Multimedia Đọc Báo in

Cơ giới hóa trong chăn nuôi: Hướng đi mới của nông dân huyện Ea Kar

21:36, 25/09/2013

Tính ứng dụng phù hợp cao, năng suất lao động lớn, không lãng phí nguyên liệu… là những tính năng của chiếc máy băm cỏ được nhiều nông dân ở huyện Ea Kar sử dụng trong chăn nuôi gia súc. Việc cơ giới hóa trong chăn nuôi đã giúp nhiều hộ nông dân giải phóng được sức lao động và tăng hiệu quả kinh tế.

Chiếc máy băm cỏ đã được nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Ea Kar ứng dụng trong chăn nuôi bò. Trong ảnh: Anh Dương Danh Hải đang vận hành máy băm cỏ.
Chiếc máy băm cỏ đã được nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Ea Kar ứng dụng trong chăn nuôi bò. Trong ảnh: Anh Dương Danh Hải đang vận hành máy băm cỏ.

Ea Kar được đánh giá là một trong những huyện phát triển mạnh về chăn nuôi bò bán công nghiệp với tổng đàn khá lớn: 14.700 con. Ngoài việc đầu tư cải tạo chất lượng đàn bò, chủ yếu lai bằng các giống bò ngoại nhập như Zêbu, Brahman… và thụ tinh nhân tạo nhằm tạo ra giống bò có năng suất, chất lượng cao, từng bước thay thế dần đàn bò cỏ địa phương chất lượng thấp, Ea Kar cũng đã khuyến khích các hộ chăn nuôi chuyển diện tích vườn tạp, các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các giống cỏ ngoại Ghinê, Ruri, VA6... đáp ứng nguồn thức ăn xanh cho các giống bò lai. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là trong những năm gần đây, bà con nuôi bò trên địa bàn huyện đã bắt đầu đưa máy móc vào phục vụ chăn nuôi, trong đó có máy băm cỏ cho bò, góp phần rất lớn trong việc tăng hiệu quả chăm sóc đàn bò. Anh Dương Danh Hải, cán bộ khuyến nông viên của xã Ea Kmut cho biết, chăn nuôi bò bán công nghiệp ở xã rất phát triển, phần lớn các hộ đều nuôi thêm vài con bò để phát triển kinh tế gia đình. Bản thân gia đình anh, bình thường trong chuồng có khoảng 10 con bò, do vậy phải trồng thêm cỏ và tận dụng các phụ phế phẩm ủ thức ăn để dành cho mùa khô. Trước kia chưa có loại máy băm cỏ, mỗi khi cho bò ăn là bỏ nguyên cây vào máng, bò ăn lại lôi cả cây vào chuồng, bỏ vương vãi nên khu chuồng trại rất nhanh dơ mà lại lãng phí thức ăn. Hoặc có hộ siêng hơn thì dùng dao băm bằng tay nhưng rất vất vả, làm cả ngày vẫn không đủ cho khoảng chục con bò ăn. Sau đợt tham quan mô hình máy băm cỏ nuôi vỗ béo bò do Khoa Cơ khí của Trường Đại học Tây Nguyên chuyển giao năm 2009 tại huyện Ea Kar, thấy tiện lợi, anh Hải đặt làm một cái với giá gần 5 triệu đồng. Tiện lợi của máy là trong vòng một giờ có thể băm được 8 tạ cỏ, bằng một người làm cật lực trong 4 giờ đồng hồ. Không những vậy, cỏ do máy băm cũng mềm hơn do những thân già cứng đã được máy đập dập, mềm nên bò ăn hết, không lôi vương vãi vào chuồng, giảm tiêu tốn thức ăn đến 25% so với để nguyên cây. Nhận thấy lợi ích của việc cơ giới hóa trong chăn nuôi gia súc, một số hộ trong Câu lạc bộ vỗ béo bò của thôn Cư Cúc, Đoàn Kết xã Ea Kmut cũng lần lượt đầu tư máy móc, tùy vào quy mô mà chọn công suất phù hợp. Anh Đặng Trần Trụ, thôn Cư Cúc cho hay, gia đình nuôi bò từ rất lâu, trước đây chủ yếu dựa vào đồng cỏ tự nhiên, bây giờ thì hướng vào hình thức nuôi nhốt và trồng cỏ để lấy thức ăn cho bò. Từ khi có máy băm cỏ, công việc chăm sóc đàn bò nhẹ hẳn, không phải ngồi còng lưng cả mấy tiềng đồng hồ băm cỏ cho bò; đồng thời còn tranh thủ được thời gian cho máy băm các phụ phế phẩm nông nghiệp như thân bắp, mì… ủ chua cất trữ thức ăn cho bò vào mùa khô.

Có thể thấy, cơ giới hóa trong chăn nuôi với hệ thống thiết bị về cấp nước, thức ăn, vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Chăn nuôi gia súc ở Dak Lak phát triển khá mạnh, nhưng chủ yếu vẫn là nuôi theo kiểu truyền thống, việc đưa máy móc vào phục vụ vẫn chưa được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, chuyển giao công nghệ. Theo anh Nguyễn Văn Kiên, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng so với các địa phương khác, tỷ lệ hộ chăn nuôi có máy móc hỗ trợ trên địa bàn Ea Kar khá cao, trong chăn nuôi bò, hầu hết các hộ có quy mô chăn nuôi lớn đều có máy băm cỏ. Song cơ giới hóa trong chăn nuôi vẫn còn là số ít so với ngành trồng trọt. Hy vọng trong thời gian tới, ngành chăn nuôi của tỉnh sẽ được đầu tư nhiều hơn nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa, tiến tới tính chuyên nghiệp và bền vững.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc