Xây dựng nông thôn mới ở xã Hòa Thuận (TP.Buôn Ma Thuột): Hiệu quả từ sự đồng lòng của người dân
Đến nay, xã Hòa Thuận (TP.Buôn Ma Thuột) đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu hoàn thành thêm 4 tiêu chí nữa trong năm nay. Có được kết quả này, bên cạnh những thuận lợi sẵn có là sự nỗ lực và sức mạnh tạo nên từ sự đoàn kết, đồng lòng giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã.
Đường 18B tại thôn 8, xã Hòa Thuận chỉ còn chờ trải nhựa. |
Không chỉ về xây dựng đường giao thông, nhiều lĩnh vực khác trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hòa Thuận cũng đạt kết quả đáng phấn khởi. Đến xã Hòa Thuận bây giờ, ai cũng dễ dàng nhận thấy bộ mặt nông thôn tại đây có nhiều đổi thay đến ngỡ ngàng. Các khu dân cư được quy hoạch như những ô bàn cờ với nhiều đường ngang, lối dọc được trải nhựa thẳng tắp; các ngôi trường, hội trường thôn được xây mới đẹp đẽ; nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang cùng những khu dịch vụ buôn bán sầm uất và những cánh đồng cà phê màu mỡ, ngút ngàn... Ông Cao Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thuận phấn khởi: “UBND thành phố đã rà soát và công nhận xã Hòa Thuận đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gồm: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, cơ cấu lao động, giáo dục, văn hóa, hệ thống chính trị xã hội vững mạnh. Kết quả này có được là nhờ sự đồng lòng, đoàn kết nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã”. Quả thật, phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” dường như được áp dụng trong nhiều hoạt động xây dựng nông thôn mới ở Hòa Thuận, từ làm đường giao thông, xây dựng hội trường thôn, các công trình điện đến quy hoạch đều có sự tham gia tích cực của người dân. Theo báo cáo của UBND xã Hòa Thuận, ngoài làm đường, nhân dân trên địa bàn xã còn đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng các hội trường thôn, cơ sở vật chất cho trường học. Nhờ vậy, hiện nay, các trường học trên địa bàn xã đều có cơ sở hạ tầng rộng rãi, khang trang, trong đó có ¾ ngôi trường đã được công nhận đạt Chuẩn quốc gia và dự kiến ngôi trường còn lại cũng sẽ được công nhận đạt chuẩn trong năm nay. Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Vừa qua, xã đã vận động nhân dân chủ động đóng góp kinh phí kéo điện ba pha vào khu canh tác sản xuất và hiện 50% diện tích sản xuất của xã (khoảng 600 ha) đã có điện, tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Ngoài ra, xã cũng đã quy hoạch khu vực dành cho trang trại chăn nuôi quy mô lớn với diện tích gần 100 ha, cách xa khu dân cư 2 km. Việc quy hoạch này được người dân rất đồng tình ủng hộ. Đến nay đã có 26 trang trại chăn nuôi heo, gà với số lượng hàng chục nghìn con tập trung tại khu vực quy hoạch này, việc chăn nuôi bảo đảm quy trình kỹ thuật cũng như không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, để góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập, xã đang triển khai xây dựng cánh đồng mẫu cà phê với diện tích hơn 40 ha tại khu canh tác sản xuất thuộc địa bàn thôn 2, thôn 5, thôn 6. Xã cũng đã vận động bà con chuyển đổi gần 500 ha cà phê già cỗi sang trồng mới cà phê và trồng xen tiêu, các loại cây ăn quả cho năng suất cao nhằm tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Nhờ vậy, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Hòa Thuận đã đạt 30 triệu đồng/người/năm, khá cao so với nhiều địa phương khác; phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm”.
Theo lãnh đạo Đảng ủy xã Hòa Thuận, việc vận động nhân dân ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã khá thuận lợi. Ngoài lợi thế về địa bàn và quy hoạch đã khá quy củ từ trước thì điều quan trọng là Đảng bộ, chính quyền xã đã làm tốt việc vận động, khơi dậy tinh thần đoàn kết, đồng lòng của người dân. Ông Cao Thanh cho biết: “Đảng bộ xã chỉ đạo đến từng cán bộ, đảng viên là phải quán triệt đến từng cơ sở, không để cho chủ trương, chính sách nào của Đảng và Nhà nước không đến với người dân. Khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, chúng tôi không làm theo kiểu xã chỉ đạo phải làm gì mà ngược lại, lắng nghe từ người dân ở thôn, ở từng chi bộ phản ánh xem họ cần gì, thiếu gì, khó khăn ở chỗ nào rồi đề ra nhiệm vụ cụ thể. Khi vận động nhân dân đóng góp làm đường, xây dựng các công trình công cộng thì tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc: dân bàn, dân quản lý và dân giám sát. Nhờ vậy, mọi việc đều rõ ràng, minh bạch, dân chủ, người dân thấy được lợi ích cũng như trách nhiệm của mình. Đặc biệt, lãnh đạo xã cũng thường xuyên, gặp gỡ, trao đổi với các chức sắc tôn giáo trên địa bàn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm phối hợp với họ trong tuyên truyền, vận động nhân dân. Bởi thế, mặc dù địa bàn xã có 49% dân số theo đạo (Phật giáo, Cao Đài, Thiên chúa giáo…) song đồng bào lương giáo đều chung sống cùng nhau rất đoàn kết và đều đồng lòng ủng hộ xây dựng nông thôn mới”. Bên cạnh đó, vai trò của đảng viên cũng được phát huy triệt để. Đảng bộ xã có 15 chi bộ với 172 đảng viên; ở chi bộ nào (nhất là 8 chi bộ thôn), đảng viên cũng đầu tàu gương mẫu, không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động mà còn đi trước, làm gương trong mọi hoạt động.
Trong năm 2013, xã Hòa Thuận đang phấn đấu để đạt thêm 4 tiêu chí nữa về môi trường, y tế, an ninh trật tự và hình thức tổ chức sản xuất. Theo lãnh đạo xã, đến cuối năm nay, nếu xã đạt được 17/19 tiêu chí, còn lại hai tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa và giao thông thì phấn đấu đến năm 2015 Hòa Thuận được công nhận xã nông thôn mới là điều hoàn toàn có thể.
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc