Hướng đi nào cho các công ty lâm nghiệp?
Sau chuyển đổi cơ chế hoạt động, các công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng là sẽ tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh, công tác quản lý - bảo vệ và phát triển vốn rừng tốt hơn, nhưng sau gần 10 năm chuyển đổi, các công ty lâm nghiệp lại rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn…
Nhiều công ty TNHH MTV lâm nghiệp đối mặt với khó khăn trong tranh chấp đất rừng trồng sau khai thác bị lấn chiếm, xâm canh. |
Từ đơn vị sự nghiệp là các lâm trường quốc doanh, sau khi chuyển đổi sang công ty lâm nghiệp, và hiện nay là công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp, 15 doanh nghiệp lâm nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hạch toán độc lập. Nhưng trên thực tế, chỉ là thay đổi tên gọi, còn hoạt động không có gì mới, một số cơ chế chính sách quản lý bảo vệ rừng chưa sát với thực tế hiện nay, nhất là về tài chính, dẫn đến hoạt động của các công ty lâm nghiệp vẫn gần như “dẫm chân tại chỗ”. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng căn cơ nhất vẫn là tiềm lực không có, cùng với sự thiếu năng động, khả năng tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh… của các công ty lâm nghiệp còn yếu và hạn chế, khiến khối kinh tế đầy tiềm năng và thế mạnh này không đạt được những kết quả như mong muốn. Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh tỉnh Dak Lak chỉ rõ, việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn chủ yếu mới thay đổi về tên gọi, chứ chưa thực chất đổi mới về phương thức hoạt động, cơ chế quản lý, sản xuất kinh doanh, cơ chế tài chính, quản lý sử dụng đất. Chính vì vậy, việc chuyển đổi này chưa tạo động lực kích thích phát triển, doanh nghiệp chưa được tự chủ trong hoạt động, quy mô, hiệu quả sản xuất hạn chế. Rừng do các đơn vị này quản lý vì vậy vẫn tiếp tục bị phá, đất đai bị lấn chiếm, xâm canh ngày càng nhiều, tình trạng tranh chấp diễn ra ngày một phức tạp, kéo dài. Mặt khác, dù được thành lập với mục tiêu chủ yếu là quản lý bảo vệ và kinh doanh rừng sản xuất, nhưng các công ty lâm nghiệp không được tự chủ khai thác gỗ theo phương án kinh doanh; diện tích rừng chưa được xác định giá trị để giao vốn cho doanh nghiệp, việc vay vốn ngân hàng thương mại để trồng rừng sản xuất gặp quá nhiều trở ngại (lãi suất cao, thời hạn vay ngắn trong khi chu kỳ sản xuất dài…). Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, đặt doanh nghiệp vào hoàn cảnh hết sức khó khăn vì có đất, có lao động nhưng không phát triển được sản xuất, hoặc sử dụng đất đai kém hiệu quả và không đúng quy định. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Chi cục Phát triển Lâm nghiệp cho biết, các doanh nghiệp lâm nghiệp rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” cũng bởi đang phải gồng mình để quản lý, bảo vệ diện tích rừng và đất rừng rất lớn (hơn 198 nghìn ha), nhưng chỉ có 596 lao động với mức lương bình quân chưa đến 4 triệu đồng/người/tháng, chưa kể một số đơn vị đang trong tình trạng nợ lương , nợ bảo hiểm xã hội, phải cắt giảm lao động, ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý bảo vệ rừng, khiến nhiều đơn vị bất lực trước tình trạng khai thác, chặt phá lấn chiếm rừng và đất rừng. Theo quy định, đơn vị lâm nghiệp nào được giao diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, còn diện tích rừng tự nhiên có thể chuyển thành rừng sản xuất, hoặc đất sản xuất nông nghiệp phải chuyển sang hình thức thuê, trả tiền thuê đất hàng năm, thì mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do không đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nên các công ty lâm nghiệp không đến cơ quan thẩm quyền để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Bùi Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, bày tỏ: việc thuê diện tích rừng tự nhiên để chuyển sang rừng sản xuất, nhưng hiện trạng rừng là rừng trung bình, hoặc rừng nghèo thì việc lấy rừng nuôi rừng là không khả thi. Hơn nữa, nếu thiếu vốn sản xuất – kinh doanh và trồng rừng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cũng không giúp doanh nghiệp lâm nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, còn nếu có tài sản thế chấp thì công ty vẫn phải vay theo lãi suất thương mại bởi ngân hàng không có chương trình cho vay dài hạn và vốn ưu đãi trồng rừng. Còn vốn cho đầu tư sản xuất – kinh doanh, chế biến lâm sản hoặc ngành nghề khác lại càng xa vời!
Để nuôi người giữ rừng và giữ được rừng, hiện một số công ty lâm nghiệp chỉ biết trông chờ kinh phí hỗ trợ từ phí dịch vụ môi trường rừng, số khác thì trông chờ một phần vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ, cộng với khó khăn trong sản xuất – kinh doanh, gặp suy thoái kinh tế, hầu hết các doanh nghiệp lâm nghiệp đều giảm doanh thu. Năm 2012, ngoài công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông có lợi nhuận 2,5 tỷ đồng, hầu hết các đơn vị khác đều thua lỗ. Hai năm 2011 và 2012, các doanh nghiệp lâm nghiệp lỗ hơn 11 tỷ đồng, chiếm 12% số lỗ của các doanh nghiệp nhà nước nói chung. Tình trạng thua lỗ, nợ nần kéo dài, nguy cơ không tiếp tục đứng vững đang hiện hữu. Thậm chí có đơn vị không những người lao động xin nghỉ , ngay cả lãnh đạo cũng xin nghỉ việc, hoặc đề xuất chuyển doanh nghiệp cho đơn vị khác có năng lực quản lý bảo vệ rừng.
Sau khi tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết 28 của Bộ chính trị, tỉnh đã đề xuất Trung ương về những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và mở ra hướng đi mới cho các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp. Trước mắt, UBND tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá lại năng lực của các công ty để đưa ra chương trình, giải pháp khôi phục và phát triển hợp lý. Tiến hành cổ phần hóa đối với một số doanh nghiệp lâm nghiệp, còn đối với những đơn vị nào còn nhiều diện tích rừng tự nhiên làm kinh tế và tự trang trải kinh phí thì giữ nguyên hình thức công ty TNHH MTV. Những đơn vị đang quản lý diện tích rừng tự nhiên thuộc rừng nghèo, không có khả năng lấy rừng nuôi rừng và không có ngành nghề kinh doanh nào khác nên chuyển thành ban quản lý bảo vệ rừng để Nhà nước cấp ngân sách làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Nhà nước cũng cần xây dựng cơ chế , chính sách đặc thù đối với công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp về khai thác gỗ rừng tự nhiên, miễn tiền sử dụng đất, thuê đất là rừng tự nhiên, rừng trồng được vay vốn ưu đãi, được dùng giá trị quyền sử dụng đất trong góp vốn liên kết sản xuất thực hiện các dự án lâm nghiệp.
Tại cuộc họp thông qua phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2013-2015 trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào tháng 7-2013, UBND tỉnh đã thống nhất việc chuyển 7/15 công ty TNHH MTV lâm nghiệp thành ban quản lý rừng do các đơn vị này không đủ năng lực xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; buông lỏng quản lý công tác bảo vệ rừng. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở NN-PTNT triển khai thực hiện rà soát thực trạng diện tích rừng thực tế của các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp: Chư M’Lanh, Rừng Xanh, Ya Lốp, Chư Phả để trên cơ sở đó nếu doanh nghiệp nào còn rừng thì tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, doanh nghiệp nào không còn rừng (hoặc còn quá ít) thì đề xuất phương án sắp xếp cụ thể trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Đây cũng chính là việc làm rốt ráo để cùng “xốc” lại hoạt động của các công ty lâm nghiệp vốn gần như đang “rơi tự do”, làm ăn thua lỗ, bết bát như hiện nay.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc