Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ học nghề

12:29, 29/01/2014

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đa số lao động sau  đào tạo có thể làm nghề, không ít người  đã làm nên cơ nghiệp nhờ học nghề. 

“Dấu ấn” Trung tâm dạy nghề

Chỉ cách đây khoảng 5 năm, vợ chồng anh Y Liễu Byă (buôn Chuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana) chẳng dám nghĩ mình có cuộc sống khấm khá như ngày hôm nay. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây với đầy đủ tiện nghi, Y Liễu khoe: “Mình có được cơ ngơi như thế này là do nghề sửa chữa xe máy mang lại đấy! Mình biết ơn các thầy cô ở Trung tâm dạy nghề (TTDN) huyện Krông Ana, cảm ơn chính sách của Đảng và Nhà nước đã đem cái nghề về buôn giúp đồng bào mình nâng cao nhận thức, kiến thức trong phát triển sản xuất”. Năm 2012, anh Y Liễu Byă đăng ký học nghề sửa chữa xe máy tại TTDN huyện Krông Ana. Vốn nhanh nhạy, thông minh, lại biết cách tận dụng lợi thế mặt bằng sẵn có trên trục đường chính của buôn, nên sau khi học xong nghề anh Y Liễu vay vốn mở tiệm sửa xe máy, mỗi ngày anh sửa hàng chục chiếc xe kiếm được khoảng 300-400 nghìn đồng. Chị H’Bin Buôn Krông (vợ anh Y Liễu) trước đây cũng học nghề may tại Trung tâm rồi về mở tiệm, do khéo tay nên tiệm may của chị lúc nào cũng đông khách. Sau hơn 1 năm, vợ chồng anh trả hết nợ, xây căn nhà kiên cố, mở đại lý bán hàng tạp hóa, kinh tế gia đình khá giả dần lên. Anh Y Liễu chia sẻ: “Trước đây hai vợ chồng mình đều làm nông vất vả mà chẳng đủ ăn, học được cái nghề làm có thu nhập ổn định cuộc sống đỡ hơn hẳn”.

Các học viên Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak trong 1 buổi học.
Các học viên Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak trong 1 buổi học.

Còn chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tiến (SN 1991, buôn Rung, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) theo học nghề trồng nấm. Học xong anh vay mượn được 30 triệu đồng vừa đầu tư làm nhà lồng vừa mua nguyên liệu mùn cưa về tự đóng bọc nilon, đến Trung tâm mua giống nấm linh chi và nấm sò về trồng. Nhờ nắm vững kỹ thuật nên trại nấm của gia đình anh phát triển tốt, ít mắc bệnh. Gần 1 năm, anh thu 3 đợt nấm linh chi, mỗi đợt bán được hơn chục triệu đồng, còn nấm sò mỗi ngày thu hoạch từ 15-20 kg với giá bán 20 nghìn đồng/kg cũng mang lại một khoản thu nhập kha khá. Theo anh Tiến, nghề trồng nấm cho thu nhập tương đối ổn định, sản phẩm làm ra không sợ bị ế vì đã có Trung tâm nhận luôn việc tiêu thụ. Vợ anh là giáo viên mầm non, những ngày mùa màng chồng bận chị có thể tranh thủ tưới, thu hoạch nấm. Anh Tiến cho biết: “Trồng nấm không khó, chỉ cần làm đúng kỹ thuật, ngày tưới 2-3 lần, nấm sẽ phát triển đều đặn, không bệnh tật gì cả. Trồng nấm cũng không tốn nhiều tiền đầu tư, kinh phí làm nhà lồng hoàn toàn có thể thể tận dụng cây, gỗ trong vườn”. Từ thành công ban đầu, anh Tiến dự định sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 trại để trồng thêm nấm mèo và linh chi.

Con đường thoát nghèo của anh Lê Trung Kiên (SN 1985, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) cũng mang dấu ấn của TTDN. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo, học vấn thấp, không tìm được việc làm nên đầu năm 2012, anh Kiên tham gia lớp học nghề sửa xe máy tại TTDN huyện Ea Kar. Sau 6 tháng học nghề, anh vận dụng vốn kiến thức được học và vay mượn tiền bạc để mở tiệm sửa chữa xe máy, hiện mỗi tháng có thu nhập khoảng hơn 3 triệu đồng… Không chỉ riêng vợ chồng anh Y Liễu, anh Tiến, anh Kiên mà còn có nhiều gia đình khác đã thoát nghèo nhờ học nghề.

Những “điểm sáng” đào tạo nghề

Thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, các địa phương trong tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, đến nay toàn tỉnh có 41 cơ sở dạy nghề gồm 2 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp nghề, 24 TTDN và các cơ sở tham gia đào tạo nghề, với 361 giáo viên. Trong 3 năm (2010-2012), toàn tỉnh đã mở 199 lớp đào tạo nghề cho 6.546 lao động nông thôn (trong đó có 4.908 người dân tộc thiểu số). Lao động nông thôn có việc làm và tự tạo việc làm sau đào tạo là 4.879 người (chiếm 74,5%); trong đó nhóm nghề phi nông nghiệp chiếm 52%, nhóm nghề nông nghiệp chiếm 48%. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Các TTDN đều đang hoạt động có hiệu quả, mỗi trung tâm có một thế mạnh riêng, chẳng hạn như TTDN huyện Krông Ana phát triển mô hình trồng nấm, TTDN thị xã Buôn Hồ tập trung đào tạo nghề may, TTDN huyện Cư M’gar chủ yếu nghề sửa chữa xe máy... Các TTDN đều thực hiện liên kết 3 bên giữa TTDN - Sở LĐ-TB&XH - Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tạo việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo”.

Anh Y Liễu Byă (buôn Cuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana) có thu nhập ổn định nhờ nghề sửa chữa xe máy.
Anh Y Liễu Byă (buôn Cuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana) có thu nhập ổn định nhờ nghề sửa chữa xe máy.

Trong số các TTDN hoạt động có hiệu quả phải kể đến TTDN huyện Krông Ana bởi hằng năm số lượng người đăng ký học luôn cao hơn so với chỉ tiêu phân bổ của tỉnh. Từ năm 2010 đến tháng 6-2013, TTDN huyện đã tổ chức 43 lớp đào tạo nghề cho gần 1.500 lao động nông thôn, trong đó trên 60% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Các nghề được đào tạo chủ yếu gồm: may dân dụng, sửa chữa xe gắn máy, tin học ứng dụng, chăn nuôi thú y, trồng nấm, sửa chữa máy nông nghiệp, dệt thổ cẩm. Ngoài ra, trung tâm tư vấn cho các học viên sau học nghề xây dựng được 120 mô hình, mỗi mô hình tạo việc làm cho 2-6 lao động, thu nhập bình quân từ 2-5 triệu đồng/người/tháng. Bà Đinh Thị Danh, Giám đốc TTDN huyện Krông Ana cho biết: “Để đạt được kết quả đó, trong những năm qua TTDN huyện đã thực hiện chương trình đào tạo trên cơ sở khảo sát kỹ nhu cầu, trình độ của người học và phù hợp với thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm còn chủ động hướng dẫn học viên xây dựng các mô hình điểm về các ngành nghề trong chương trình đào tạo tại các thôn, buôn. Trung tâm luôn chú trọng đào tạo theo chiều sâu, nghĩa là người học nghề phải làm được nghề. Thu nhập của người lao động sau học nghề là thước đo tính hiệu quả của công tác đào tạo”.TTDN huyện Ea Kar cũng là một trong những địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề và tư vấn việc làm cho con em nông dân và lao động nông thôn, đặc biệt là đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc TTDN huyện Ea Kar cho biết, qua khảo sát, toàn huyện hiện có 144 bộ đội xuất ngũ trong năm 2013, phần lớn trong số này chưa có việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với bộ đội xuất ngũ là người dân tộc thiểu số nên việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho số đối tượng này là vấn đề cấp thiết hiện nay. Trung tâm liên kết với Trường Cao đẳng Nghề số 8 (Bộ Quốc phòng) mở 2 lớp với 2 nghề là: lái xe ô tô và trung cấp điện công nghiệp cho các học viên là bộ đội xuất ngũ có nhu cầu. Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm đã mở gần 70 lớp dạy nghề gồm các ngành nghề phù hợp với lao động địa phương như: chăn nuôi thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, may công nghiệp, sửa chữa xe máy, trồng trọt - bảo vệ thực vật, cắt gọt kim loại, hàn điện… và đã có 1.923 học viên tốt nghiệp, trong đó có 849 học viên là người dân tộc thiểu số, 821 học viên nữ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mang lại hiệu quả nhất định; đặc biệt, việc đẩy mạnh đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ đã giúp họ tìm kiếm được việc làm, góp phần thực hiện tốt chính sách “Hậu phương quân đội”, khuyến khích thanh niên hăng hái nhập ngũ...

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc