Multimedia Đọc Báo in

Môi trường hoạt động kém đang dần “bóp chết” doanh nghiệp xuất khẩu cà phê

09:13, 29/10/2013

Lượng xuất khẩu lẫn kim ngạch mang về từ xuất khẩu cà phê niên vụ 2012-2013 của tỉnh Dak Lak giảm mạnh so với niên vụ trước đó đã cho thấy nhiều điều đáng lo ngại. Do vậy, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời thì nguy cơ mất dần thị trường là rất lớn…

Đưa cà phê vào chế biến ướt tại Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi.
Đưa cà phê vào chế biến ướt tại Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Thắng Lợi.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan: tính đến giữa tháng 9-2013, lượng cà phê xuất khẩu của cả nước xấp xỉ 1,4 triệu tấn, kim ngạch gần 3 triệu USD. So với niên vụ trước thì cả lượng xuất khẩu lẫn kim ngạch đều giảm gần 13%. Riêng tại Dak Lak, lượng cà phê xuất khẩu niên vụ 2012-2013 chỉ hơn 224 ngàn tấn, giảm gần 25% so với niên vụ trước; kim ngạch xuất khẩu hơn 463 triệu USD, giảm hơn 25%. Bên cạnh lượng hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu giảm thì vấn đề thị trường xuất khẩu cũng cho thấy nhiều điều lo ngại. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường nhập khẩu cà phê của Dak Lak đã giảm 4 thị trường, chỉ còn 58 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đức vẫn là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu cà phê của Dak Lak, nhưng so với niên vụ trước đã sụt giảm gần 40% về lượng và hơn 38% về kim ngạch; Nhật Bản cũng giảm gần 18% về lượng và 17% về kim ngạch…

 

Một góc dây chuyền chế biến cà phê xuất khẩu  của Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak.
Một góc dây chuyền chế biến cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak.

Có thể khẳng định rằng: xuất khẩu cà phê của Dak Lak bị sụt giảm không phải do nguyên nhân chất lượng kém, mà vì nhiều vấn đề khác liên quan đến môi trường hoạt động của DN xuất khẩu, như: vốn, thị trường, chính sách thuế và nhiều vấn đề khác chưa được giải quyết một cách căn cơ đã đẩy DN vào thế khó khăn. Về vấn đề vốn, mặc dù vào đầu vụ thu hoạch, Chi nhánh NHNN Dak Lak đều có chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động dành một lượng vốn bảo đảm đáp ứng tốt các nhu cầu hợp lý của khách hàng, nhưng trong thực tế, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, việc tiếp cận vốn ngân hàng cũng chưa hoàn toàn thuận lợi. Đối với vấn đề thị trường, việc kiểm tra hoạt động kinh doanh nội địa quá lỏng lẻo dẫn đến hàng loạt DN “ma” ra đời và tổ chức “mua cao, bán thấp”, mua cà phê của người trực tiếp sản xuất nhưng không lập bảng kê theo quy định mà dùng hóa đơn đầu vào của các DN cùng đường dây… gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Trong nhiều trường hợp, để bảo đảm có đủ hàng giao cho đối tác theo các hợp đồng đã ký kết trước đó, không ít DN trên địa bàn tỉnh phải “cắn răng” mua cà phê trên thị trường với giá cao ngất ngưởng, thậm chí là mua cà phê từ các địa phương không có sản xuất cà phê! Về chính sách hoàn thuế GTGT cũng vậy, cơ quan chức năng ban hành các văn bản điều hành nhưng thiếu sự hướng dẫn cụ thể khiến cơ quan thuế địa phương áp dụng cứng nhắc, quá trình kiểm tra đầu vào kéo dài dẫn đến tình trạng chậm được hoàn thuế GTGT làm tăng thêm chi phí, kết cấu giá thành, giảm tính cạnh tranh. Đại diện nhiều DN xuất khẩu cà phê cho biết, từ cuối quý II-2013 đến nay, xuất khẩu cà phê chững lại, thậm chí giảm mạnh chủ yếu do những vướng mắc về chính sách hoàn thuế GTGT. Để hạn chế rủi ro trong khâu thu mua nguyên liệu đầu vào, các DN đã phải lựa chọn giải pháp “tiêu cực” - đó là thu hẹp xuất khẩu.

Niên vụ cà phê mới đã cận kề, các DN xuất khẩu cà phê cũng đã có ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động thu mua, xuất khẩu cà phê. Về vấn đề vốn, mặc dù các tổ chức tín dụng đều phát đi thông tin rằng sẽ bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu vốn hợp lý của khách hàng, song vẫn cần sự can thiệp tích cực từ chính quyền địa phương. Từ thực tế cho thấy, quá trình cho vay xuất khẩu cà phê trong những năm qua đang đối mặt với nhiều vướng mắc, đó là: năng lực tài chính của DN hạn chế, vốn hoạt động chủ yếu vay từ ngân hàng; tài sản bảo đảm chưa đầy đủ tính pháp lý, hoặc nếu có thì chủ yếu là dây chuyền sản xuất, nhà xưởng, kho hàng, tính thanh khoản thấp; một số DN vay vốn từ nhiều ngân hàng, sử dụng vốn không đúng mục đích… Khá nhiều vụ đổ vỡ của các DN kinh doanh cà phê trong thời gian qua đã để lại hậu quả nặng nề cho các ngân hàng đã cho vay, khiến các ngân hàng phải thận trọng, chặt chẽ hơn trong việc cấp vốn, và động thái này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các DN xuất khẩu cà phê. Nếu không có giải pháp cương quyết giải quyết có hiệu quả vấn đề này, DN cà phê Dak Lak sẽ thua ngay trên sân nhà là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Liên quan đến vấn đề môi trường cạnh tranh, cần phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng kẽ hở chính sách để làm ăn bất chính, từ đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN với nhau. Đối với vấn đề thực thi chính sách thuế, phải nghiên cứu xây dựng những chính sách mang tính căn cơ, tránh điều hành theo kiểu “giật cục” như thời gian qua.

Một số thị trường nhập khẩu cà phê của Dak Lak tương đối lớn trong niên vụ 2012-2013, gồm: Đức (số lượng hơn 30 ngàn tấn, kim ngạch hơn 63 triệu USD), Nhật Bản (hơn 26 ngàn tấn, khoảng 55,7 triệu USD), Mỹ (hơn 11 ngàn tấn, hơn 23 triệu USD), Italia (gần 16 ngàn tấn, hơn 34 triệu USD), Thụy Sỹ (gần 17 ngàn tấn, hơn 35 triệu USD), Hàn Quốc (hơn 11,5 ngàn tấn, gần 24 triệu USD), Ấn Độ (7,6 ngàn tấn, hơn 14 triệu USD), Tây Ban Nha (hơn 10 ngàn tấn, hơn 21 triệu USD), Indonesia (hơn 2 ngàn tấn, hơn 4 triệu USD), Nga (trên 7,9 ngàn tấn, hơn 15,6 triệu USD).

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc