Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến ngành Công thương tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014

16:53, 10/01/2014

Sáng 10-1-2014, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2013, triển khai nhiệm vụ năm 2014.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và chỉ đạo hội nghị; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Dak Lak có đồng chí Y Dhăm Ênuôl – Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành cùng tham dự.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Dak Lak
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Dak Lak

Báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị đánh giá: sản xuất công nghiệp năm 2013 có sự phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,9% so với năm 2012, chỉ số tiêu thụ toàn ngành tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số tồn kho trong doanh nghiệp giảm từ 21,5% xuống còn 10,2%. Thị trường trong nước tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá; cung cầu các hàng hóa thiết yếu được bảo đảm. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức tăng 6,04%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt, nhờ đó tình trạng nhập lậu qua biên giới được khống chế,  gian lận trong thương mại giảm đáng kể. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012 và tăng ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trong năm, cả nước có 22 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Nhập khẩu năm 2013 tiếp tục phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD.

Năm 2013 với việc thực hiện các giải pháp về kiềm chế lạm phát, giá cả thị trường tương đối ổn định
Năm 2013 với việc thực hiện các giải pháp về kiềm chế lạm phát, giá cả thị trường tương đối ổn định

Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu sau 3 năm thực hiện còn thấp so với kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2011-2015. Do đó, trong năm 2014 và 2015, ngành Công thương đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, đẩy mạnh chương trình khuyến công; ưu tiên tập trung vốn đầu tư cho các công trình, dự án hiệu quả có khả năng hoàn thành trong năm 2014…Phấn đấu đạt giá trị gia tăng ngành công nghiệp – xây dựng bình quân hàng năm từ 6,1 đến 6,3%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 10%; nhập siêu duy trì ở mức dưới 6% so với tổng kim ngạch nhập khẩu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 14%/năm.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả ngành Công thương đạt được trong năm qua, đã đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Thủ tướng cũng lưu ý, năm 2014, ngành cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ thị trường trong nước phù hợp để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, tiếp tục nâng cao hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt nhập khẩu, tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, trong năm 2014 và 2015, ngành sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển một cách toàn diện, bền vững, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm và chiến lược kinh tế xã hội 10 năm.

Cũng tại Hội nghị này, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc giai đoạn 2008-2012 là Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú và Hồ Thị Kim Thoa được vinh dự nhận Huân chương Lao động Hạng 3 của Chủ tịch Nước.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.