Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả bước đầu từ một mô hình trồng cao su ở huyện Ea Súp

10:43, 12/01/2014
Từ năm 2007, ông Lâm Chí Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đức An lặn lội từ tỉnh Tây Ninh đến huyện Ea Súp tìm mua đất để trồng cao su. Ban đầu, ông Đức chỉ trồng vài héc-ta mang tính thử nghiệm.
 
Do diện tích trồng cao su phần lớn là đất cằn, sỏi đá, nên nhiều người thân trong gia đình ông Đức và không ít người dân ở Ea Súp đã tỏ ra hoài nghi với mô hình này. Bởi ngay tại thời điểm đó, diện tích cao su trên địa bàn huyện Ea Súp đã phát triển đến hơn 2.000 ha ngoài dự kiến và bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, nhưng hiệu quả của cây cao su ở địa phương này như thế nào thì vẫn chưa có lời giải đáp.

Là người kế thừa nhiều kinh nghiệm trồng cao su trong một gia đình có hàng nghìn héc-ta cao su tại tỉnh Tây Ninh, ông Đức đã đem kinh nghiệm của mình áp dụng vào việc trồng cao su tại huyện Ea Súp. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, ông Đức đã bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu điều kiện đất đai, khí hậu một cách tường tận nhằm tìm ra phương pháp trồng và chăm sóc phù hợp cho cây cao su ở vùng đất mới.  

Sau ba năm vật lộn với muôn vàn khó khăn nơi vùng đất mới, ông Đức nhận thấy thời tiết, khí hậu và đất đai ở Ea Súp tương đối giống với vùng đất miền Đông Nam bộ, thích hợp với việc trồng cây cao su. Tuy nhiên, miền Đông Nam bộ có mưa trái mùa, còn Ea Súp thì không nên mùa khô ở Ea Súp khá khắc nghiệt, cần phải tưới cho cây cao su bởi nếu không tưới hoặc tưới không đủ lượng nước theo yêu cầu, đất sẽ mất độ ẩm, làm bộ rễ của cây chậm phát triển. Còn vào mùa mưa, ở Ea Súp thường có mưa dầm trong thời gian dài khiến cây cao su rất dễ chết vì ngập úng. Do vậy, để cao su có thể sống và phát triển tốt, ông Đức đã cho đào rãnh thoát nước ở tất cả các lô đất, đồng thời theo dõi kỹ lưỡng quá trình sinh trưởng của cây theo từng thời điểm, từng chu kỳ để có biện pháp chăm sóc thích hợp.

Ông Lâm  Chí Đức,  Chủ tịch  Hội đồng thành viên Công ty TNHH  Đức An.
Ông Lâm Chí Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Đức An.

Ngay cả việc tưới nước cho cây vào mùa khô, thay vì tưới nước ồ ạt theo phương pháp truyền thống, ông Đức đã mạnh dạn nghiên cứu và cải tiến phương pháp tưới nhỏ giọt của Israel để tìm ra cách tưới thích hợp nhất cho toàn bộ diện tích cao su của gia đình. Theo đó, hầu hết các hàng cây cao su đều được bố trí các đường ống dẫn nước sát từng gốc cây, để khi nước được bơm lên bồn chứa sẽ dễ dàng tưới cho cây bằng cách nhỏ từng giọt và thẩm thấu vào gốc. Phương pháp tưới này không những tiết kiệm được chi phí đầu tư mà còn góp phần chống lãng phí nguồn nước, bảo vệ được tài nguyên nước. Thậm chí, sử dụng hệ thống tưới sẵn có, việc  bón một số loại phân vô cơ và phân sinh học cần thiết cho cây cao su cũng được thực hiện dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, ông Đức còn mạnh dạn thực hiện nhiều biện pháp cải tạo đất, như: sử dụng phân vi sinh và phân hữu cơ bón cho cây trồng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân vô cơ, đồng thời cho trồng xen nhiều loại cây họ đậu với cây cao su nhằm cải tạo môi trường đất và để có thêm nguồn thu nhập.

 Đến nay, Công ty TNHH Đức An của ông Lâm Chí Đức đã trồng được 500 ha cao su tại xã Ea Lê và Ia Jlơi. Nhờ được trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật phù hợp với thời tiết và điều kiện thổ nhưỡng ở Ea Súp nên toàn bộ diện tích cao su của công ty phát triển khá tốt, bước đầu đã có 50 ha cho thu hoạch mủ với năng suất, chất lượng không thua kém cao su ở vùng Đông Nam bộ. Trồng cao su kết hợp với việc trồng nhiều loại cây hoa màu, như: bắp, sắn và một số cây họ đậu, Công ty TNHH Đức An thường xuyên thu hút từ 200 - 300 lao động vào làm việc, chủ yếu là lao động tại địa phương, với mức lương từ 4 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với việc trồng cao su, góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập cho hàng trăm lao động nông thôn, Công ty TNHH Đức An đang xúc tiến đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn xã Ea Lê (huyện Ea Súp) vào năm 2014, với công suất dự kiến khoảng 120 tấn bột khô/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Đây là tín hiệu vui cho bà con nông dân của huyện Ea Súp bởi hiện nay, địa phương này đang có khoảng 4.000 ha sắn được trồng mỗi năm nhưng do chưa có đầu ra tiêu thụ ổn định nên người trồng sắn vẫn luôn bị tư thương ép giá khi đến mùa thu hoạch.

Nguyễn Hiếu


Ý kiến bạn đọc