Multimedia Đọc Báo in

Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk: Vững bước trong gian khó

08:02, 26/01/2014

Ngày 8-2-1984, Công ty Cao su Krông Buk được thành lập theo Quyết định số 09/TCCB-QĐ của Tổng cục Cao su Việt Nam (đến năm 2010 chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk) với nhiệm vụ chính là sản xuất kinh doanh cao su, cà phê chè và thương mại, dịch vụ. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, công ty đã vững vàng vượt qua gian khó, đạt được những thành quả đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh công tác an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn; vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba; nhiều bằng khen của Chính phủ và các Bộ, ngành... 

Trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, bên cạnh những thuận lợi, Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đó là sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, những diễn biến thời tiết bất lợi cho sự phát triển của cây cao su ở vùng Tây Nguyên... Tuy nhiên, đó cũng chính là động lực giúp tập thể cán bộ, công nhân công ty phấn đấu để trở thành đơn vị dẫn đầu về năng suất sản phẩm mủ cao su của cả khu vực miền Trung -Tây Nguyên.

Chế biến mủ ướt tại Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk.            Ảnh: B.Đ.K
Chế biến mủ ướt tại Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk. Ảnh: B.Đ.K

Cuối năm 1983, với mô hình “gà mẹ đẻ gà con”, Công ty Cao su Dầu Tiếng (nay là Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng) được giao nhiệm vụ phát triển cao su ở khu vực Tây Nguyên. 26 cán bộ được cử lên vùng đất đỏ bazan để làm nhiệm vụ, đây cũng là thế hệ cán bộ đầu tiên của công ty. Giai đoạn đầu đầy gian khổ, địa bàn mà công ty sẽ khai hoang trồng cao su chỉ toàn là rừng rậm và những hố bom do chiến tranh để lại; cán bộ, công nhân của công ty luôn phải đối mặt với nỗi sợ về thú dữ, sốt rét…, nhưng với quyết tâm cao, công ty đã hoàn thành nhiệm vụ khai hoang, trồng mới được trên 711 ha và hình thành được bộ máy tổ chức, quản lý sản xuất với các phòng ban, nông trường, các đơn vị dịch vụ ở khu vực huyện Krông Buk (nay là huyện Krông Năng và thị xã Buôn Hồ). Từ năm 1986-1990, tập thể cán bộ công ty không những hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản, mà còn khai hoang trồng mới được hơn 870 ha cao su. Và từ năm 1991 đến nay, công ty tiếp tục nhiệm vụ chăm sóc vườn cây, đồng thời tiếp tục trồng mới thêm hơn 1.037 ha. Việc trồng mới kết thúc vào năm 1999, khép lại diện tích cao su của công ty là hơn 2.619 ha. Trong giai đoạn này cũng đã đánh dấu một sự kiện quan trọng là đón “dòng vàng trắng” đầu tiên tại lô 1, Nông trường cao su Ea Hồ-Phú Lộc, mở ra thời kỳ phát triển mới cho công ty. Từ đó công ty tập trung đầu tư thâm canh, đưa năng suất từ 0,7 tấn/ha năm 1991 lên 1,8 tấn/ha năm 2007, bình quân năng suất giai đoạn 2006-2012 đạt trên 1,68 tấn/ha. Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, công ty đã chủ động chuyển đổi theo hướng đa dạng hóa cây trồng, đưa thêm cây cà phê vào cơ cấu sản phẩm kinh doanh. Đối với cây cà phê ngay từ buổi sơ khai cũng được lãnh đạo công ty hết sức quan tâm; theo đó, ở tất cả các khâu từ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phơi sấy, chế biến… đều được đầu tư kỹ lưỡng. Nhờ sự hợp tác chuyển giao công nghệ của Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên về giống cây trồng và kỹ thuật canh tác giống cà phê chè Arabica, công ty đã quy hoạch trồng khoảng 890 ha cà phê đã có từ năm 1999 thành vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu sạch cho nhà máy sản xuất cà phê nhân và bột của công ty. Song song với việc mở rộng vùng nguyên liệu, tăng cường nguồn nhân lực, công ty đã đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại chế biến cà phê theo công nghệ ướt, cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Bên cạnh nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế ngày càng ổn định, bền vững, công ty cũng luôn quan tâm và chăm lo đời sống người lao động, đặc biệt lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Các chế độ lương, thưởng của người lao động luôn được chi trả kịp thời, đúng lúc. Đồng thời, công ty cũng là doanh nghiệp luôn thực hiện tốt việc gắn phát triển kinh tế với an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, hiện công ty đã có một nhà máy chế biến cao su công suất khoảng 6.000 tấn/năm và một nhà máy chế biến cà phê công nghệ ướt đạt 2.500 tấn/năm. Tổng diện tích cao su hiện hơn 8.304 ha, trong đó có khoảng 2.510 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, hơn 5.293 ha trồng ở Campuchia và nhiều diện tích liên kết, trồng xen khác… Thời gian tới, công ty sẽ phát huy hiệu quả cao nhất tính tự chủ, năng động sáng tạo trong đội ngũ lao động để đưa lại thành công cho công ty trong tiến trình tiếp tục đổi mới và không ngừng hoàn thiện, ổn định, phát triển bền vững.

Lê Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.