Anh nông dân trẻ làm giàu nhờ năng động và sáng tạo
Với tâm niệm “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, Võ Bảo Sơn luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất trên báo đài, qua những mô hình sản xuất giỏi trong và ngoài tỉnh. Sơn cho rằng để làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, phải biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm sao để giảm chi phí đầu tư, không lãng phí sức lao động mà năng suất thu được cao nhất. Năm 1996, anh tìm hiểu và mày mò cải tiến chiếc xe cày xới công nông thành công cụ làm cỏ, xới, vun gốc cho cây ngô, cây mía. Sau nhiều lần được chỉnh sửa, cải tiến, chiếc máy này của anh mang lại hiệu quả rất cao, có thể thay thế cho 15-20 công lao động/ngày. Nhờ đó, thu nhập của gia đình anh được cải thiện đáng kể nhờ tiết kiệm khá nhiều chi phí công làm cỏ, vun xới gốc. Hiện nay, với 12 ha, 3 ha ngô và 2 ha lúa nước, hằng năm gia đình anh có thu nhập từ 550-600 triệu đồng. Vốn đam mê sáng tạo, sau thành công của chiếc máy làm cỏ, vun xới gốc, Sơn tiếp tục cải tiến “một dàn cày rạch hàng để bỏ phân, trồng tỉa ngô, mỗi ngày tỉa 3-4 ha và dàn cày âm phân cho mía, ngô hạn chế được lượng phân thất thoát và rửa trôi, bay hơi, mỗi ngày thay thế được từ 15-20 lao động. Cải tiến này của anh hiện đã được nhân rộng ra địa bàn toàn xã và các địa phương lân cận.
Không chỉ sáng tạo, chàng nông dân trẻ Võ Bảo Sơn còn rất năng động trong việc tìm hướng phát triển kinh tế ở địa phương. Địa bàn nơi Sơn sinh sống có một vùng đất trồng màu với diện tích lớn nhưng lại ở vùng trũng thấp nên cây trồng kém phát triển, năng suất thấp, dần dần bà con bỏ hoang vùng đất đỏ. Thấy vậy, anh đã mạnh dạn bàn bạc với bà con, xin phép chính quyền địa phương cải tạo san lấp mặt bằng, đầu tư máy bơm đưa nước từ sông Krông Ana vào làm lúa 2 vụ. Sau nhiều lần cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh mương, đến nay 30 ha ruộng cải tạo đã trở thành vựa lúa trong vùng với năng suất đạt từ 7-10 tấn/ha.
Những năm gần đây, do giá cả các mặt hàng nông nghiệp luôn bất thường làm người dân không yên tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, Sơn đã mạnh dạn tìm hiểu, đưa mía về trồng ở địa phương, từng bước nhân rộng và phát triển trên địa bàn toàn xã. Để tìm đầu ra ổn định cho cây mía, Sơn đã đứng ra ký kết với Công ty Mía đường Dak Nông xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, hằng năm bao tiêu sản phẩm cho 108 hộ nông dân trên địa bàn xã Cư Kty và các xã lân cận trong huyện với sản lượng trên 10.000 tấn mía nguyên liệu/năm. Anh còn chủ động thành lập 9 tổ đội lao động chuyên môn theo thời vụ, thu hút 125 lao động với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng. Sơn chia sẻ: “Mong muốn của tôi là cùng với một số bà con nông dân trong xã đứng ra xin thành lập hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Nếu hợp tác xã được thành lập thì sẽ thuận lợi hơn trong việc phát triển nông nghiệp của địa phương”.
Không chỉ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, anh Sơn còn thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, gương mẫu và vận động bà con thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Anh và gia đình cũng giúp nhiều hộ nghèo trong xã vươn lên thoát nghèo: từ năm 2008 đến nay đã giúp đỡ 17 hộ trong xã thoát nghèo, ổn định dời sống và hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Thanh Hòa
Ý kiến bạn đọc