Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nông dân nhộn nhịp xuống đồng đầu xuân mới

13:25, 11/02/2014

Sau những ngày đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vui vẻ, đầm ấm, từ các ngày mùng 4, 5, 6, 7 Tết, bà con nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Krông Bông lại nô nức ra đồng để sản xuất, với mong ước có được những mùa màng bội thu.

Tại xã Hòa Tân, trong những ngày đầu xuân mới, bà con nông dân đã hăm hở xuống đồng để chăm sóc lúa. Chị Nguyễn Thị Lan ở thôn 2 phấn khởi cho biết: “Hầu như năm nào gia đình tôi cũng chọn mùng bốn tết để ra đồng thăm ruộng. Bởi việc ra đồng đầu năm không chỉ là xuất hành chọn ngày tốt để cầu mong cho năm mới công việc được suôn sẻ, mùa màng bội thu mà còn giúp mọi người trong gia đình tiếp tục hăng say làm việc sau những ngày nghỉ ngơi”.

Người dân thôn 1, xã Hòa Lễ chăm sóc  cà phê đầu xuân.
Người dân thôn 1, xã Hòa Lễ chăm sóc cà phê đầu xuân.

Cũng chọn ngày mùng bốn tết để lấy nước vào cho mấy sào lúa, bà Hoàng Thị Năm ở Ba Phường, xã Hòa Phong cũng vui vẻ nói: “Sau 3 ngày tết gia đình tôi lại bắt đầu công việc thường ngày của nhà nông. Năm nay, gia đình tôi dừng việc đồng áng để chuẩn bị cho tết cổ truyền tương đối dài, nhưng hôm nay ra đồng thăm ruộng thấy cây lúa vẫn phát triển xanh tốt và chưa thấy xuất hiện sâu bệnh gì nên mừng lắm. Với sự khởi đầu thuận lợi này, gia đình tôi sẽ cố gắng đầu tư, chăm bón cho hơn 3 sào lúa để cuối vụ đạt năng suất cao hơn…”.

Cùng với không khí này, ngay từ tờ mờ sáng trên các nẻo đường làng ở xã Cư Pui đã thấy bà con nông dân chuẩn bị máy tưới và nhân lực lên rẫy để tưới cà phê đợt 1. Ông Mai Vi Văn ở thôn Điện Tân cho biết: “Vùng đất của xã Cư Pui đa phần là đất bạc màu lẫn với đá sỏi, nằm bên sườn đồi, nhưng mấy năm trở lại đây, bà con đã đưa cây cà phê, hồ tiêu vào trồng và mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao. Gia đình nào trồng ít cũng 5-7 sào, còn nhiều thì từ 3ha trở lên. Những năm qua, nhờ cây cà phê nên cuộc sống của nhiều người dân đã đi vào ổn định”.

Còn tại xã Hòa Lễ bà con cũng “ra quân” xuống đồng với không khí rất nhộn nhịp. Ông Bùi Chí Phước ở thôn 1 chia sẻ: “Mặc dù hiện tại, trong gia đình tôi không khí tết vẫn còn khá rộn ràng, nhưng với tinh thần chọn ngày khởi hành để lấy khí thế cho cả năm, cả nhà vẫn tranh thủ ra đồng thăm ruộng lúa. Điều đáng mừng là thời tiết của những ngày sau tết năm nay khá ôn hòa, rất thuận lợi cho cây trồng phát triển. Dự định vài hôm nữa, ngoài việc làm cỏ, tôi tranh thủ bón phân cho cây lúa hấp thụ chất dinh dưỡng lẫn tiết trời đầu xuân ấm áp để sinh trưởng tốt hơn”.

Tại thị trấn Krông K’mar, ngay từ sáng sớm ngày mùng bảy tết, nhiều hộ nông dân trong xã đã ra rẫy chăm sóc vườn cà phê, cây ăn quả; có hộ còn vận chuyển máy móc, ống dẫn nước để tưới cà phê. Bà Nguyễn Thị Hồng ở khối 8 vui vẻ nói: “Nhà tôi có 2 ha cà phê kinh doanh, do thời tiết năm nay khá lạnh, nhu cầu về nước tưới của cây cà phê không bức bách như mọi năm nên đến hôm nay mới tiến hành tưới nước cho vườn cây. Năm nay, việc chăm sóc, tưới nước cho cà phê cũng khá thuận lợi nhờ thời tiết những ngày giáp tết không nắng nóng, mực nước chứa ở các ao hồ tương đối nhiều hơn mọi năm nên hiện tại không lo thiếu nước. Chỉ mong từ nay đến cuối mùa khô thời tiết thuận lợi, sâu bệnh không xuất hiện để mọi người có một vụ mùa thuận lợi”.

Cũng phấn khởi ra đồng thăm ruộng lúa từ những ngày đầu năm, chị Võ Thị Thảo ở xã Khuê Ngọc Điền tâm sự: “Mặc dù, không khí xuân vẫn còn nhộn nhịp trong thôn, nhưng tôi và nhiều hộ khác vẫn không quên việc ra thăm đồng để “tiếp sức” kịp thời cho nhiều diện tích lúa đang ở trong thời kỳ sinh trưởng. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa đều phát triển tốt, chưa xuất hiện sâu bệnh gây hại nên gia đình rất yên tâm”.

Tuy nhiên, theo nhận định của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm 2013 có lượng mưa thấp hơn nhiều so với quy luật nhiều năm nên lượng nước trên các sông suối hiện nay chỉ đạt từ 80-90% so với trung bình nhiều năm và thấp hơn từ 0,5m-01m. Đối với các công trình thủy lợi, đến thời điểm hiện nay cơ bản đáp ứng được khả năng cung cấp nước tưới cho các loại cây trồng, nhưng với thời tiết nắng nóng, ước tính sẽ có khoảng trên 470 ha cây trồng có khả năng bị khô hạn, trong đó chủ yếu là lúa nước và ngô lai. Theo kế hoạch, dự kiến sẽ cần khoảng trên 22.000 lít dầu phục vụ bơm nước tưới chống hạn với tổng số máy bơm cần huy động là 211 chiếc; thời gian thực hiện trong khoảng tháng 3 đến tháng 4-2014.

Nguyễn Trung Thu


Ý kiến bạn đọc