Multimedia Đọc Báo in

Hướng tới sản xuất công nghiệp sạch, bền vững

08:04, 26/01/2014

Trong những năm qua, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của tỉnh đã có những bước tăng trưởng khá, góp phần thúc đẩy kinh tế Dak Lak phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp sạch, gắn với bảo vệ môi trường cũng cần được tăng cường để hướng đến nền sản xuất bền vững.

Lợi ích của sản xuất sạch hơn

Toàn tỉnh hiện có 5.770 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó hàng trăm DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CN, với nhiều ngành nghề: chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến cà phê, khai thác và chế biến khoáng sản, điện,… với hàng ngàn cơ sở sản xuất nhỏ. Cùng với đó, các khu, cụm CN đã được xây dựng và đi vào hoạt động, nhưng hệ thống xử lý chất thải chưa hoàn chỉnh. Một số DN, cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận mà chưa chú trọng nhiều đến bảo vệ môi trường hoặc thiếu vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước rác thải đúng tiêu chuẩn… Vì vậy, việc xây dựng và phát triển hoạt động sản xuất sạch hơn (SXSH) trong CN-TTCN có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giảm thiểu các tổn thất nhiên, nguyên vật liệu, đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định và góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường theo định hướng phát triển bền vững, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. SXSH là cải tiến liên tục quá trình sản xuất CN, sản phẩm và dịch vụ để giảm sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa nguồn ô nhiễm không khí, nước và đất, giảm phát sinh chất thải tại nguồn… Trong quá trình sản xuất, SXSH bao gồm tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc, giảm lượng và độ độc của các dòng thải trong quá trình sản xuất. Vì thế, việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế gắn bảo vệ môi trường trong xu hướng hiện nay được coi là giải pháp tăng trưởng ổn định và tất yếu. Vấn đề quan trọng là bản thân các DN cần quan tâm đến SXSH, đồng thời, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo tiền đề đưa CN địa phương phát triển theo hướng bền vững.

Hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học không dùng  hóa chất của Công ty TTHH MTV Cà phê Ea Pôk.
Hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học không dùng hóa chất của Công ty TTHH MTV Cà phê Ea Pôk.

Sản xuất sạch hơn – nhìn từ một DN

Nhằm nâng cao hiệu quả SXSH trong CN, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động về SXSH trong CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 100% các cấp quản lý được phổ biến và nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong CN, 50% DN có cán bộ kỹ thuật được tập huấn về SXSH trong CN, 25 % cơ sở sản xuất trong khu, cụm CN và  10 %  cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm CN áp dụng SXSH; các DN giảm 5 – 8 % nguyên liệu đầu vào, 10% chất thải  trong một số ngành như chế biến lâm sản, nông sản, thực phẩm… Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, SXSH không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn lợi ích về mặt môi trường, cải thiện hiệu suất sản xuất, giảm lượng nguyên, nhiên liệu tiêu thụ từ 10 - 15%, giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước, khí thải và cải thiện sức khỏe nghề nghiệp. Để đạt được điều này, cần thúc đẩy việc tăng cường quản lý Nhà nước, về pháp luật bảo vệ môi trường; đồng thời nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về SXSH và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất CN. Trong đó, quan trọng nhất là các doanh nghiệp cần chú trọng việc SXSH nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và không ảnh hưởng đến môi trường. Điển hình là Công ty TNHH MTV cà phê Ea Pôk luôn chú trọng đến sản xuất sạch, thân thiện với môi trường thông qua việc cải tiến công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn năng lượng và trong xử lý chất thải. Cụ thể, công ty đã đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất từ chế biến khô sang chế biến ướt nhằm tạo ra sản phẩm sạch hơn, chất lượng hơn. Về môi trường, đơn vị đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khép kín theo công nghệ sinh học, nước thải sau khi xử lý có thể dùng để tái sản xuất; lắp đặt hệ thống phun sương để hạn chế bụi trong quá trình sản xuất. Đối với việc sử dụng điện phục vụ sản xuất, DN sử dụng công nghệ mô tơ nhỏ ít tiêu hao điện năng, ưu tiên sản xuất vào giờ thấp điểm. Cùng với việc đề ra quy định tiết kiệm điện là sử dụng hợp lý, tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng là việc tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, điều chỉnh thời gian bật đèn chiếu sáng hợp lý tại khu vực sản xuất… Bên cạnh đó, đơn vị áp dụng chuyển từ tưới bằng động cơ diesel sang bơm điện, giảm được 15% chi phí, giảm lượng nhân công và kéo dài tuổi thọ vườn cây. Ông Cao Văn Tứ, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty cho biết, việc áp dụng SXSH vào quá trình sản xuất giúp đơn vị giảm được chi phí, tiết kiệm nguồn nguyên, nhiên liệu, năng lượng, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường theo hướng sản xuất bền vững.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương: chủ trương của ngành là luôn khuyến khích các DN áp dụng SXSH, đồng thời giới thiệu và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tiết kiệm năng lượng để các cơ sở sản xuất áp dụng, tuy nhiên, nhiều DN chưa thật sự chú trọng đến vấn đề này. Bên cạnh đó, việc thực hiện chương trình SXSH trong CN ở Dak Lak cũng gặp nhiều khó khăn như dây chuyền sản xuất của nhiều DN chưa được đầu tư hiện đại, thiếu các chuyên gia về SXSH và nguồn tài chính để đầu tư cho các công nghệ mới, sạch hơn. Ngoài ra, chưa có hệ thống quy định bắt buộc DN áp dụng SXSH, trong khi các DN, cơ sở sản xuất xả chất thải gây ô nhiễm môi trường chỉ bị phạt nhẹ nên chưa có tác dụng răn đe…

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.