Multimedia Đọc Báo in

Cà phê rớt giá: Doanh nghiệp và người dân điêu đứng!

08:44, 10/01/2014
Giá thu mua cà phê trong nước “rớt” mạnh, sản lượng xuất khẩu liên tục giảm khiến phần lớn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê và người trồng cà phê lâm vào cảnh điêu đứng…

Người trồng cà phê khó đủ đường

Khoảng tháng 4-2013 trở lại đây, giá cà phê đột nhiên rớt thảm (từ 25-30% so với trước đó), hiện chỉ còn khoảng 33.000-35.000 đồng/kg nhân xô, giảm từ 10.000-15.000 đồng so với cùng kỳ niên vụ trước. Tuy rằng, thời điểm này giá cà phê đã tăng hơn hồi đầu mùa thu hoạch từ 2.000-5.000 đồng/kg, song, đây vẫn là mức giá thấp nhất so với 3 năm trở lại đây. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, năng suất cà phê trong tỉnh niên vụ 2013-2014 chỉ đạt trung bình 2,3-3 tấn nhân/ha, giảm hơn so với niên vụ trước khoảng 15%. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp để chăm sóc loại cây trồng này lại ngày một tăng cao, để đầu tư mỗi ha cà phê, người dân phải chi phí trên 75 triệu đồng (niên vụ trước chỉ cần đầu tư khoảng 60 triệu đồng/ha), chưa kể tiền thuê nhân công thu hái cà phê thì tính ra giá thành sản xuất cũng đã hơn 34.000 đồng/kg. Như vậy, mức giá cà phê hiện nay đang chạm giá thành sản xuất, nếu bán ra thì người dân không có lãi, thậm chí là lỗ nặng.

Khó khăn lớn nhất của người trồng cà phê trong tỉnh là hầu hết họ đều không có sẵn vốn trong nhà nên phải vay ngân hàng, đại lý thu mua cà phê hoặc mua chịu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các cửa hàng trên địa bàn để đầu tư chăm sóc cây trồng. Sau mỗi mùa thu hoạch, người dân buộc phải bán cà phê để có tiền trả nợ (gốc và lãi) hoặc trả bằng cách quy đổi sang nông sản cho các đại lý. Khó khăn là vậy, song đến thời điểm này, phần lớn người dân vẫn còn “găm hàng” cà phê tại nhà chờ giá lên mới bán. Thời điểm này, người nông dân bán cà phê ra cũng gặp không ít trở ngại. Anh Lê Văn Hòa ở xã Ea Phê, huyện Krông Pak than thở: Giá cà phê đã thấp, khi bán ra còn bị các tư thương ép cấp, ép giá đủ đường như, khấu trừ tỷ lệ độ ẩm, lượng hạt nhỏ, tạp chất nhiều... mà bớt giá từ 200-400 đồng/kg. Bức xúc hơn nữa là đối với những hộ dân đã vay nợ lãi, hoặc mua chịu vật tư nông nghiệp tại các đại lý thu mua cà phê trên địa bàn. Khi người dân chưa kịp thu hết cà phê về nhà đã bị các chủ đại lý cho người đến thu nợ, bất kể là cà phê nhân hay cà phê quả tươi, các chủ nợ thường trừ các tạp chất và công đi thu nợ cao hơn so với mức bán bình thường từ 3- 5%, song người nông dân vẫn phải “bấm bụng” chịu đựng vì nếu làm khó dễ thì niên vụ tới cũng khó mà được nợ tiếp.

Việc chăm sóc vườn cà phê khá tốn kém do giá vật tư nông nghiệp tăng cao.
Việc chăm sóc vườn cà phê khá tốn kém do giá vật tư nông nghiệp tăng cao.

Doanh nghiệp cũng điêu đứng!

Đã mấy tháng nay, việc giao dịch mua bán cà phê trong nước cũng như xuất khẩu yên ắng bất thường, lượng bán ra rất ít nhưng giá cứ giảm liên hồi. Tổng lượng xuất khẩu cà phê cả nước năm 2013 ước đạt 1,32 triệu tấn với giá trị kim ngạch 2,75 tỷ USD, giảm 23,6 % về khối lượng và giảm 25,1% về giá trị so với xuất khẩu của năm 2012. Theo nhận định của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), thời gian tới, giá thu mua cà phê trong nước vẫn khó có khả năng tăng trở lại. Vì vậy hiện nay, phần lớn DN xuất khẩu cà phê trong nước không tích trữ nhiều hàng để xuất, một phần là do không mua được cà phê từ nông dân, phần khác cũng khá thận trọng vì lo giá cả có thể còn xuống nữa. Nguyên nhân chính của việc giá cà phê giảm là do: lượng cung trên thị trường quốc tế khá lớn, nhất là việc nhiều quốc gia sản xuất cà phê lớn như Brazil, Colombia, Indonesia đều được mùa và đang đẩy mạnh lượng hàng bán ra; đồng USD lên giá; sự thao túng của giới đầu cơ quốc tế quá lớn, trong khi các DN trong nước lại hoạt động rời rạc, mạnh ai nấy chạy và thiếu vốn… Từ đó, việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam bị xem nhẹ bởi chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường quốc tế.

Tình hình chung là vậy, còn đối với những DN xuất khẩu cà phê những năm trước luôn được giới kinh doanh đánh giá cao, thì hiện nay cũng lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, thậm chí nhiều DN còn ngừng hoạt động, hoặc tuyên bố phá sản. Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột, thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam) những năm trước đây đang mạnh là thế, nhưng hiện nay cũng ngừng hẳn hoạt động kinh doanh chính do liên tục làm ăn thua lỗ, không còn vốn để tái phục hồi. Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Vinacafe Buôn Ma Thuột cho biết, hiện nay công ty đang còn nợ ngân hàng theo hình thức thế chấp tài sản khoảng 1.400 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này là do những năm trước công ty vay vốn ngân hàng để tích trữ cà phê chờ giá lên mới bán, nhưng bất ngờ giá rớt nhanh khiến công ty thua lỗ nặng, trong khi lãi ngân hàng ngày một tăng cao mà khả năng kinh doanh lại dần thu hẹp… Bên cạnh những doanh nghiệp đang gồng mình cầm cự, chờ vượt qua khó khăn, nhiều DN kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê lâm vào bế tắc, thậm chí nhiều DN đã phải tuyên bố vỡ nợ, phá sản như DN Tính Nên, Chung Đào, Trúc Tâm…

Câu chuyện về giá của ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung và tỉnh Dak Lak nói riêng vẫn còn khá dài hơi. Song để cứu vãn tình thế trước mắt đòi hỏi các DN trong nước cần thắt chặt mối quan hệ hợp tác hơn nữa. Đặc biệt, phía ngân hàng cần ngồi lại với DN để cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn. Ngân hàng cần tạo điều kiện cho DN kinh doanh trả nợ để tiếp tục kinh doanh, từ đó mới sớm thu hồi được nợ; và ngân hàng cũng cần kéo dài thời gian cho vay vốn cho người trồng cà phê để tránh tình trạng phải bán giá thấp để trả nợ ngân hàng khi đáo hạn…

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc