Multimedia Đọc Báo in

Khi cộng đồng làm du lịch

12:40, 28/01/2014

Du lịch cộng đồng đang là xu thế hiện nay, thông qua hoạt động có tính chất xã hội hóa ngành “công nghiệp không khói” này, không những lợi ích kinh kế mang lại được chia sẻ hài hòa giữa doanh nghiệp với người dân, mà theo đó tài nguyên du lịch của từng vùng, từng địa phương được bảo tồn và phát huy theo hướng bền vững. 

Những điểm đến cộng đồng

Hiện nay, mô hình làm du lịch cộng đồng rõ nét và hiệu quả nhất phải kể đến Hợp tác xã (HTX) voi Buôn Jun - huyện Lak. Ở đây các hộ đồng bào dân tộc M’nông tự nguyện đóng góp “cổ phần” của mình bằng đàn voi nhà hiện có để phục vụ du lịch. Ông Bùi Văn Đức,  Chủ nhiệm HTX cho biết: Hoạt động của mô hình du lịch cộng đồng ở đây hết sức đơn giản, hơn 20 thành viên HTX phần nhiều là chủ voi hợp lại và được điều động đưa đón du khách đến tìm hiểu, tham quan Hồ Lak thông qua Ban quản trị tinh gọn từ 2-3 người. Hợp đồng ăn chia theo thỏa thuận trước (4-6, hoặc 5-5), tùy theo thực tế. Tất cả xã viên đều hết lòng đồng thuận, bởi lợi ích đem lại từ mô hình này là không thể phủ nhận.  

Du khách vượt  sông Sêrêpôk - Ảnh: Chính Hữu
Du khách vượt sông Sêrêpôk - Ảnh: Chính Hữu

Những lợi ích đó được ông Chủ nhiệm HTX voi Buôn Jun phân tích: Trước đây, khi chưa vào HTX, đàn voi nhà cũng tham gia làm du lịch và ăn chia phần trăm, tùy theo thỏa thuận giữa hai bên: chủ voi và đơn vị du lịch cần sử dụng voi trong ngày, hoặc theo tour được định trước. Chủ voi nào tham gia nhiều lượt/ngày thì có thu nhập cao và ngược lại… Cũng chính vì thế mà các chủ voi đua nhau tận dụng sức lực, thời gian của voi để kiếm tiền, bất chấp mọi rủi ro gặp phải trong quá trình sử dụng voi. Thực tế này dẫn đến tình trạng đàn voi nhà ở đây nhanh chóng bị suy kiệt về sức khỏe do bệnh tật và chết dần. Đến khi vào HTX thì tình trạng trên dần được khắc phục nhờ kế hoạch, lịch trình sử dụng voi hợp lý dựa trên tinh thần tập thể, có sự tương trợ lẫn nhau trong việc thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của các thành viên trong HTX. Theo ông Đức, mô hình làm du lịch cộng đồng này là hướng đi bền vững, không những tạo công ăn, việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con, mà còn là phương thức bảo tồn đàn voi nhà một cách hữu hiệu.

Voi cùng cộng đồng người M’nông ở Lak tham gia làm du lịch.
Voi cùng cộng đồng người M’nông ở Lak tham gia làm du lịch.

Đến nay, tại các điểm du lịch huyện Lak, Buôn Đôn cũng có nhiều đơn vị du lịch xúc tiến và xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng bằng cách  liên kết, mời gọi người dân tham gia dưới nhiều hình thức: cho thuê cưỡi voi, bơi thuyền độc mộc, cho thuê lưu trú nhà sàn, bán hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực và trình diễn văn hóa cồng chiêng. Ông Ama Nhen ở buôn Jun - huyện Lak và anh Y D’Hoen ở buôn Yang Lành - Buôn Đôn có chung một suy nghĩ: nhờ những hoạt động du lịch mở ra tại buôn làng mà bà con có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Qua tìm hiểu được biết: Mức giá thuê voi được các đơn vị du lịch (ở Lak cũng như Buôn Đôn) chi trả cho chủ voi từ 170.000-180.000 đồng/lượt/giờ; còn thuyền độc mộc là 50.000 đồng/lượt/30 phút và diễn tấu cồng chiêng được thỏa thuận với giá 450.000-500.000 đồng/suất biểu diễn. Số tiền đó tuy không lớn, nhưng nhờ thu nhập đều đặn đã giúp người dân trang trải cho cuộc sống, từng bước tích lũy để tái đầu tư tiếp tục hợp tác và chia sẻ lợi ích từ các công ty du lịch ở địa phương. 

Quán cà phê Điểm hẹn Tây Nguyên gắn với trưng bày và giới thiệu  văn hóa cồng chiêng cũng được gia đình chị Ngô Kim Cúc ở đường  Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột) thu hút du khách tìm đến.
Quán cà phê Điểm hẹn Tây Nguyên gắn với trưng bày và giới thiệu văn hóa cồng chiêng cũng được gia đình chị Ngô Kim Cúc ở đường Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột) thu hút du khách tìm đến.

Cần được tiếp sức

Có thể nói, những mặt tích cực mà mô hình du lịch cộng đồng mang lại đã rõ, song điều đáng quan tâm nhất hiện nay là mới chỉ có số ít người có tài sản (voi, thuyền, nhà dài, cồng chiêng) được chia sẻ lợi ích này, còn những gia đình nghèo khác trong vùng vẫn chưa có điều kiện để tham gia. Theo thống kê của Sở VH-TT-DL, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phục vụ du khách ở các khu du lịch Lak, Buôn Đôn còn khá khiêm tốn, tính ra có hơn 10 nhà dài đủ tiêu chuẩn, số voi còn khoảng trên dưới 40 con (không  kể voi của các đơn vị du lịch đã mua), thuyền độc mộc khoảng 30 chiếc và 5-7 đội văn nghệ  biểu diễn cồng chiêng của người bản địa. Số liệu này cho thấy “tài sản” của người dân có được để hợp tác, chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch còn quá ít, vì thế không đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Diễn tấu nhạc cụ và dân ca - dân vũ của người Êđê ở Buôn Bông, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) được đưa vào phục vụ du khách.
Diễn tấu nhạc cụ và dân ca - dân vũ của người Êđê ở Buôn Bông, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) được đưa vào phục vụ du khách.

Nhiều người tham gia hợp tác với mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn Dak Lak nhìn nhận: song song với lợi ích kinh tế mang lại cho họ, thì vốn văn hóa của các tộc người bản địa được giới thiệu đến với du khách trong và ngoài nước một cách chân thật, sâu sắc và sinh động hơn. Đây cũng chính là yếu tố quyết định mức độ thành công của du lịch cộng đồng. Vốn văn hóa của cộng đồng dân tộc nào càng độc đáo, đặc sắc thì càng thu hút nhiều du khách tìm đến. Như vậy, cùng một lúc nó sẽ giải quyết được hai vấn đề cơ bản: thu nhập cho người dân và khơi dậy, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa. Nói cách khác, “bài toán” giữa bảo tồn và phát triển đã có lời giải nhờ hoạt động du lịch dựa vào thế mạnh cộng đồng này.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trăn trở đặt ra trong thực tế là hiện nay việc quy hoạch, tổ chức và hướng dẫn các hoạt động du lịch cộng đồng chưa thật sự được quan tâm, đầu tư một cách khoa học và bài bản. Đặc biệt là phía người dân tham gia - họ chưa được đào tạo và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của du khách, khiến hiệu quả trên cả hai mặt kinh tế và phát huy vốn văn hóa truyền thống chưa đạt được như mong đợi. Và đây cũng là điều mà nhiều người dân trong vùng có tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng Dak Lak rất mong được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, trong đó gần gũi và trực tiếp là các doanh nghiệp kinh doanh, khai thác loại hình du lịch có xu thế ngày càng phát triển và thịnh hành này. 

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc