Multimedia Đọc Báo in

Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp: Vươn lên từ vốn vay thanh niên

09:56, 28/10/2013

Nhằm giải quyết bài toán khó về vốn vay cho thanh niên nông thôn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) huyện Cư M’gar đã thành lập Quỹ khởi nghiệp hỗ trợ thanh niên khó khăn trên địa bàn vươn lên phát triển kinh tế.

Yêu thích nghề sửa chữa xe máy và đã học nghề ở Trung tâm dạy nghề huyện Cư M’gar nhưng do hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn nên anh Y Tô Nô Ktul ở buôn Dray Xi, xã Ea Tar đành gác lại ước mơ mở tiệm sửa chữa xe máy. Để chăm lo cho cuộc sống của hai vợ chồng cùng 3 đứa con, anh và vợ tranh thủ chăm sóc 1 ha cà phê già cỗi và bươn chải làm thuê, làm mướn khắp các buôn làng. Vậy mà hễ trong buôn ai có xe máy bị hỏng hóc đều nhờ anh tới xem và sửa giúp. Thấy số lượng xe máy trong buôn ngày càng nhiều và mỗi lần xe gặp trục trặc mọi người phải dắt bộ một quãng đường xa mới có tiệm sửa chữa, anh Y Tô Nô bàn vợ “liều” vay mượn tiền của người thân, bạn bè về mở tiệm sửa chữa nhỏ trước sân nhà. Do ít vốn  nên anh chỉ mua được một số dụng cụ sửa chữa đơn giản. Biết Hội LHTN huyện có Quỹ Khởi nghiệp hỗ trợ thanh niên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, anh Y Tô Nô mạnh dạn làm hồ sơ đăng ký và được hỗ trợ vay 20 triệu đồng không tính lãi. Có vốn, anh đã đầu tư mua máy bơm hơi, máy tiện, máy hàn, mua các phụ tùng thay thế và mở rộng quy mô tiệm sửa chữa của gia đình. Với tay nghề ngày càng cao và sự đầu tư quy mô, mỗi năm tiệm sửa xe mang về cho gia đình anh thu nhập gần 25 triệu đồng. Có thu nhập, anh đã mạnh dạn đầu tư thêm máy xát lúa, máy tuốt lúa phục vụ nhu cầu xay xát và thu hoạch của bà con. Anh còn tự mày mò học thêm nghề hàn cửa sắt phục vụ nhu cầu người dân. Cuộc sống gia đình anh Y Tô Nô ngày càng ổn định, chăm lo các con học hành đến nơi, đến chốn.

Tiệm sửa chữa xe máy của gia đình anh Y Tô Nô Ktul  luôn đông khách.
Tiệm sửa chữa xe máy của gia đình anh Y Tô Nô Ktul luôn đông khách.

Từ quê hương Thanh Hóa vào lập nghiệp ở thôn 1, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar),  sau một thời gian đi phụ làm nghề cắt đá hoa cương ở TP.Buôn Ma Thuột, anh Trần Văn Xuân nhận thấy nhu cầu sử dụng đá hoa cương làm bếp, cầu thang, trang trí nhà cửa, bàn ghế bằng đá của người dân ngày càng tăng. Với sự nhạy bén của mình, anh đã bàn với gia đình vay mượn tiền bạc mua máy móc và đá hoa cương về làm, tìm mối tiêu thụ. Có hoa tay cộng với cái duyên trong giới thiệu sản phẩm nên khách hàng của anh ngày một nhiều. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình còn khó khăn, vốn ít nên những khi hàng về nhiều anh phải chạy đôn chạy đáo mượn tiền để xoay xở. Được Hội LHTN huyện hỗ trợ 20 triệu đồng không lãi suất  trong vòng 2 năm, anh Xuân đã phần nào tháo gỡ được khó khăn về vốn. Anh đã mạnh dạn đầu tư mua thêm máy móc, thuê nhân công và đa dạng hóa các sản phẩm đá hoa cương. Hiện anh Xuân đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho một thanh niên người dân tộc thiểu số với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập từ thi công các công trình cộng với chăm sóc 3 sào cà phê mỗi năm mang lại cho gia đình anh trên 30 triệu đồng. Anh Xuân cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Quỹ khởi nghiệp mà gia đình tôi đã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Với ưu thế vốn vay không tính lãi trong thời gian 2 năm, tới đây tôi sẽ mở rộng thêm quy mô cơ sở để đáp ứng  nhu cầu sử dụng đá hoa cương của người dân”.

Là bộ đội xuất ngũ, do đất đai sản xuất ít nên cuộc sống gia đình anh Nguyễn Hữu Trí, tổ dân phố Toàn Thắng, thị trấn Ea Pôk gặp rất nhiều khó khăn. Với quyết tâm thoát nghèo, anh đã vay mượn người thân mua 2 con dê mẹ về nuôi. Dê phát triển tốt, ít bệnh tật, nguồn thức ăn dồi dào nên chỉ sau một thời gian 2 con dê mẹ đã sinh ra 4 con dê con. Qua tìm hiểu nhu cầu tiêu thụ thị trường và học hỏi kinh nghiệm nuôi dê của các gia đình trong huyện, anh nhận thấy chăn nuôi phát triển dê cũng là một nghề mang lại thu nhập ổn định nhưng cần có vốn để đầu tư phát triển đàn dê lên số lượng lớn. Sau khi tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi ở xã, anh Trí đã làm hồ sơ xin vay vốn từ Hội LHTN huyện Cư M’gar. Nhận được nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ Quỹ khởi nghiệp, anh Trí đã mua thêm 4 con dê mẹ về nuôi. Từ số dê đó, anh đã phát triển đàn dê lên 30 con, có khi lên đến 40 con; với giá bán ổn định từ 100.000 đến 110.000 đồng/kg, mỗi năm từ bán dê thịt và dê giống mang về cho gia đình anh thu nhập từ 60-70 triệu đồng. 

Đàn dê khởi nghiệp của gia đình anh Nguyễn Hữu Trí.
Đàn dê khởi nghiệp của gia đình anh Nguyễn Hữu Trí.

Tính đến nay, Hội LHTN huyện Cư M’gar đã vận động gây quỹ khởi nghiệp hỗ trợ thanh niên khó khăn được 120 triệu đồng, từ số vốn này đã hỗ trợ cho 6 gia đình thanh niên trên địa bàn huyện đầu tư vào chăn nuôi, chăm sóc cà phê, kinh doanh sửa chữa xe máy, làm đá hoa cương có công ăn việc làm ổn định và vươn lên làm giàu. Việc vay vốn từ nguồn quỹ này có thủ tục khá đơn giản, thanh niên có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế sẽ lập đề án gửi Hội LHTN huyện, những đề án có tính khả thi được Hội đồng thẩm định “Quỹ khởi nghiệp” phê duyệt, cho vay tối đa 20 triệu đồng (không tính lãi) và phải hoàn trả vốn đúng thời hạn quy định. Nhờ sự tiếp sức từ nguồn vốn khởi nghiệp này, nhiều mô hình làm ăn của thanh niên nông thôn trong huyện đã mang lại hiệu quả cao, không chỉ giúp đoàn viên, thanh niên lập nghiệp mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho những thanh niên nông thôn khác, giúp họ thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống. Anh Hoàng Xuân Việt, Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar chia sẻ: “Được vay vốn khởi nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với thanh niên nông thôn trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Với số tiền 20 triệu đồng, tuy chưa nhiều nhưng thật sự rất cần thiết để thanh niên nông thôn đưa ra những ý tưởng sản xuất, kinh doanh và vươn lên lập nghiệp”.

 Tuấn Anh 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.