Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế xã hội Việt Nam 2013 qua đánh giá của dư luận thế giới

21:19, 30/01/2014

Nhân loại vừa bước qua một năm với biết bao thăng trầm biến cố, đặc biệt là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài. Cùng với thế giới, năm 2013 Việt Nam đã từng bước đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, phát triển trở lại. Thành tựu này đã được dư luận ghi nhận qua một số nhận xét, đánh giá của báo chí nước ngoài.

Việt Nam - một trong những thị trường hấp dẫn ở châu Á 

Cầu Mỹ Thuận, biểu tượng của sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Australia.
Cầu Mỹ Thuận, biểu tượng của sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Australia.

Trung tuần tháng 9-2013, Tạp chí Kinh tế Australian (AFR), một trong những ấn phẩm hàng đầu Australia đã có bài viết nói về dự án cầu Mỹ Thuận. Theo AFR, đây là biểu tượng sinh động cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam- Australia. Với tiêu đề My Thuan - Bridge opens up opportunities, (Mỹ Thuận - Cây cầu mở ra những cơ hội mới), tác giả Jason Clout cho biết, sự hỗ trợ của Australia trong việc xây dựng cầu Mỹ Thuận đã tạo ra tiếng vang tại Việt Nam, quốc gia đang phát triển nhanh chóng. Với dự án cầu Mỹ Thuận đã giúp cho nhiều công ty Australia giành thêm nhiều hợp đồng mới tại Việt Nam.  Theo bài viết, bắt đầu từ ngày 1-11-2013, dân số Việt Nam đã tròn 90 triệu người, với mức dân số này tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ và đưa Việt Nam trở thành một trong số các thị trường hấp dẫn ở châu Á. Theo ông Andrew Skinner, Giám đốc thương mại toàn cầu của HSBC, thì không giống các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có dân số trẻ, có  ngành chế tạo chi phí thấp, tài nguyên phong phú lại có chế độ chính trị ổn định nên có nhiều thuận lợi giúp Việt Nam nhanh chóng lại đà tăng trưởng trở lại.

Báo chí nước ngoài nói về về hợp tác LB Nga và Việt Nam

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham chính thức  Việt Nam tháng 11-2013.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham chính thức Việt Nam tháng 11-2013.

Trung tuần tháng 11-2013, nhân chuyến thăm của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin  tới Việt Nam, báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin về sự kiện  quan trọng nói trên. Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống cho biết mặc dù chuyến thăm trùng với thời điểm diễn ra Siêu bão Haiyan nhưng vẫn được thực hiện và diễn ra theo đúng theo kế hoạch. Còn tờ Thời báo Moscow (The Moscow Times) cũng có bài viết nêu bật mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia, đặc biệt là kết quả hợp tác song phương như đã được đề cập trong Thông điệp của Tổng thống. Bằng chứng, năm 2012, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa hai quốc gia tăng 20% và đạt 3,66 tỷ USD. Hiện Việt Nam và LB Nga đang có kế hoạch đưa con số này lên  7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam và LB Nga đang trong tiến trình đàm phán và dần tiến tới mục tiêu thành lập Khu vực tự do thương mại và hình thành Liên minh hải quan do LB Nga dẫn đầu.

Niên vụ 2011-12, Việt Nam xuất khẩu được trên 7,7 triệu tấn gạo.
Niên vụ 2011-12, Việt Nam xuất khẩu được trên 7,7 triệu tấn gạo.

Tờ Wall Street Journal của Mỹ  đã có bài viết về chuyến thăm Việt Nam và nhấn mạnh nhân dịp này,  đại diện của hai quốc gia sẽ cùng ký kết một số thỏa thuận quan trọng, như thỏa thuận hợp tác giữa Petrovietnam và Rosneft để cùng khai thác dầu mỏ tại các khu vực bờ biển thuộc lãnh thổ LB Nga và Việt Nam; Biên bản ghi nhớ cho phép tập đoàn dầu khí hàng đầu của LB Nga Rosneft cung cấp dầu thô cho Petrovietnam trong vòng 3 năm tới. Trong khi đó Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để tăng cường quan hệ hợp tác với LB Nga, trong đó có lĩnh vực năng lượng, đặc biệt Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận. Theo tiến độ, hai tổ máy năng lượng của nhà máy sẽ vận hành lần lượt vào năm 2023 và 2024.

Việt Nam đứng thứ 2 châu Á về tiềm năng phát triển du lịch

Hội chợ Du lịch Thế giới London 2013 (WTM) vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát về hoạt động du lịch toàn cầu. Việt Nam được đánh giá xếp thứ 2 ở châu Á về tiềm năng phát triển du lịch. Theo WTM năm 2012, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã vượt trên 6,8 triệu người, cao gấp 27 lần so với năm 1990, trong khi đó lượng khách du lịch nội địa đạt 32 triệu lượt, tăng gấp 32 lần so với năm 1990. Với con số này đã đưa Việt Nam thành nước có tốc độ phát triển du lịch cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chỉ chịu đứng sau Trung Quốc.  Theo ông Simon Press, Giám đốc WTM,  Châu Á là khu vực dẫn đầu thế giới về tiềm năng phát triển du lịch, trong đó Trung Quốc đứng đầu, tiếp đến là Việt Nam, Myanmar, Indonesia, Thailand, Sri Lanka, Malaysia, Cambodia và Philippines. Số liệu gần đây nhất của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc cho thấy du khách quốc tế tới khu vực Châu Á -Thái Bình Dương tăng bình quân 6% trong nửa đầu năm 2013. Cũng theo WTM, Việt Nam có nhiều lợi thế  để phát triển du lịch như dân số đạt 90 triệu người vào ngày 1-11, số lượng người sử dụng Internet tăng nhanh, xếp vị trí 16 thế giới về số lượng người dùng Internet, thứ 2 khu vực Đông Nam Á về thời gian trung bình người sử dụng dành để truy cập Internet...

Triển vọng kinh tế của Việt Nam là rất khả quan

Đó là đánh giá của Phân ban dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) của Anh vừa được công bố trên tạp chí The Economists (Nhà Kinh tế) số ra cuối tháng 11-2013. Theo EIU, mặc dù vẫn còn tồn tại những bất ổn kinh tế vĩ mô, nhưng khả năng cạnh tranh của Việt Nam đang phục hồi trở lại vào năm 2014 sắp tới nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh. Sở dĩ có được thành tựu này là do Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam nhận thức việc duy trì sự ổn định chính trị, chú trọng tạo việc làm cho người lao động và nâng cao thu nhập cho người dân là những tiêu chí giúp kinh tế phát triển, xã hội ổn định. Bằng chứng, mức lương tối thiểu đầu năm 2013 đã được tăng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm 2014. Do kinh tế Việt Nam khởi sắc nên các công ty lớn của nước ngoài như Panasonic, JBL, Fuji Xerox, Nokia tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đã và đang có kế hoạch tăng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Trong tương lai, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của Mỹ và một số nước châu Á-Thái Bình Dương, được xem là sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam, nhất là việc tiếp cận các thị trường có thu nhập cao. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo đạt 5,3% trong năm 2013 và 5,8% cho năm 2014.

Cà phê Việt Nam sắp vượt qua cà phê  Philipin

Cà phê Dak Lak của Việt Nam được khách hàng thế giới ưa chuộng.
Cà phê Dak Lak của Việt Nam được khách hàng thế giới ưa chuộng.

Với tựa đề “Cà phê Việt Nam đang vượt qua cà phê của chúng tôi” công bố trên tờ Inquirer Business trực tuyến số ra trung tuần tháng 11-2013 của Philippines, tác giả bài viết, ông Ernesto M. Ordone đã ca ngợi Việt Nam như là một tấm gương được nhiều người ngưỡng mộ. Theo tác giả, Việt Nam không chỉ vươn lên từ đống đổ nát chiến tranh, chiến thắng nhiều đế quốc đầu sỏ mà Việt Nam còn rất giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp, như sản xuất lúa gạo, và cà phê. Theo tác giả, Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường cà phê thế giới, vượt trội cả Brazil. Ví dụ hơn 95% cà phê nhập khẩu vào Philippines là của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn đạt được rất nhiều thành tích đáng khích lệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản, chiếm tỷ trọng lớn trên các thị trường cà phê, chè, hạt điều, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá và cao su của thế giới. Niên vụ 2011-2012, Việt Nam xuất khẩu được trên 7,7 triệu tấn gạo trong tổng sản lượng lương thực (thóc)  27,15 triệu tấn, tiếp tục giữ ngôi vị thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo, sau Ấn Độ.

Khắc Hùng (Theo  Net/ CNN/IB/TE – 2013)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.