Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao tính cạnh tranh cho du lịch Dak Lak: Ngành Du lịch cần không ngừng tự "làm mới" mình

08:58, 27/01/2014
Là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh và truyền thống văn hóa đa dạng, trong những năm qua ngành Du lịch Dak Lak đã tập trung khai thác khá hiệu quả các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa. Một số khu du lịch đã được hình thành và trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước: Bản Đôn, hồ Lak, thác Dray Nur… Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào ngành du lịch trong những năm qua gặp nhiều khó khăn và chưa tương xứng với tiềm năng. 
Du lịch voi - Thương hiệu du lịch hấp dẫn du khách  trong nước và quốc tế.
Du lịch voi - Thương hiệu du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
 
Năm 2013, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ta ước đạt 410.000 lượt, bằng 88,17% kế hoạch, tăng 26,15% so với năm 2012; doanh thu đạt 310 tỷ đồng, công suất sử dụng buồng phòng tương đương 62%, tăng 1,63% so với năm 2012. Mặc dù kết quả thực hiện các chỉ tiêu đều tăng so với năm 2012 nhưng năm 2013, hoạt động của ngành du lịch Dak Lak vẫn khá trầm lắng, chưa tạo được bước đột phá mạnh mẽ, bởi doanh nghiệp chưa có sự đầu tư chiều sâu, mà chủ yếu chỉ tận dụng tài nguyên để khai thác phục vụ lợi ích trước mắt. Đó cũng là một trong những lý do khiến ngành du lịch của tỉnh thiếu tính ổn định và bền vững. Minh chứng rõ nét qua thực tế là gần như du khách đến Buôn Ma Thuột chỉ một lần (cho biết) rồi thôi. Điều này cho thấy, độ hấp dẫn, tính cạnh tranh của du lịch Dak Lak đang “lép vế” so với một số địa phương khác trong khu vực. Ông Y Wai Byă, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng thừa nhận: thực trạng đầu tư phát triển du lịch của các doanh nghiệp trong tỉnh ngày càng khó khăn, đa số chỉ tập trung đầu tư nhiều vào lĩnh vực kinh doanh lưu trú (khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ). Các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính chưa đầu tư mạnh vào các điểm du lịch, khu vui chơi, giải trí mới, các doanh nghiệp du lịch chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng các chương trình, tạo ra các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn mang tính đặc thù và cạnh tranh cao. Hiệu quả kêu gọi đầu tư còn thấp, các dự án về du lịch được các nhà đầu tư đăng ký nhiều, nhưng chưa triển khai hoặc tiến độ triển khai chậm do tiềm lực của doanh nghiệp yếu, hoặc đã bị thu hồi… Ngoài ra, đến nay ngành du lịch vẫn chưa khai thác tốt lợi thế của đường hàng không từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vinh, Đà Nẵng đến Buôn Ma Thuột để thu hút du khách nội địa. Công tác xúc tiến, hợp tác với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế, cũng như việc đầu tư phát triển tuyến du lịch đường bộ từ Buôn Ma Thuột đi Lào, Campuchia và Thái Lan chưa hiệu quả. Thêm vào đó, một số công trình giao thông, nhất là đường giao thông đến các điểm, khu du lịch, ngày càng xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được duy tu, bảo dưỡng kịp thời…
Lễ hội cồng chiêng - sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù của Dak Lak.
Lễ hội cồng chiêng - sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù của Dak Lak.

Để nâng cao sức hấp dẫn, tính cạnh tranh cho ngành du lịch, một loạt các giải pháp đã được ngành tính đến như tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, nhất là mô hình du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn và phát triển các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột; mô hình du lịch, dịch vụ phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh những ngày lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần; đầu tư phát triển các dịch vụ bổ trợ như vui chơi giải trí, ẩm thực, thể thao…  Trong Kế hoạch phát triển Du lịch tỉnh Dak Lak  giai đoạn 2012 – 2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 2199/QĐ-UBND, ngày 26-9-2012) nhằm bước đầu triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Dak Lak đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Dak Lak cũng đã xác định sẽ tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (cả Trung ương và địa phương) theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là việc phấn đấu mức chi hỗ trợ cho phát triển du lịch bằng 0,5% tổng chi ngân sách hằng năm của tỉnh để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm, khu du lịch; hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; đồng thời kết hợp với sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế để thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. Phát triển các tuyến giao thông, tăng cường các tuyến xe buýt đến các điểm, khu du lịch để thuận tiện cho du khách đi lại, tham quan. Mục tiêu là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và là một trong những động lực thúc đẩy KT - XH của tỉnh phát triển và đến năm 2020, phấn đấu đưa Dak Lak trở thành một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam. Để hiện thực hóa được điều này, ngành du lịch cần không ngừng tự “làm mới” mình, tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước, chú trọng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm – dịch vụ du lịch, tăng cường hơn nữa đầu tư cho chất lượng điểm đến.

Năm 2014, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) được Tổng cục Du lịch chọn là nơi tổ chức Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên”. Như ông Y Wai Byă chia sẻ thì đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với ngành du lịch Dak Lak trong việc quảng bá hình ảnh về thiên nhiên và con người ở đây đến với bạn bè trong nước và quốc tế; thu hút các dự án đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Chính vì vậy, tỉnh đang tích cực chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để “nhập cuộc” một cách trọn vẹn sự kiện mang tầm quốc gia này.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc