Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ cà phê ghép cải tạo ở xã Ea Tu

09:11, 29/10/2013
Xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) hiện có 1.330 ha cà phê kinh doanh, trong đó có khoảng 500 ha già cỗi năng suất thấp, cần được tái canh. Không đủ chi phí đầu tư tái canh theo đúng quy trình (trên 100 triệu đồng/ha), những năm gần đây nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã tiến hành ghép cải tạo vườn cây già cỗi và cách làm này bước đầu cho thấy hiệu quả cao.
            Vườn  cà phê  ghép  cải tạo  của  gia đình ông  Võ Văn Chương cho trái sai, quả mỏng.
Vườn cà phê ghép cải tạo của gia đình ông Võ Văn Chương cho trái sai, quả mỏng.

Gia đình ông Y Rít Kbuôr ở buôn Kmrơng A có 1 ha cà phê hơn 20 năm tuổi, gốc cây to bằng thân cây lấy gỗ. Do cà phê già cỗi, thời gian khai thác quá lâu nên thường xuyên bị vàng lá, khô cành, tỷ lệ đậu quả hằng năm rất thấp. Mặc dù gia đình đầu tư chăm sóc nhiều nhưng năng suất vườn cà phê ngày càng giảm, tỷ lệ cây khô ngày càng tăng. Bình quân với 1 ha cà phê, mỗi năm gia đình ông chỉ thu được hơn 1 tấn cà phê nhân, bán đi không đủ chi phí đầu tư chăm sóc. Năm 2009, được Trung tâm Khuyến nông TP.Buôn Ma Thuột hỗ trợ chồi ghép, ông Y Rít đã mạnh dạn cưa ghép cải tạo toàn bộ 1 ha cà phê già cỗi của gia đình. Năm đầu tán cây cà phê còn nhỏ, ông đã cày ải, tận dụng đất trống trồng xen canh đậu xanh, đậu phộng, ngô lai... để có thu nhập, lấy ngắn nuôi dài. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cà phê của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, đến nay năng suất bình quân đạt gần 3 tấn nhân/ha.

Gia đình ông Võ Văn Chương ở thôn 1 có 1,5 ha cà phê, do được trồng bằng nguồn giống kém, lại chưa được chăm sóc đúng cách nên vườn cà phê cho năng suất thấp. Gia đình ông muốn tái canh cà phê song vì chi phí đầu tư quá cao nên vẫn chưa thực hiện được. Năm 2010, sau khi tham quan một số mô hình ghép cải tạo trên địa bàn xã và xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột), ông Chương mạnh dạn cưa đốn, ghép thử nghiệm 5 sào với giống cà phê TR12 xanh lá, nhiều trái. Nhận thấy mầm cây sinh trưởng, phát triển ổn định trên gốc cà phê cũ và cho hoa, cho trái sau 8 tháng nên đến năm 2011 ông mạnh dạn ghép thêm 5 sào, nâng tổng diện tích cà phê ghép lên 1 ha. Hiện nay, năng suất của vườn cà phê ước đạt năng suất hơn 3 tấn nhân/ha. Ông Chương dự định sau khi 1 ha cà phê ghép đi vào thu ổn định, gia đình sẽ tiến hành cưa, ghép cải tạo 0,5 ha cà phê còn lại. Về kinh nghiệm ghép cải tạo vườn cây, ông Chương cho biết, thời điểm ghép tốt nhất là đầu mùa mưa, do vậy ngay sau khi thu hoạch xong cà phê thì người dân nên tiến hành cưa đốn những cây có bộ rễ chắc, không sâu bệnh. Nếu cây đã quá già, khô thì nên nhổ bỏ trồng mới bởi cây ghép sống dựa vào bộ rễ cũ của cây, nếu bộ rễ yếu thì khả năng hút chất dinh dưỡng thấp khiến cho cây bị khô héo, chết dần. Không chỉ ghép cà phê, ông còn cưa ghép thay giống các loại bơ, sầu riêng thường sang bơ sáp, sầu riêng Dona có giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ đó, bình quân mỗi năm, gia đình ông Chương thu về hơn 500 triệu đồng.

Chị Dương Thị Côi, cán bộ khuyến nông xã Ea Tul cho biết, chương trình ghép cải tạo vườn cà phê của địa phương được triển khai từ năm 2007 với 11,6 ha nay đã nhân rộng lên trên 30 ha trải đều khắp xã. Sau 6 năm triển khai, bà con nông dân đã nắm được kỹ thuật nên hiện bà con tự chủ động cưa ghép cải tạo và cách làm này đã mang lại hiệu quả cao. Khi bà con nông dân có nhu cầu, cán bộ khuyến nông xã sẽ đến hướng dẫn và thực hành ghép cây cho bà con nông dân. Cây cà phê ghép nếu chăm sóc tốt, sau 8 tháng sẽ cho hoa nhưng lứa đầu bà con nông dân nên vặt bỏ hoa bởi mắt ghép còn non, chưa đủ khả năng để giữ cành dẫn đến mắt ghép bị tách ra, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây sau này.

 Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc