Multimedia Đọc Báo in

Thực phẩm sau Tết: Nhanh chóng trở về mức giá như ngày thường

10:38, 12/02/2014

Những ngày sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhiều mặt hàng thực phẩm, rau xanh đã trở về mức giá như ngày thường, thậm chí có mặt hàng còn giảm nhẹ so với trước tết, khiến nhiều người tiêu dùng (NTD) cảm thấy yên tâm hơn.

Thay vì giá tăng vọt đến chóng mặt thì ngược lại, thị trường trong tỉnh sau tết Nguyên đán Giáp Ngọ đã nhanh chóng ổn định trở lại, giá cả các mặt hàng, nhất là hàng thiết yếu nhìn chung không có biến động lớn. Theo ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, Tân An, Tân Thành, Ea Tam… thời điểm này, nhiều mặt hàng vẫn giữ mức giá ổn định.

Ngày mùng 2 Tết, một số chợ đã nhóm họp vào buổi sáng, chủ yếu bày bán một số mặt hàng thiết yếu như rau xanh, thịt, cá, hải  sản…, đến mùng 4 Tết, các chợ mới chính thức mở cửa để đón khách. Tại trung tâm chợ Buôn Ma Thuột gần như 100% sạp hàng của tiểu thương khu thực phẩm tươi sống đã hoạt động trở lại và bày bán hàng hóa phong phú . Tuy nhiên, vẫn chưa  có đông NTD đến đây mua  sắm. Đến mùng 6 Tết, sức mua đã nhanh chóng trở về mức bình thường, các sạp hàng bắt đầu đón thêm nhiều lượt khách ra vào, rau xanh, củ, quả, cá, thịt heo, gà, vịt, bò… là những mặt hàng có sức tiêu thụ mạnh. Điều đáng nói, mặc dù đây là những mặt hàng có sức mua lớn, song giá cả vẫn giữ ở mức như ngày thường, thậm chí có mặt hàng còn giảm nhẹ so với thời điểm trước tết: thịt heo ba rọi, thịt đùi có giá 90.000 đồng/kg, gà ta 110.000 đồng/kg, cá ngừ 55.000-60.000 đồng/ kg, cá thu 180.000 đồng/kg… Riêng các loại rau, củ dù được tiêu thụ mạnh, song vẫn có giá khá mềm, cụ thể, rau muống 5.000 đồng/bó, cà chua địa phương 11.000 đồng/ kg, cà chua Đà Lạt 8.000 đồng/kg, cà rốt 10.000 đồng/ kg, xà lách 4.000-5.000 đồng/ xâu, cải ngọt, cải xanh 5.000 đồng/kg, hành tây 10.000-12.000 đồng/ kg... 

Một số loại rau còn giảm hơn so với thời điểm trước tết như súp lơ trắng 30.000 đồng/kg giảm còn 20.000 đồng/kg, dưa leo 15.000 đồng/kg giảm còn 5.000-7.000 đồng/kg. Giảm mạnh nhất phải kể đến là ớt đỏ 50.000 đồng/ kg giảm còn 25.000-30.000 đồng/kg, đậu hà lan giá hiện nay chỉ 30.000 đồng/kg, giảm 60.000-70.000 đồng/ kg so với  trước Tết…. Chị Lê Thị Kim Chi, tiểu thương sạp thực phẩm tươi sống tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột cho biết, khác với mọi năm, năm nay ra Tết trên các sạp hàng của tiểu thương đã có mặt đầy đủ loại rau, củ quả để cung ứng cho NTD, giá cả cũng có phần ổn định nên thu hút được nhiều lượt người đến với chợ sớm hơn. Bà Cư, tiểu thương bán hàng gần đó cũng cho hay: ra tết, thời điểm nắng ấm thuận lợi để các loại rau địa phương phát triển tốt, do đó cũng góp phần kìm giá thực phẩm leo thang lúc này. Hiện đang là thời điểm vào mùa của các loại rau địa phương như hành lá, súp lơ… nên nguồn cung khá dồi dào, tiểu thương tại chợ chủ động được nguồn thực phẩm để cung ứng cho thị trường nên  tránh được việc người bán tự ý đẩy giá lên cao. Do đó, NTD không chỉ mua được các loại rau tươi ngon do không phải vận chuyển đi xa mà giá cũng khá rẻ. Ngoài các chợ, thì các siêu thị trên địa bàn cũng mở cửa đón khách từ mùng 4 Tết. Lượng hàng hóa lớn phục vụ tại siêu thị cộng với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cũng góp phần kìm giá leo thang trong dịp này.

Việc giá cả không tăng vọt sau Tết (trái với dự liệu của nhiều người) phải kể đến sự nỗ lực của các ngành chức năng trong tỉnh đã sớm lên kế hoạch triển khai nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường như tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trước và sau Tết về việc chấp hành pháp luật trong niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý nghiêm các vụ vi phạm buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với các mặt hàng thiết yếu. Theo Sở Công thương Dak Lak, nhìn chung thị  trường trước, trong và sau  Tết năm nay hàng hóa phong phú, thỏa mãn nhu cầu mua sắm của người dân, tuyệt đối không có tình trạng khan hiếm hàng xảy ra; tình hình lưu thông hàng hóa tốt cùng với công tác bình ổn giá, kiểm soát thị trường được triển khai đồng bộ đã góp phần đem lại cho người dân trên địa bàn hưởng những ngày tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.