Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui từ những cây cầu

08:30, 27/01/2014

“20 năm rồi đó chú à, giấc mơ hai mươi năm của tôi cũng như của bà con nơi đây đã trở thành hiện thực rồi”, ông Ngân Văn Ao đứng bên cây cầu bê tông đang dần được hình thành, nối vùng đồi mà ông đang sinh sống với con đường nông thôn của thôn mà không khỏi xúc động, bồi hồi.

Ông Ao năm nay đã 57 tuổi, gia đình ông là một trong những hộ dân đi xây dựng vùng kinh tế mới tại thôn 6b, xã Ea Ô (Ea Kar) từ những năm 1990. Ngay dưới chân đồi nơi ông sinh sống có một con suối rộng chừng 6m cùng một cây cầu gỗ rộng chừng 2m để người dân trong vùng qua lại. Nhưng cây cầu này chỉ sử dụng được trong mùa khô, vào mùa mưa mỗi lần nước lên cao là lại bị cuốn trôi. Hai, ba ngày sau khi nước rút, bà con trong vùng lại vận động nhau sửa chữa lại cầu; và mỗi năm ông Ao cùng những người dân trong thôn thường xuyên phải hai lần sửa cầu. Mỗi lần sửa cầu người dân đóng góp và chục nghìn đồng/người, sau đó xin phép Hạt kiểm lâm lên núi chặt cây rồi về thuê máy xẻ thành ván và đóng thành cầu. Còn mẹ con bà Nguyễn Thị Liên sống trong một căn nhà nhỏ ngay con dốc cạnh chân cầu, bao nhiêu năm nay cũng không còn lạ gì những tiếng kêu: “Bà Liên ơi, Khánh ơi, Hòa ơi”, thế là cả ba mẹ con thường bỏ hết mọi việc chạy ra cứu những chiếc xe chở nông sản bị sập ngay tại cầu để không bị nước cuốn trôi… Bà Liên tâm sự: “Giờ được Nhà nước đầu tư làm cây cầu kiên cố, không sợ phải trôi cầu nữa, người dân không còn lo gặp nguy hiểm khi qua cầu vào mùa mưa nữa. Tôi vui lắm nên cả hơn tháng nay chỉ ở nhà lo cơm nước, phục vụ cho những người làm cầu nơi đây”. Không chỉ có bà Liên mà trong thôn đã có bốn hộ dân tình nguyện hiến những mảnh đất ngay tại chân cần để hoàn thành những nhịp cầu bê tông của thôn. Được biết, thôn 6a và 6b, xã Ea Ô có tổng cộng 228 hộ, 961 khẩu đã bao năm nay luôn vất vả vì những cây cầu tạm này. Giờ đây khi hai cây cầu đã hoàn thành là niềm vui không nói nên lời của người dân nơi đây.

Những cây cầu nông thôn đang mang đến sức sống cho những vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh.
Những cây cầu nông thôn đang mang đến sức sống cho những vùng còn nhiều khó khăn của tỉnh.

Còn tại thôn Đồng Tâm, buôn Triết (Lak), người dân cũng đang rất vui mừng khi thấy cây cầu bê tông đã hoàn thành ngay trước dịp xuân về tết đến. Ông Hoàng Truyền, trưởng thôn chỉ tay hướng về phía cuối cánh đồng của thôn nói:  Với diện tích hơn 22ha trong đó có 20 ha trồng lúa một năm thu hoạch được khoảng 120 tấn, chưa kể sản lượng của hoa màu như: sắn, ngô; cùng 12 ha cà phê nên nguồn lợi kinh tế của toàn thôn đều nằm trong cánh đồng này. Do đó cây cầu của thôn bắc ngang qua con suối đầu thôn mỗi năm “oằn mình” để “gánh” hàng trăm tấn nông sản của người dân trong vùng. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước. Khi mà người dân mới lập nghiệp tại đây, cây cầu chỉ là mấy cây tre bắc tạm qua suối. Sau đó mọi người cũng đóng góp làm được cây cầu ván, và cứ  3 đến 4 năm lại phải chặt cây làm lại một cây cầu mới. Mỗi lần mùa lũ về nước lên tới tận mép cầu, có lúc còn tràn qua cầu, bà con đi lại hết sức khó khăn. Nước chảy xiết khiến cho cầu càng thêm lắc lư rất nguy hiểm. Mùa mưa năm 2011, nước lên cao người dân lo lắng nên gấp rút vận chuyển một lượng lớn nông sản từ trong cánh đồng ra tỉnh lộ khiến cầu bị quá tải và gãy làm đôi. Không những thế, nhiều em nhỏ trong thôn mỗi khi đi học trời mưa đều phải nhờ người lớn đi cùng, hoặc cõng qua cầu. Ông Nguyễn Đăng Ngọc, có nhà nằm ngay bên cạnh con suối này tâm sự: “Gia đình tôi vào đây sinh sống từ năm 1980, mấy chục năm nay người dân ở trong đây toàn đi cầu khỉ, rồi cầu gỗ…, bao lần gãy rồi lại phải làm lại cầu mới. Ngay cả 5 người con của tôi giờ đã trưởng thành nhưng những ngày nhỏ tôi phải cõng từng đứa qua suối đi học. Giờ cây cầu bê tông này hoàn thành tôi vui lắm”. Ông Nguyễn Đăng Trọng, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết, thôn Đồng Tâm là một thôn còn nhiều khó khăn của xã, do đó việc hoàn thành bê tông hóa cầu nông thôn nội đồng của thôn có một ý nghĩa rất lớn đối với bà con trong thôn. Từ đây, bà con sẽ yên tâm hơn trong lao động, sản xuất và việc đi lại của con em họ cũng sẽ an toàn hơn. 

Được biết, “Dự án thí điểm xây dựng cầu nông thôn ỏ Dak Lak” thuộc “Dự án thí điểm xây dựng cầu nông các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và vùng đặc biệt khó khăn”, đến tháng 4-2014 sẽ hoàn thành 10 cây cầu nông thôn trên toàn tỉnh, với tổng số vốn  đầu tư gần 3,5 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Trung ương Đoàn nhằm xóa cầu tạm, cầu khỉ vả bảo đảm an toàn cho người dân các thôn, buôn khi tham gia giao thông. Từ đó những cây cầu này sẽ phục vụ cho bà con trong việc đi lại, sản xuất và góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh. Cũng từ đây sẽ tạo dựng phong trào cho đoàn viên, thanh niên địa phương tại các thôn, buôn  khi xây dựng những công trình, phần việc thanh niên ở hai bên đầu các cây cầu nông thôn. Với mục tiêu hoàn thành 8/10 cây cầu ngay trước Tết Nguyên đán này, những cây cầu nông thôn trên toàn tỉnh sẽ là những nhịp cầu mang đến niềm vui cho những người dân tại các buôn làng, vùng sâu vùng xa trong tỉnh. 

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc