Multimedia Đọc Báo in

Khi Nghị quyết đi vào lòng dân

08:44, 23/01/2014

Nghị quyết Trung ương 7, (Khóa X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn được xem là cẩm nang để chính quyền và nhân dân xã Ea Kmút (huyện Ea Kar) chung tay đưa tam nông phát triển nhằm đạt mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững để từ đó đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại.

Khi nghị quyết đi vào lòng dân

Cuối năm, con đường chạy vào xã Ea Kmút trở nên tấp nập xe ra vào vận chuyển nông sản làm không khí ở đây chợt nóng lên trong cái lạnh mùa đông. Bà con nông dân cũng tất bật hơn với việc thu hoạch rau, đóng gói, giao hàng cho thương lái. Bà Lê Thị Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã hồ hởi nói với chúng tôi: So với 5 năm về trước, Ea Kmút bây giờ thay đổi nhiều lắm, những vườn cà phê cằn cỗi, kém năng suất đã được thay thế bằng những vườn rau xanh tốt với hệ thống tưới nước tự động hiện đại; đất đai được tận dụng tối đa để trồng cỏ nuôi bò… Thu nhập bình quân đã đạt trên 17 triệu đồng/người/năm. Có được kết quả này là nhờ cây gậy chỉ đường - Nghị quyết Trung ương 7 đã thực sự đi vào lòng dân.

Nông dân xã Ea Kmút ứng dụng hệ thống tưới phun mưa tự động trên vườn rau.
Nông dân xã Ea Kmút ứng dụng hệ thống tưới phun mưa tự động trên vườn rau.

Ea Kmút có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp với diện tích sản xuất lớn, trên 2.700 ha, đất nuôi trồng thủy sản 63 ha. Sau khi có Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) thì vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được nâng lên tầm cao mới, đi vào cuộc sống thông qua các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học, tập huấn kỹ thuật… và bằng những chương trình hành động cụ thể của xã về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ giới hóa trong sản xuất... Theo đó, hàng năm, căn cứ theo tình hình thời tiết của địa phương, xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án sản xuất từng vụ, định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi chủ đạo phù hợp với điều kiện thực tế; chú trọng đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. 5 năm qua, nông dân trên địa bàn xã đã  đưa máy móc, thiết bị vào phục vụ sản xuất, chăn nuôi như: máy gặt đập liên hợp, máy xay xát, máy cày, máy băm cỏ, hệ thống tưới tự động... giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và giảm thiểu chi phí sản xuất, công lao động. Chăn nuôi đã phát triển khá toàn diện, đang chuyển dịch theo cơ cấu vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đặc sản như: nuôi bò vỗ béo, ếch, ba ba, cá rô đầu vuông, cá chép V1...  Sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh kéo theo đời sống vật chất và tinh thần của đa số các hộ dân cư nông thôn được cải thiện rõ rệt: năm 2013 số hộ nghèo giảm còn 176 hộ, chiếm 5,87% tổng số hộ; an ninh nông thôn được bảo đảm, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7.

Bừng sáng làng quê

Theo bà Lê Thị Đức Hạnh, thành công lớn nhất sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 là nền nông nghiệp của xã cơ bản đã chuyển từ sản xuất tự phát, manh mún sang phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, đồng thời khơi dậy được nội lực của người dân để vươn lên làm giàu chính đáng, nhất là từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 5 năm qua, người nông dân nơi đây đã mạnh dạn phá bỏ vườn cây cà phê kém năng suất để trồng cây rau xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay toàn xã có hơn 120 ha rau xanh các loại; mỗi ngày ở hai thôn Ninh Thanh1 và 2 có đến hơn 30 tấn rau  được đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Theo tính toán của người dân, trong điều kiện thuận lợi, 1 ha rau xanh cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, người dân còn mạnh dạn đầu tư công nghệ vào sản xuất như: dùng máy xới đảo đất, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động; một số hộ còn đầu tư nhà lưới để chống sâu bọ, nắng mưa thất thường nhằm giảm sự bất lợi đến năng suất, chất lượng. Song song với việc phát triển của nghề trồng rau, hoạt động nuôi bò nhốt, vỗ béo và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi cũng là một mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, tạo được công ăn việc làm cho nhiều người và tận dụng được hiệu quả sử dụng đất, nhất là vùng đất xấu, cằn cỗi. Hiện tại xã có 3 câu lạc bộ chăn nuôi bò với 50 hộ tham gia, quy mô 450 con đang mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ dân (trên, dưới 100 triệu đồng/năm, tùy vào số lượng nuôi) và đóng góp quan trọng vào lộ trình xây dựng thương hiệu bò thịt Ea Kar.

Nhiều mô hình nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Nhiều mô hình nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Một điều đáng ghi nhận nữa trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 của Ea Kmút là công tác xây dựng nông thôn mới (đến nay xã đã đạt được 8/19 tiêu chí). Theo đó, nhân dân trong xã tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công lao động dọn vệ sinh thôn, buôn, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp… Các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, xã đã huy động được sức người, sức của trong nhân dân để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi; đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu đi lại, giao thương của người dân cũng như việc tưới tiêu, phục vụ sản xuất, dân sinh. Hệ thống điện, chợ nông thôn đang được hoàn thiện theo tiêu chí nông thôn mới tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dịch vụ và đời sống của người dân khu vực nông thôn. Dự kiến đến năm 2015, Ea Kmút sẽ đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới và sẽ về đích trong năm 2020.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc