Multimedia Đọc Báo in

Xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông): Chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò

16:20, 25/10/2013

Trong những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) đã chủ động chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Nhờ vào việc trồng cỏ nuôi bò này, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo.
Lâu nay ông Hà Văn Hạnh ở thôn Quảng Đông (xã Hòa Sơn) vẫn trồng lúa trên mảnh ruộng rộng hơn 2 sào của gia đình. Với năng suất từ 6 – 7tạ/sào, việc trồng lúa chỉ  bảo đảm gạo ăn hằng ngày cho gia đình. Năm 2012, gia đình ông Hạnh đã mạnh dạn chuyển đổi 250m2 đất ruộng sình lầy sang trồng cỏ chỉ nuôi bò. Chưa đầy 1 năm, đàn bò của gia đình ông phát triển béo tốt và sinh sản thêm 2 con bê. Ông vui mừng tâm sự: “Trước đây, chưa có cỏ, tôi phải đi chăn thả rất xa, nhưng đàn bò của gia đình vẫn gầy ốm. Nhưng từ khi chuyển đổi mảnh đất sình sang trồng cỏ, gia đình không phải mất công đi chăn thả, đến bữa chỉ bỏ ra vài ba chục phút ra ruộng cắt cỏ là đàn bò ăn cả ngày. Có nguồn thức ăn dồi dào, đàn bò của gia đình phát triển nhanh, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa nhiều”. Không chỉ gia đình ông Hạnh mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Sơn cũng chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò. Nhà trồng  ít thì 100m2 cỏ, nhà nhiều thì đến 3-5 sào. Theo nhiều người dân tính toán, nếu trồng 100m2 ruộng cỏ có thể nuôi được 1 con bò, bởi vì một 100m2 cỏ này, có thể cho thu hoạch cỏ quanh năm, bằng việc thu cắt cỏ gối đầu. Nếu tính toán kỹ thì việc trồng cỏ nuôi bò có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với việc trồng lúa. Ông Nguyễn Thảo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn tính toán: “Với 100 m2 đất ruộng trồng lúa hai vụ, bình quân mỗi năm người dân thu được 140 kg thóc, nếu giá bán ra thị trường với giá cao khoảng 6.000 đồng/kg, thì người dân thu được chưa đầy 1 triệu đồng, đó là chưa tính chi phí. Nhưng nếu đưa 100m2 đất trồng lúa chuyển sang trồng cỏ, nuôi được 1 con bò, mỗi năm cho thu nhập từ 5- 7 triệu đồng/con, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, mà không phải mất nhiều công sức và chi phí như cây lúa”

Ông Hà Văn Thạnh (giữa)
Ông Hà Văn Thạnh (giữa) thành công trong việc nuôi bò nhốt chuồng từ việc trồng cỏ trên đất lúa

Theo thống kê của UBND xã Hòa Sơn, trong mấy năm gần đây phong trào trồng cỏ nuôi bò vỗ béo trên địa bàn xã đã phát triển nhanh chóng. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, toàn xã đã chuyển đổi 12 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ, nâng tổng số diện tích trồng cỏ của toàn xã lên 50 ha, trong đó có 4 ha là chuyển đổi từ đất ruộng sình lầy và nhiễm phèn. Chính từ việc mở rộng diện tích trồng cỏ, việc chăn thả trâu bò trên địa bàn xã đã giảm dần, thay vào đó là việc phát triển đàn bò nuôi nhốt thâm canh tăng lên rõ rệt. Từ đầu năm 2013 đến nay, tổng đàn bò của xã đã phát triển lên 4,3 nghìn con, tăng hơn 1 nghìn con so với năm 2012.

Phan Tuân
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.