Multimedia Đọc Báo in

Cú hích từ cây ca cao

09:36, 25/01/2014

Có lẽ, tết này đối với đồng bào Mnông ở xã Yang Tao, huyện Lak niềm vui được nhân đôi khi giá ca cao lên gần 50.000 đồng/kg. Cây ca cao bén duyên trên vùng đất này được xem như “cú hích” thúc đẩy trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nguồn thu nhập từ ca cao không những giúp nhiều hộ đồng bào cải thiện cuộc sống mà còn giúp họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Bén duyên trên vùng đất cằn

Cái không khí se lạnh và những trận mưa nặng hạt cũng không làm giảm sự nhiệt tình của anh cán bộ khuyến nông huyện Lak – Y Thiêm Quan - khi đưa chúng tôi đi thăm các hộ trồng ca cao trong xã Yang Tao. Đi dọc con đường từ Quốc lộ 27 vào sâu trong xã, phía sau những hàng rào dã quỳ vàng rực rỡ là những vườn ca cao xanh tốt, trĩu quả. Anh hớn hở nói với chúng tôi: mùa này bà con thu hoạch nhiều rồi nên vườn còn ít trái, nếu không nhìn mê lắm… Cây ca cao bén duyên với vùng đất này được xem là món quà quý giá đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con nơi đây. Anh kể, trước khi dự án Phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ về đây, vùng này khó khăn lắm; đất nghèo, người cũng nghèo, bà con quanh năm “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, cắm cúi trên mảnh đất cằn với cây sắn, cây ngô (chỉ trồng được một vụ vì không có nước) nhưng cũng chỉ đủ ăn; năm nào trời không thương, mưa, nắng không đều thì nhiều hộ phải gặp cảnh đói giáp hạt… Anh Y Thiêm Quan cho biết: năm 2007, sau khi khảo sát, kiểm tra chất đất, nguồn nước, dự án quyết định đưa cây ca cao trồng thí điểm ở đây nhằm cải tạo vườn tạp và tăng thu nhập cho người dân. Vì đây là loại cây mới nên thời gian đầu cán bộ khuyến nông vô cùng vất vả trong việc thuyết phục bà con đưa về trồng trong vườn nhà. Chúng tôi gần như cùng ăn, cùng làm với bà con để hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, tưới cây…May mắn là có khoảng 60% số hộ đã hưởng ứng và bắt đầu làm quen với cây ca cao.

Tuy số hộ duy trì được cho đến hôm nay chỉ khoảng hơn 30% nhưng đây là những hộ rất thành công, vườn cây được chăm sóc rất tốt, năng suất cao, các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc vườn cây được người dân nắm rất vững, thậm chí kỹ thuật lên men sau thu hoạch cũng được bà con áp dụng và tỷ lệ thành công không thua kém so với những vùng của đồng bào người Kinh. Và không biết từ bao giờ, đối với vùng Yang Tao, cây ca cao đã trở nên quen thuộc với bà con, từ người già đến trẻ em, ai cũng có thể ra vườn để chăm sóc, thu hoạch ca cao. Theo anh Y Thiêm Quan, Dự án phát triển sản xuất ca cao bền vững tại các nông hộ được thực hiện tại huyện Lak từ năm 2007 với mục tiêu giúp các hộ khó khăn cải thiện sinh kế và thoát nghèo. Đến thời điểm này, dự án cơ bản đã chạm đến đích, các vườn cây ca cao trên địa bàn xã phát triển khá tốt; tỷ lệ vườn cây tốt chiếm đến 70-80%, ít bị sâu bệnh, các câu lạc bộ ca cao duy trì được hoạt động thường xuyên để hỗ trợ cho nhau về kiến thức kỹ thuật chăm sóc, lên men, bảo quản sau thu hoạch... Điều đáng mừng nhất là hầu hết các hộ tham gia dự án đời sống kinh tế được cải thiện rất nhiều, thậm chí nhiều hộ đang vươn lên làm giàu bằng chính cây ca cao.

Vườn ca cao nhà chị H’Jưn trong mùa thu hoạch.
Vườn ca cao nhà chị H’Jưn trong mùa thu hoạch.

Cơ hội cho người nghèo

Còn nhớ cách đây 4 năm, chúng tôi có dịp theo các cán bộ của dự án về xã Yang Tao để kiểm tra các vườn ca cao. Một màu xanh của loại cây mới đã bắt đầu phủ lên khu vườn tạp trong niềm vui tràn đầy của nhiều nông dân nghèo. Bàn tay họ vốn quen canh tác cây sắn, cây ngô, giờ bắt đầu làm quen với việc cầm kéo tỉa cành, tạo tán ca cao. Lúc đó, chị H’bim K’bông-một nông dân tham gia vào dự án - đã tâm sự: “làm cây sắn, cây ngô lâu lắm rồi mà đồng bào vẫn không đủ ăn, cái nghèo cứ bám theo mãi. Hy vọng cây ca cao đến sẽ đuổi được cái nghèo đi cho đồng bào có cuộc sống sung túc hơn”. Hôm nay quay lại, chúng tôi đến thăm vườn nhà chị, thật bất ngờ khi vườn cây ca cao đã vươn cao ngang ngôi nhà sàn và trĩu quả. Gặp lại, chị vui mừng rạng rỡ dẫn chúng tôi ra thẳng ngoài vườn hồ hởi khoe: “trái nhiều lắm, chỉ có 700 cây (7 sào) mà bình quân mỗi năm gia đình thu được 1,4 tấn khô, với giá bán giao động từ 45-47 nghìn/kg, tôi có được trên, dưới 60 triệu đồng; đủ trang trải cho cuộc sống gia đình và cho con đi học. So với 1,2 triệu đồng thu nhập từ cây ngô trước đây thì cây ca cao đã đem lại cho những hộ nghèo như chúng tôi một nguồn thu nhập rất lớn”. Vui hơn cả là gia đình chị đã thoát nghèo và được xếp vào diện thu nhập khá của buôn. Hiện chị đang trồng thêm 2 sào, năm nay bắt đầu cho thu bói. Chị cũng đứng ra thu mua hạt ca cao cho nông dân và bán cho các công ty thu mua. Chị H’bim dự định thời gian tới sẽ thành lập Hợp tác xã ca cao để tập hợp nông dân sản xuất theo hướng bền vững và tạo đầu ra ổn định. Từ nguồn thu nhập ca cao, ngôi nhà sàn của gia đình chị đã được làm lại khang trang hơn, với nhiều tiện nghi hơn. Chị cũng đã sắm được xe máy, lo cho con học hành đến nơi đến chốn.

Cũng từ hộ nghèo, nhờ trồng ca cao mà gia đình chị H’Jưn Kmăn (buôn Yok Đôn) đã thoát nghèo. Chị cho biết: gia đình bắt đầu trồng ca cao từ năm 2009, đến nay 1 ha ca cao đã cho thu bói với sản lượng khá cao, 8 tạ khô. Trước đây gia đình nghèo lắm, lại đông con; 8 miệng ăn trông cả vào hơn 1 ha ngô một vụ, thu hoạch chỉ được 2 tấn. Mới qua mấy mùa trăng đã thấy nhà không còn gì ăn, hai vợ chồng lại phải đi làm thuê để lấy tiền nuôi các con. Từ khi chuyển qua trồng cây ca cao, đời sống của gia đình được cải thiện nhiều hơn, đã có của ăn của để. Ngoài sản phẩm thu hoạch trong vườn, chị còn đứng ra thu mua trái tươi của bà con nông dân để lên men và bán lại cho công ty. Bình quân mỗi vụ chị thu mua được gần 1 tấn ca cao khô, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Hiện tại, vợ chồng chị chuyển hết diện tích vườn tạp sang trồng mới thêm 3,6 sào ca cao.

Theo anh Y Thiêm Quan, trong số 471 hộ duy trì vườn ca cao thì hầu hết đã thoát được nghèo và còn rất nhiều hộ như gia đình chị H’bim, H’Jưn đang vươn lên làm giàu từ cây ca cao. Điều này cho thấy cây ca cao đang trở thành cây xóa nghèo trên địa phương, góp phần rất lớn trong việc giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu và đóng góp đắc lực vào chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.