loài cây lương thực quan trọng ở nước ta sau cây lúa nước; thích nghi khá tốt tại các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ. Xét về hiệu quả kinh tế khi so với các nhóm cây trồng khác thì lĩnh vực canh tác cây ngô xếp vào thứ hạng khá thấp và người nông dân canh tác loại cây trồng này chỉ có thể đủ ăn, khó “đổi đời”.

Tuy nhiên nếu ứng dụng tốt những tiến bộ khoa học công nghệ của ngành canh tác và kết hợp với sản xuất nấm ăn thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ vô cùng lớn. Phế phẩm sau thu hoạch ngô (thân, lõi) có chứa nhiều hàm lượng đường, cellulose, muối khoáng… , chúng là một trong những nguồn nguyên liệu chính được xử dụng làm chất nền giá thể rất tốt cho việc sản xuất và canh tác nấm ăn mà hiện nay cả thế giới đã và đang ứng dụng. Bột ngô xay cũng là phụ gia cần thiết trong công thức phối trộn để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng cho sợi và tai nấm phát triển.

Thử nghiệm liên kết canh tác ngô - nấm tại Lâm Đồng.
Thử nghiệm liên kết canh tác ngô - nấm tại Lâm Đồng.

Các chủng loại nấm ăn xứ lạnh cận nhiệt đới phổ thông có năng suất cao, chất lượng tốt, dễ canh tác như: nấm sò (oyster), nấm đùi gà (coprinus), nấm jinfu, nấm chaxingu (agrocybe), nấm mèo, nấm Brasil (agricus)… rất phù hợp cho các khu vực có nền nhiệt độ mát lạnh từ 16 – 260C. Nguyên liệu làm chất nền giá thể của chúng rất đa dạng bao gồm các nguồn phế phẩm nông lâm nghiệp như: mùn cưa, cành nhánh cây rừng, thân vỏ hạt bông vải, thân và lõi ngô, rơm rạ, bã mía… Trong đó nguồn phế phẩm sẵn có tại chỗ của việc canh tác ngô là khả thi nhất tại Tây Nguyên. Ngoài ra lượng phế phẩm chất nền giá thể sau thu hoạch nấm khá lớn, chính là nguồn phân compost nấm vi sinh rẻ tiền, rất hiệu quả cho việc bổ sung nguồn dinh dưỡng hữu cơ và cải tạo đất trồng tơi xốp cung ứng cho thị trường trồng rau, hoa, cây ăn trái lâu năm của địa phương và các khu vực lân cận. Đây chính là chiến lược mở ra hướng đi mới, phát triển nguồn năng lượng thực phẩm xanh - sạch, tái tạo tuần hoàn, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn hơn nhiều lần so với lối canh tác ngô truyền thống. Chiến lược này sẽ giúp người nông dân khu vực miền núi còn nghèo khó có thêm cơ hội đổi đời, tạo dựng cuộc sống sung túc, đồng thời có thể quy hoạch hình thành vùng canh tác đặc sản ngành nấm ăn trong tương lai.

Có thể lấy ví dụ để thấy được hiệu quả của mô hình này: 1 ha canh tác ngô cho sản lượng tốt khoảng 7 tấn/vụ, tương đương với doanh thu 43 triệu đồng, trừ chi phí vật tư và nhân công người canh tác thu lãi ròng tối đa chỉ khoảng 10 triệu đồng trong hơn 3 tháng. Cũng với diện tích 1 ha ngô có thể sản sinh ra khoảng 20-25 tấn phế phẩm (thân, lá, lõi) có thể sản xuất được 30.000 túi trồng nấm (mỗi túi có trọng lượng từ 1 – 1,2kg). Giả định nếu ta trồng nấm sò (loại nấm ăn rẻ tiền nhất trên thị trường nấm Việt Nam hiện nay): 1 túi trồng (1 kg) thu hoạch khoảng 300g nấm (30% so với chất nền), thì với 30.000 túi trồng ta thu được 9 tấn nấm/vụ. Giá nấm sò bình quân là 15.000 đồng/kg, như vậy thu nhập sẽ đạt 135 triệu đồng/vụ. Sau khi trừ chi phí vật tư, nhân công và khấu hao trang thiết bị, người canh tác có thể thu lợi nhuận ròng khoảng 100 – 120 triệu đồng/vụ (3 tháng) và một năm có thể sản xuất 3 vụ ngô và nấm.

Với những chủng loại nấm ăn khác như: nấm mèo, nấm đùi gà, nấm jinfu, nấm chaxingu, nấm Brasil... lợi nhuận thu được sẽ còn cao hơn nhiều.

Tại Dak Lak có một số khu vực có độ cao trên 1.000m như: huyện Lak, huyện Krông Bông, rất thích hợp cho canh tác các chủng loại nấm ăn xứ lạnh này; đặc biệt là canh tác dưới tán rừng thông, trồng xen trong rẫy ngô. Hy vọng rằng trong một tương lai không xa, mô hình này sẽ được phổ biến rộng khắp, giúp tăng thêm thu nhập và việc làm cho bà con nông dân khu vực vùng sâu, vùng xa đang còn nhiều khó khăn.

Dak Lak có lợi thế lớn là trong cùng 1 khu vực bán kính vài chục km nhưng có thể thích hợp khai thác trồng nhiều loại nấm ăn cho 3 vùng khí hậu khác nhau. Cụ thể, vùng khí hậu nóng: nhiệt độ từ 27 – 320C, có thể trồng các loại nấm nhiệt đới như: nấm rơm, nấm linh chi, nấm sò trắng; vùng khí hậu mát: nhiệt độ từ 18 – 260C, có thể trồng các loại: nấm sò nâu (bào ngư), sò xanh, sò vàng, sò hồng, nấm jinfu, nấm đùi gà, nấm trà, nấm Brasil; vùng khí hậu lạnh (khu vực vùng cao quanh dãy Chư Yang Sin):  nhiệt độ từ 16 – 240C, có thể trồng các loại: nấm đông cô, nấm hào, nấm mỡ, nấm Ý. Bên cạnh đó nguồn phế phẩm nông lâm nghiệp tại chỗ có thể cung ứng cho ngành sản xuất nấm ở Dak Lak bao gồm: khoảng 2.000 ha trồng cây bông, hàng chục nghìn ha trồng ngô; ngoài ra mùn cưa, chíp gỗ, cành nhánh cây cao su, cây rừng tại địa phương cũng rất dồi dào.

 Nguyễn Văn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.