Điện về thắp sáng làng buôn
Những năm qua, lưới điện quốc gia đã được phủ đến khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó có nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào di cư tự do. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng hệ thống lưới điện cũng được ngành Điện quan tâm, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống người dân các địa phương.
Tết này, “thôn nhà bạt” đã sáng ánh điện
Cư Kbang là địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Ea Súp, được thành lập vào năm 1998; toàn xã có 16 thôn với 2.293 hộ, nhưng chỉ có hơn 1.700 hộ được sử dụng điện (chiếm 70% dân số). Nhận thức được nhu cầu sử dụng điện của bà con, những năm qua ngành Điện đã đầu tư công sức để xóa dần những “điểm trắng” về điện. Trong đó có thôn 13, với gần 400 hộ, được gọi bằng cái tên … “thôn nhà bạt”, vì hầu hết nhà của người dân được dựng tạm bợ, xung quanh che bạt. Trước đây, do chưa có điện nên đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn, mọi sinh hoạt phải tranh thủ khi trời còn sáng, ban đêm cả làng “ngủ” sớm, việc học hành của con cái cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các mô hình, kinh nghiệm sản xuất và nắm bắt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng hạn chế.
Người dân di cư tự do đến xã Cư Kbang, huyện Ea Súp đã có điện lưới quốc gia. |
Trước những khó khăn của người dân, đầu năm 2011, huyện Ea Súp đã phối hợp với ngành Điện lực xây dựng công trình đường dây trung, hạ áp và trạm biến áp, với số vốn đầu tư 5,7 tỷ đồng, trích từ nguồn ngân sách Trung ương. Đến cuối tháng 9 - 2013, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, chính thức phủ lưới điện quốc gia đến các địa bàn đông dân di cư tự do Cư Kbang gồm các thôn 8, 13, 14, 15, 16. Theo đó, tổng khối lượng gồm 5,5 km đường dây trung áp, 6,5 km đường dây hạ áp và 5 trạm biến áp phụ tải với tổng dung lượng 250 kVA. Về “thôn nhà bạt” những ngày cuối năm này sẽ được thấy những cột điện bằng bê tông vững chắc được dựng đến giữa thôn; dây điện cũng kéo đến các cụm dân cư. Không khí phấn khởi bao trùm mọi nơi vì hầu hết các gia đình đều đã có điện, cuộc sống không còn “tối tăm” như trước. Anh Tận Xuân Tá (quê gốc Cao Bằng) di cư vào thôn 13, xã Cư Kbang năm 2007, nay mới được dùng điện lưới nên đã cố gắng mua ti vi, quạt điện và tủ lạnh để bán đồ giải khát cho người dân trong xóm. Anh phấn khởi cho biết: “Chúng tôi mong chờ ngày có điện thắp sáng từ lâu lắm rồi. Vì vậy, khi có điện, bà con ở đây vui lắm, cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn”. Bây giờ, người dân ở đây không còn lo cảnh đèn hết pin hoặc khô dầu; buổi tối được xem ti vi, trẻ em thoải mái học bài dưới ánh điện sáng trưng… Bé Chảo Mùi Diết, học sinh lớp 3 A1, Trường Tiểu học Kim Đồng từ khi có ánh sáng điện, tối nào cũng hăng say tập viết, làm toán tới khuya mới ngủ. Còn trưởng thôn Giàng Seo Chính chia sẻ: “Năm nay, bà con được vui tết đón xuân trong ánh điện nên ai cũng hân hoan. Có điện để sinh hoạt, sản xuất, chắc chắn tới đây mọi người sẽ yên tâm làm ăn để thoát khỏi đói nghèo, bọn trẻ sẽ được học hành tốt hơn”.
Nâng cao hiệu quả năng lượng nông thôn
Bên cạnh thực hiện cung cấp điện ổn định, thường xuyên và an toàn, việc nâng cao hiệu quả năng lượng điện ở Dak Lak cũng được ngành Điện chú trọng. Huyện Krông Pak là địa phương được thụ hưởng nhiều lợi ích từ chương trình này thông qua các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp lưới điện. Ấn tượng đầu tiên là sự thành công của “Dự án thành phần nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Dak Lak” do Ban Quản lý Dự án điện nông thôn miền Trung làm chủ đầu tư. Theo đó, lưới điện trên địa bàn huyện được cải tạo với khối lượng gần 1,5 km đường dây trung áp; gần 70 km đường dây hạ áp cùng 3 trạm biến áp với công suất 275kVA với tổng số vốn hơn 60 tỷ đồng. Công trình đã được đưa vào sử dụng với hàng ngàn hộ dân được hưởng lợi. Cũng từ dự án này, các hệ thống lưới điện trên địa bàn 8 xã Hòa Tiến, Ea Yiêng, Ea Kênh, Hòa An, Ea Phê, Ea Kly, Ea Knuếch và Krông Buk đã được cải tạo. Ông Hồ Mơ (thôn 2, xã Hòa An) chia sẻ: đường điện trước đây do người dân kéo từ năm 1994, bị xuống cấp nặng, trong khi cả 4 thôn trong vùng chỉ dùng chung 1 trạm biến áp 250 kVA nên điện yếu, gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.
Từ ngày có điện, trẻ em thôn 13, xã Cư Kbang đã được xem tivi giải trí. |
Từ khi ngành Điện có chủ trương nâng cấp đường điện, người dân rất phấn khởi vì đường điện kiên cố, an toàn và không còn lo thiếu điện để tưới cà phê. Anh Nguyễn Văn Hải, cán bộ Phòng Kế hoạch - kỹ thuật (Điện lực Krông Pak) cho biết, ngoài dự án trên, nhiều công trình khác cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và đưa vào sử dụng trong năm 2013 như: xây dựng 4 km đường dây trung áp; cải tạo và xây dựng mới gần 46 km đường dây hạ áp, 2 trạm biến áp với công suất 325kVA; đấu nối lưới điện trung áp 22kV với 3,3km đường dây mới; sửa chữa lưới điện hạ thế sau tiếp nhận với 14,5km dây dẫn hạ áp…với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Các công trình được hoàn chỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chống quá tải lưới điện cục bộ, đặc biệt là trong các tháng cao điểm mùa khô; phục vụ tốt các mặt sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân trong khu vực..
Công nhân Điện lực Dak Lak thay dây dẫn trên lưới điện Ảnh: HƯƠNG CẨM |
Đến nay, điện lưới quốc gia đã đến với tất cả các xã trong tỉnh và 90% thôn, buôn. Theo kế hoạch, đến năm 2020 lưới điện quốc gia sẽ được kéo đến tất cả các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh việc đầu tư kéo lưới điện đến các địa bàn khó khăn, công tác nâng cao an toàn, hiệu quả năng lượng điện khu vực nông thôn cũng được ngành Điện cũng như chính quyền địa phương quan tâm. Hiện nay ngành Điện đang tiếp tục thực hiện đầu tư các Dự án cấp điện nông thôn trên địa bàn 80 xã của 13 huyện. Trong đó, nổi bật nhất là một số dự án quy mô lớn như Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn, quy mô đầu tư 192 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng tái thiết Đức (KFW); Tiểu dự án cải tạo lưới điện trung áp tỉnh Dak Lak thuộc dự án phân phối hiệu quả (DEP) gồm 45 tỷ đồng vay từ vốn Ngân hàng thế giới (WB); đồng thời đang lập hồ sơ đầu tư Dự án Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng nông thôn… Ông Trương Công Hồng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương) cho biết: Dak Lak là một trong những địa phương có số lượng đơn vị cấp thôn, buôn sử dụng điện nhiều nhất cả nước. Do vậy, các dự án điện nông thôn sau khi đưa vào sử dụng sẽ tăng cường chất lượng điện, giảm tổn thất điện năng, bảo đảm vận hành an toàn, ổn định; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh chính trị, đặc biệt là phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc