Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Có khoảng 16.000 ha cà phê cần được tái canh

09:35, 19/09/2013
Huyện Cư M’gar hiện có trên 36.000 ha cà phê (chiếm 18% diện tích cà phê toàn tỉnh), trong đó có 34.560 ha cà phê kinh doanh. Trong niên vụ cà phê 2012 – 2013, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cà phê, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức mở 70 lớp tập huấn phòng trừ sâu bệnh hại, chăm sóc cà phê cho 28.000 lượt hộ dân tham gia; xây dựng 2 mô hình trình diễn, quản lý dinh dưỡng, dịch hại tổng hợp trên cây cà phê; 6 mô hình ghép cải tạo vườn cà phê, trồng cây che bóng, tưới nước tiết kiệm… Từ nguồn ngân sách của huyện đã hỗ trợ các hộ nghèo người dân tộc thiểu số men vi sinh để sản xuất 3.000 tấn phân vi sinh từ các phế phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm giản chi phí đầu tư trong chăm sóc cà phê. Huyện còn phối hợp với các công ty kinh doanh cà phê trên địa bàn như: Liên doanh cà phê Dakman; Công ty TNHH ARMAJARO, Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên… để sản xuất cà phê bền vững theo chứng nhận UTZ, cà phê 4C, certified, qua đó đã có 9.081 hộ dân tham gia sản xuất, với tổng diện tích 15.071ha… Tuy nhiên, niên vụ cà phê 2012 – 2013 do thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nắng hạn đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây cà phê, làm giảm năng suất và sản lượng. Bên cạnh đó diện tích cà phê trên địa bàn hầu hết được trồng từ những năm 2002 bằng các giống không chọn lọc, năng suất thấp, kích thước quả không đồng đều, chín không tập trung, gây khó khăn cho việc thu hái, chế biến; một số diện tích cà phê trồng trong diện tích đất đai không phù hợp, thiếu nước tưới, khiến chất lượng cà phê chưa cao, năng suất không ổn định… nên năng suất cà phê trên địa bàn chỉ đạt 2,1 tấn/ha, sản lượng ước khoảng 72.000 tấn/82.560 tấn theo kế hoạch, sản lượng giảm khoảng 14% so với niên vụ cà phê 2011 – 2012.

Để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê niên vụ 2013 – 2014 và những năm tiếp theo, huyện Cư M’gar sẽ tiến hành đồng bộ các giải pháp như: tái canh khoảng 16.000 ha cà phê (chiếm tỷ lệ 45% diện tích); trong đó sẽ tái canh khoảng 11.000 ha cà phê già cỗi và 5.000 ha cà phê không phù hợp với đất, không bảo đảm nguồn nước tưới sẽ được chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Tuy nhiên việc tái canh đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, chất lượng giống… Trong thời gian tới, huyện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi phương thức sản xuất cà phê, áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất cà phê bền vững, cà phê sạch thân thiện môi trường; khuyến khích nông dân nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập ở các vườn cà phê bằng cách trồng xen cây lâu năm như: bơ cao sản, sầu riêng; khuyến khích nông dân xây dựng nhóm hộ, tổ hợp tác, hiệp hội người sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê; hạn chế tình trạng thu hoạch quả xanh để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê…

Công Phong


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.