Khi nông dân tự làm "cánh đồng mẫu lớn"
"Cánh đồng mẫu lớn", một mô hình sản xuất theo hướng tập trung đang dần được khẳng định mang lại hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội. Tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana), mặc dù những chính sách về phương thức sản xuất này chưa được triển khai nhưng người dân đã chủ động thực hiện "cánh đồng mẫu lớn", bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ...
Nông dân xã Bình Hòa canh tác trên những cánh đồng "thẳng cánh cò bay" |
Trong Đề án mới, Bộ NN&PTNT đề nghị mô hình “cánh đồng mẫu lớn” sẽ thuộc nhóm ưu tiên đặc biệt. Nhà nước sẽ tạo môi trường tối đa để thúc đẩy liên kết thông qua cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện mà cụ thể như hỗ trợ kinh phí để xây dựng hạ tầng nông nghiệp nội đồng, nội vùng, kho, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, được ưu tiên vay vốn, ưu đãi về đất đai và thuế, hỗ trợ 100% chi phí mua giống mới vụ đầu, được đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp. Đó là chính sách đúng đắn của Nhà nước, giúp nông dân rất nhiều trong canh tác, sản xuất phát triển kinh tế. Tuy nhiên với một chương trình lớn như việc thực hiện “cánh đồng mẫu lớn”, không phải địa phương nào cũng được thụ hưởng. Thế nhưng trong khi chờ đợi những chính sách ấy đến với mình, những nông dân ở xã Bình Hòa chủ động thực hiện phương thức canh tác “cánh đồng mẫu lớn”. Ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch xã Bình Hòa cho biết, qua nắm bắt thông tin về hiệu quả sản xuất của “cánh đồng mẫu lớn” trên các phương tiện thông tin đại chúng, nông dân xã Bình Hòa đã mạnh dạn cùng nhau triển khai thực hiện, đến nay đã được ba năm qua. Qua thực tế 5 vụ sản xuất, hiệu quả của mô hình “cánh đồng mẫu lớn” mang lại rất lớn, chi phí giảm, lợi nhuận tăng nên nông dân rất phấn khởi. Việc dồn điền, đổi thửa là bước đi ban đầu được nông dân xã Bình Hòa trong thực hiện “cánh đồng mẫu lớn”. Ông Vũ Hữu Hóa (thôn 6) chia sẻ, trước đây gia đình ông có gần 10 ha đất sản xuất, nhưng các mảnh ruộng lại phân tán nhiều khu vực khác nhau nên việc canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất gặp nhiều khó khăn nên hiệu quả mang lại không cao.
Trong ba năm trở lại đây, bằng nhiều biện pháp khác nhau như mua bán, trao đổi… ông đã gom được 10 ha về một khu vực tập trung. Việc tập trung các mảnh ruộng về một khu vực đã giúp gia đình ông Hóa tăng diện tích canh tác được nhờ phá bỏ các bờ bao, hạn chế được sâu bệnh…, và quan trọng nhất là việc đưa các loại máy móc, thiết bị công nghiệp vào sản xuất dễ dàng nên đã nâng hiệu quả kinh tế rõ rệt. Với diện tích canh tác 10 ha nhưng trong thời điểm cao điểm, gia đình ông cũng chỉ cần 3 nhân công là có thể hoàn thành công việc, năng suất tăng thêm gần 1 tấn/ha, hiệu quả kinh tế mang lại trên cùng một đơn vị diện tích đã tăng lên đáng kể, lợi nhuận đạt từ 22-25 triệu đồng/ha. Không chỉ ông Hóa, trên địa bàn xã Bình Hòa còn nhiều hộ dân đã thực hiện sản xuất theo phương thức “cánh đồng mẫu lớn” với nhiều diện tích khác nhau như: ông Trần Đình Phi với diện tích 5 ha, ông Hoàng Quốc Nam với diện tích lên đến 25 ha… Ông Hồ Thanh Hải cho biết, đến nay gần như toàn bộ diện tích lúa nước trên địa bàn xã đều đã được nông dân chuyển đổi, thực hiện theo phương thức canh tác “cánh đồng mẫu lớn”, năng suất bình quân đạt trên 8 tấn/ha, tăng hơn gần 1 tấn/ha so với trước. Từ những bước đi ban đầu đó, điều đáng mừng là tại địa bàn thôn 6 đang dần hình thành một khu vực sản xuất lúa nước quy mô lớn theo phương thức canh tác “cánh đồng mẫu lớn”. Theo ông Hồ Thanh Hải, hiệu quả của phương thức canh tác “cánh đồng mẫu lớn” là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên cái khó là cơ sở hạ tầng để thực hiện phương thức canh tác này còn thiếu và chưa đồng bộ. Cùng với đó, hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân cũng là rào cản lớn để nông dân yên tâm sản xuất.
“Cánh đồng mẫu lớn” - cụm từ giờ đã trở nên quen thuộc đối với bà con nông dân xã Bình Hòa và “cánh đồng mẫu lớn” thực sự đã mang lại bộ mặt mới cho nông nghiệp nông thôn nơi đây. Những cách làm và hiệu quả mang lại tại Bình Hòa là kinh nghiệm quý báu để các địa phương khác thực hiện mô hình sản xuất này.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc