Multimedia Đọc Báo in

Những người lính vững "tay súng" trên mặt trận kinh tế

09:01, 25/12/2013
Bắt đầu từ chủ trương của Bộ Quốc phòng xây dựng mô hình kinh tế kết hợp quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, cuối năm 1985, Quân khu 5 đã thành lập Đoàn 352 sau đó đổi thành Nông trường Cà phê 352 với quy mô hơn 1.000 ha đất tự nhiên đứng chân trên địa bàn 2 huyện Krông Buk và Cư M'gar, tỉnh Dak Lak.
 
Tháng 4-1987, Quân khu 5 tiếp tục thành lập Nông trường 487, sau đổi tên là Nông trường Cà phê 712 có quy mô 964 ha đất tự nhiên đứng chân trên địa bàn huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Từ những ngày mới thành lập cho đến năm 1995 là một thời kỳ cam go gian khổ. Đặc biệt là Nông trường 352, đứng chân trên vùng núi hoang sơ còn đầy vết tích bom đạn chiến tranh, xa dân cư, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, địa hình đồi dốc, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô bụi đỏ ngập đường. Việc đi lại chủ yếu dựa vào máy kéo MTZ và máy xích DT75 hỗ trợ kéo lầy. Những người lính từ mọi miền đất nước đã về sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt ấy. Với nguồn nước ô nhiễm, những cơn sốt rét hoành hành, thuốc men thiếu thốn, điều kiện chữa trị hạn chế, nhiều công nhân đã phải vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Rồi suốt một thời gian dài đói vốn, lương công nhân chậm trả, đội ngũ cán bộ thì bỡ ngỡ trước công việc mới, năng lực, kinh nghiệm quản lý và trình độ hiểu biết về khoa học kỹ thuật chưa theo kịp yêu cầu. Những gốc cà phê đầu tiên trồng xuống đất này, không được đầu tư chăm sóc đầy đủ, khô cành, héo lá, chết đồng loạt. Năm 1994, cả hai nông trường phải thanh lý gần 100 ha cà phê. Cây trồng đã vậy, vật nuôi cũng không hơn gì. Đàn bò của nông trường không những không tăng mà hao mòn, chết dần cuối cùng phải giải tán, bán thanh lý. Nhiều công nhân chịu đựng không nổi đã rời đơn vị để đi tìm nơi ở mới.

 

Phơi cà phê sau thu hoạch tại Công ty Cà phê 15.
Phơi cà phê sau thu hoạch tại Công ty Cà phê 15.

Ngày 18-4-1996, do yêu cầu sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Công ty Cà phê 15 được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai Nông trường 352 và 712. Kể từ đây Công ty Cà phê 15 trở thành doanh nghiệp chuyên kinh doanh cà phê có quy mô lớn nhất Quân khu 5. Từ ngày thành lập Công ty đến nay đã ba lần thay đổi cơ cấu tổ chức và chuyển đổi vị trí đóng quân, từ phường Yên Thế, thành phố Pleiku nay chuyển sang chính thức đứng chân tại xã Cư Dliê M’nông huyện Cư M'gar, tỉnh Dak Lak. Đầu năm 2010, Công ty Cà phê 15 tiếp nhận thêm Công ty 53 thuộc Binh đoàn 12, quản lý thêm một dự án kinh tế quốc phòng ở xã Quảng Sơn, huyện Dắc Glong (tỉnh Dak Nông) với hơn 900 ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ.  Hiện nay Công ty đóng quân làm nhiệm vụ trải rộng trên 13 xã, 7 huyện, thị xã, thành phố của  3 tỉnh Gia Lai, Dak Lak và Dak Nông. Trung tá Bùi Xuân Tiến, Phó Chủ nhiệm Chính trị Công ty Cà phê 15  cho biết, hiện nay cả nước có 22 Khu kinh tế Quốc phòng, riêng Quân khu 5 có ba khu, trong đó Công ty Cà phê 15 lại được giao quản lý tới 2 khu. Vì vậy việc vận hành lúc đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng sự quyết tâm của Ban Giám đốc công ty cùng sự đồng lòng của cán bộ công nhân viên, công ty đã vượt qua những thời điểm khó khăn nhất. Trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Công ty Cà phê 15 hiện nay có trên 850 ha cà phê kinh doanh, trên 316 ha cao su; 250 ha cà phê, cao su thực hiện theo Chương trình 327. Công ty đã đầu tư nâng cấp 14 hồ chứa nước, xây dựng bốn hệ thống đường dây tải điện với 17 trạm biến áp từ 50 đến 250 KVA. Mở xưởng sản xuất vi sinh cung cấp 4.000 tấn phân/năm. Hiệu quả sản xuất kinh doanh từng bước phát triển năm sau cao hơn năm trước, so với 5 năm 1998-2002 thì 5 năm 2005-2009 bình quân giá trị sản xuất tăng gần 25%, doanh thu tăng 27%, lợi nhuận tăng gần 120%, nộp ngân sách quân đội tăng 23%, thu nhập bình quân của người lao động tăng gần 100%.

Riêng trong năm 2013, giá trị sản xuất của công ty đạt trên 77 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 84 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người toàn công ty đạt gần 4 triệu đồng/người/tháng. Gắn với sản xuất kinh doanh, công ty đã thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Từ năm 1996 đến nay, cùng với việc mở rộng sản xuất, đa dạng ngành nghề, công ty đã tạo việc làm cho 1.450 lao động, trong đó có gần 150 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Ổn định hơn 1000 hộ gia đình với trên 3.500 nhân khẩu, hình thành 11 khu dân cư, đội sản xuất, xây dựng hai trường mầm non với 10 nhà trẻ, xây dựng và bảo đảm vật chất cho Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh... Là đơn vị đứng chân trên địa bàn chiến lược nên công ty thường xuyên có mối liên hệ với cấp ủy chính quyền, nhân dân địa phương, chủ động triển khai làm tốt công tác dân vận. Từng đội sản xuất kết nghĩa với thôn buôn trên địa bàn, mỗi đội sản xuất xây dựng một tổ công tác dân vận do đồng chí đội trưởng sản xuất làm tổ trưởng. Các tổ công tác này bám sát địa bàn, "cùng ăn, cùng ở, cùng làm", tuyên truyền vận động bà con định canh, định cư, vận động nhân dân chấp hành đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không nghe và làm theo sự xúi giục của các thế lực thù địch.

Với những thành tích đã đạt được trong những năm qua, Công ty đã được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế - quốc phòng; Ban Dân vận Trung ương tặng bằng khen về công tác giúp dân xây dựng cụm bản làng dân cư; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen vì hoàn thành xuất sắc thực hiện chương trình xây dựng 1.500 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội; Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc tiêu biểu. Đó là chưa kể còn rất nhiều những phần thưởng cao quý khác mà tỉnh Dak Lak, tỉnh Gia Lai, Hội Liên hiệp các Hội khoa học Việt Nam đã dành tặng cho những người lính của Công ty 15. Đảng bộ Công ty cũng nhiều năm liên tục đạt trong sạch vững mạnh. Đặc biệt, năm 2010, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Công ty và Đại tá Nguyễn Văn Thạch, Giám đốc Công ty Cà phê 15 cũng đã vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng Ba.

Chia sẻ về định hướng của công ty trong thời gian tới, Trung tá Bùi Xuân Tiến cho hay, thời gian tới, định hướng phát triển của Công ty là tập trung vào nhiệm vụ sản xuất theo hướng toàn diện, vươn ra thị trường trong nước và nước ngoài, nâng cao hiệu quả kinh tế, làm ăn có lãi, phá thế độc canh, mở rộng quy mô phát triển đa ngành nghề, tạo việc làm thu hút lao động tại chỗ. Đồng thời, hoàn thành các dự án khu kinh tế - quốc phòng, thường xuyên phối hợp với địa phương bám sát sự chỉ đạo của Quân khu và Bộ Quốc phòng thực hiện kế hoạch đầu tư các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp đời sống, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững sự ổn định chính trị trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên...

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.