Multimedia Đọc Báo in

Nông dân và những mong ước đầu xuân

11:21, 14/02/2014

Bước sang năm mới, người nông dân tỉnh ta lại ngập tràn niềm tin, hy vọng, mong ước sẽ có mùa màng bội thu, giá cả nông sản ổn định để cuộc sống ngày càng no ấm, đủ đầy.

Mong một vụ mùa thắng lợi

Gia đình ông Ama Buýt ở buôn Trinh 4 (xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ) có 2 ha cà phê kinh doanh. Những năm trước nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng đạt trên 5 tấn, nhưng niên vụ 2013-2014 vừa qua do tình trạng khô hạn kéo dài nên chỉ thu được hơn 4 tấn. Khi được hỏi về tình hình sản xuất của gia đình, ông Ama Buýt thở dài: “Mọi chi tiêu, sinh hoạt của gia đình tôi đều trông cả vào 2 ha cà phê nhưng khổ nỗi năm vừa rồi sản lượng đạt thấp, giá cả lại tụt dốc trầm trọng, trong khi chi phí đầu tư ngày càng nhiều nên mọi người đều kém vui và lo lắng. Tôi chỉ mong sao năm nay mưa thuận gió hòa, chương trình thu mua tạm trữ cà phê của chính phủ mở rộng hơn với giá cả ổn định để nông dân có một vụ mùa thắng lợi”.

Ông Bùi Thanh Liêm chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Ông Bùi Thanh Liêm chăm sóc vườn tiêu của gia đình.

Đối với những hộ trồng tiêu nói chung thì vụ mùa vừa qua có nhiều niềm vui vì giá cả và sản lượng đều đạt ở mức cao. Tuy nhiên, không vì thế mà họ hoàn toàn yên tâm bởi tình hình sâu bệnh hại trên loại cây trồng này luôn diễn biến phức tạp. Còn nhớ những năm trước, hàng nghìn nông dân trồng tiêu trong tỉnh rơi vào tình trạng điêu đứng vì dịch bệnh khiến nhiều vườn tiêu chết rụi, nhiều hộ phải trở về “vạch xuất phát” với một loại cây trồng khác hoặc lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, nhiều nông dân đã thận trọng hơn khi chọn tiêu là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế. Chẳng hạn như gia đình ông Bùi Thanh Liêm ở thôn 9 (xã Ea Đar, huyện Ea Kar): Trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê hơn 20 năm, ông vỡ ra một điều nếu chỉ độc canh loại cây này thì kinh tế rất bấp bênh nên năm 2007, hai vợ chồng quyết định chuyển đổi 5 sào sang trồng tiêu. Ban đầu, vườn tiêu phát triển xanh tốt nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, chăm sóc nên sau khi thu bói lứa quả đầu tiên, ông đã thất bại, phải nhổ bỏ 2/3 diện tích vì sâu bệnh. Không nản chí, ông tiến hành cải tạo đất, trồng dặm lại số cây chết và mở rộng diện tích thêm 400 trụ. Qua các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu, ông đã biết đào rãnh thoát nước nhằm hạn chế tình trạng ngập úng, hạn chế sử dụng phân hóa học, chú trọng dùng phân hữu cơ vi sinh, trồng cây che bóng và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được khuyến khích để phòng bệnh cho tiêu theo định kỳ nên vườn cây phát triển tốt, năng suất ổn định. Ông Liêm mong muốn, để giúp nông dân phát triển cây tiêu bền vững, các cấp, ngành hữu quan cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, mở rộng vùng triển khai dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững”. Đồng thời, có cơ chế bao tiêu sản phẩm hoặc tạo đầu ra thuận lợi, giá cả ổn định để người trồng tiêu yên tâm đầu tư phát triển loại cây trồng này.

Và nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía

Để có thể phát triển hay mở rộng sản xuất, điều kiện đầu tiên mỗi nông hộ cần chính là nguồn vốn. Trước tình hình sản xuất - kinh doanh ngày càng khó khăn, vấn đề trên càng trở nên bức thiết. Đơn cử như gia đình chị Trần Thị Nga ở thôn 10 (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Làm nghề nuôi heo hơn chục năm, nhưng quy mô chuồng trại của gia đình chị chỉ ở mức nhỏ lẻ, theo kiểu chăn nuôi truyền thống. Với mong muốn phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, năm 2012 chị Nga cùng 19 hộ chăn nuôi heo trên địa bàn xã được duyệt vay số tiền 500 triệu đồng (mỗi hộ 25 triệu đồng) từ quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Chị đã xây dựng thêm chuồng trại có máng ăn, uống tự động, nuôi 50 heo thịt và 5 heo nái theo quy trình khép kín. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn gia súc tăng cao trong khi giá bán heo hơi giảm mạnh khiến việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Đã có thời điểm chị phải thu hẹp đàn còn 30 heo thịt và 3 heo nái. Chị Nga cho biết: “Chăn nuôi quy mô lớn theo kiểu khép kín, có hệ thống xử lý chất thải đúng quy định sẽ giúp đàn heo phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, để làm được điều này rất cần có vốn và một cơ chế giá, đầu ra ổn định. Do vậy, chúng tôi mong muốn ngành chức năng có biện pháp quản lý tốt dịch bệnh, tăng mức cho vay vốn với lãi suất thấp và điều tiết thị trường tạo thuận lợi cho người chăn nuôi.

Với tổng diện tích sản xuất 7,5 ha, gia đình chị Trần Thị Loan ở thôn Buôn Triết (xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana) đã quy hoạch hợp lý để xây dựng trang trại VAC đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình chị đầu tư trồng 5 ha lúa cao sản, mỗi năm thu được trên 65 tấn. Khi có vốn, chị mạnh dạn thuê máy múc 2 ha mặt ao nuôi cá, thả 1.000 con vịt đẻ trứng và xây dựng chuồng chăn nuôi 20 heo mẹ, 100 heo thịt. Chị Loan cho biết, trước đây gia đình chỉ độc canh cây lúa. Qua các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng do Hội Nông dân phối hợp tổ chức, vợ chồng chị đã thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm và mạnh dạn xây dựng mô hình đa cây, đa con. Mỗi năm mô hình cho thu lãi trên 300 triệu đồng và tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát, năm 2011 và 2012, gia đình chị đã bị thiệt hại hơn 500 con gia súc, gia cầm. Sắp tới, cùng với sự nỗ lực của gia đình, chị mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là phương pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi để mở rộng quy mô trang trại, làm giàu cho mình và xã hội.

Hy vọng những mong ước chính đáng trên của nông dân sẽ thành hiện thực góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển và đời sống người dân ngày càng khởi sắc.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.