Những điểm sáng về giao thông nông thôn 2013
Thực hiện tiêu chí về giao thông nông thôn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều con đường trên địa bàn tỉnh được mở rộng khang trang sạch sẽ - đó là kết quả của sự chung sức, đồng lòng giữa ý Đảng, lòng dân.
Qua phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT), nhiều nhân tố điển hình được biểu dương, khen thưởng… Năm nay, Dak Lak vinh dự có 3 địa phương được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen trong phong trào GTNT- miền núi…
Dak Lak có 3 xã được khen thưởng tại Hội nghị biểu dương các xã điển hìnhtrong phong trào xây dựng giao thông nông thôn 2008 - 2013. |
Từ sức mạnh của lòng dân
Trước đây, phần lớn các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) bị xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trước thực trạng đó, xã xác định phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, nhiều tuyến đường giao thông trong xã đã được mở rộng, những con đường bê tông dần thay thế đường đất đỏ, giúp việc đi lại của người dân thuận tiện. Mới đây, xã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Bộ Giao thông vận tải thưởng 30 tấn xi măng vì có thành tích trong phong trào xây dựng GTNT - miền núi từ năm 2008-2013.
Người dân xã Bình Hòa (Krông Ana) làm đường giao thông. |
Trong 2 năm 2011-2013, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân địa phương, xã Bình Hòa đã bê tông hóa, nâng cấp, sửa chữa khoảng 30km đường GTNT, với tổng kinh phí 15 tỷ đồng; trong đó người dân hiến trên 4.000m2 đất, 1.300 cây cà phê, gần 1.000 cây hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh và một số công trình phụ khác để mở rộng đường. Thôn 4 là đơn vị tiêu biểu của xã về việc huy động sức dân làm đường giao thông. Năm 2013, với sự tham gia hàng trăm ngày công, hiến hơn 1.000m2 đất của người dân, thôn đã bê tông hóa và cứng hóa 6km đường giao thông. Bà Chu Thị Hạ, một người dân thôn 4 phấn khởi cho biết: nhìn những con đường rộng thênh thang, người dân đi lại, sản xuất được thuận lợi, học sinh đến trường dễ dàng mới hay mọi sự đóng góp của gia đình cũng như các hộ dân khác thực sự đã đem lại lợi ích thiết thực, lâu dài. Được biết, trong quá trình triển khai gia đình bà Hạ đã tự nguyện hiến trên 100m2 đất, 4 cây bơ, 10 trụ tiêu và đóng góp 6 triệu đồng tiền mặt để mở rộng đường nội thôn. Cùng với bà con nhân dân thôn 4, năm 2012, người dân thôn 1 hăng hái tham gia phong trào mở rộng đường giao thông với tổng chiều dài trên 6km, trong đó có 650m trục đường chính rộng 10m, các đường nhánh còn lại đều rộng 5m. Để phục vụ cho việc làm đường, bà con trong thôn đã tự hiến đất, tháo gỡ vật kiến trúc, cây cối, hàng rào; đồng thời đóng góp 250.000 đồng/hộ (hộ có xe máy cày, ô tô góp 500.000 đồng) để san ủi, mở rộng đường với số tiền đóng góp được khoảng 70 triệu đồng. Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho biết, dưới sự chỉ đạo của huyện ủy và tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã xác định GTNT sẽ là bước đột phá trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa bàn. Nhiều con đường mới hình thành, cơ hội làm giàu của người dân cũng được mở ra; theo đó mức thu nhập bình quân đầu người (GDP) cũng từng bước được nâng lên. Theo khảo sát, năm 2012 GDP của người dân xã Bình Hòa là 21,5 triệu đồng/người/năm; đến cuối năm 2013 GDP ước tính gần 28,5 triệu đồng/người/năm.
Đến sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền
Người dân xã Quảng Tiến (Cư M’gar) hăng hái tham gia làm đường. |
Cùng với xã Bình Hòa, năm nay, xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) được Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen và thưởng 20 tấn xi măng vì có nhiều thành tích trong phong trào giao thông nông thôn giai đoạn 2008-2013. Đây là kết quả đáng trân trọng từ chủ trương đúng đắn, phục vụ lợi ích lâu dài cho người dân địa phương mà chính quyền và nhân dân Quảng Tiến đã gây dựng mấy năm nay. Từ năm 2008 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, điều hành của chính quyền, nhân dân xã Quảng Tiến không ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, tự nguyện hiến đất, góp công, góp của làm đường giao thông, tạo nên làn sóng lan tỏa rộng khắp ở các khu dân cư. Qua khảo sát, xã Quảng Tiến có 110km đường giao thông, trong đó giao thông nội đồng chiếm tới 97km, còn lại 20km đường giao thông trong khu dân cư. Hầu hết các tuyến đường này đều được mở rộng, cấp phối đá dăm. Chỉ tính trong 3 năm trở lại đây (2010-2013), nhân dân Quảng Tiến đã đóng góp trên 5 tỷ đồng nhựa hóa 7km đường liên thôn, mở rộng hàng chục tuyến giao thông nội đồng, bảo đảm giao thông thuận lợi và phục vụ đắc lực cho việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ông Đào Duy Bảy, Chủ tịch UBND xã cho hay; để phong trào làm đường giao thông trở thành làn sóng rộng khắp ở tất cả các thôn trên địa bàn, Đảng bộ xã đã có Nghị quyết chuyên đề về làm đường giao thông, triển khai xuống các chi bộ thôn, cùng nhân dân thảo luận, bàn bạc dân chủ công khai để đi đến thống nhất; cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước, sau đó các thôn đồng loạt phát động nhân dân ra quân xây dựng đường. Xã xác định cán bộ đảng viên, trưởng thôn là những nhân tố đóng vai trò quyết định tạo nên thành công trong việc huy động nhân dân tham gia mở đường. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động được xem là nhiệm vụ hàng đầu và thực hiện thường xuyên, liên tục. Điển hình tại thôn Tiến Thịnh, trong năm 2013, người dân đã hiến 7.000m2 đất, tự nguyện phá dỡ các công trình kiên cố, hoa màu trên đất và đóng góp 19 triệu đồng để nhựa hóa 1km đường nội thôn. Ông Lê Minh Quang, trưởng thôn Tiến Thịnh cho biết: lúc đầu đến các tổ dân cư vận động làm đường, ban tự quản thôn cũng gặp không ít khó khăn do một số hộ dân tỏ ra băn khoăn với chủ trương của cấp trên. Song nhờ làm tốt công tác dân vận, thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nói để dân biết được lợi ích lâu dài của việc mở rộng đường; mọi hoạt động từ kế hoạch đến quá trình triển khai đều có sự tham gia giám sát của nhân dân nên mọi khó khăn sớm được tháo gỡ, giải quyết thành công. Hạ tầng phát triển, trong đó có hệ thống đường GTNT đã đóng góp không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Theo số liệu thống kê đầu năm 2013, Quảng Tiến có 58 hộ nghèo, chiếm 3,6% tổng số hộ dân trên địa bàn, đến cuối năm xã giảm được 9 hộ nghèo, đạt 100% kế hoạch do huyện đề ra.
Với tinh thần phát huy nội lực, vai trò làm chủ của nhân dân, nhằm phục vụ lợi ích lâu dài cho người dân, chắc chắn phong trào làm đường GTNT ở tỉnh ta trong những năm tới sẽ phát triển mạnh hơn, làm thay đổi diện mạo cho những vùng quê mới; đồng thời những điểm sáng về GTNT sẽ lan tỏa rộng khắp trên địa bàn…
Phạm Hoàng
Ý kiến bạn đọc