Multimedia Đọc Báo in

Tích cực phòng chống dịch cúm gia cầm trên diện rộng

14:00, 19/02/2014
Tính đến nay, Dak Lak là một trong 11 tỉnh thành trên cả nước công bố có dịch cúm gia cầm H5N1 và để ngăn chặn tình trạng lây lan trên đàn gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus nguy hiểm có khả năng lây sang người. Trong đó, trọng tâm là ngăn chặn virus H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam.
 
Đứng trước nguy cơ dịch bệnh trên gia cầm bùng phát và lây lan ra diện rộng, các ngành chức năng của tỉnh đang triển khai các biện pháp phòng chống, đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi nghiêm chỉnh chấp hành việc tiêm phòng cho gia cầm. Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Mặc dù các ổ dịch đã được phát hiện và tiêu hủy kịp thời nhưng tình hình dịch cúm A H5N1 còn diễn biến phức tạp nên các ngành chức năng và chính quyền địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng. UBND tỉnh cũng đã có chỉ thị yêu cầu tất cả người chăn nuôi gia cầm đều phải tiêm phòng, tiêu độc thường xuyên. Ngoài ra, người chăn nuôi phải chủ động kiểm soát đàn gia cầm, ngay khi có dấu hiệu khác thường phải báo cáo ngay với các ngành chức năng. Cùng với phòng chống dịch lây lan trong đàn gia cầm, thì việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch cúm A H5N1 lây lan sang người cũng được các bên liên quan tiến hành khẩn trương, như lấy mẫu những người chăn nuôi và những người có tiếp xúc với gia cầm bệnh để xét nghiệm đồng thời cách ly theo dõi. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, đối với những người tiếp xúc, liên quan với đàn gia cầm thì trung tâm đã lấy mẫu xét nghiệm và gửi một số mẫu đi TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra, đến nay chưa phát hiện người bị nhiễm. Ông Lào cho rằng: “Cùng với cúm A/H5N1 còn có cúm A/H7N9 cũng phải đề phòng. Nhất là việc buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc sang Việt Nam qua các đường biên giới ở phía Bắc, sau đó vận chuyển vào Dak Lak, TP. Hồ Chí Minh... là rất phức tạp. Trước vấn đề đó thì chúng tôi đã lên kế hoạch rất tỉ mỉ để chủ động xử lý các tình huống như: khi chưa có bệnh, khi bắt đầu xuất hiện bệnh và có ca bệnh đầu tiên phải xử lý như thế nào, khi lan tràn thì xử lý ra sao... Ngoài ra chúng tôi cũng đã có kế hoạch tập huấn từ 2-3 lần cho các lãnh đạo các đơn vị để chủ động ứng phó với dịch cúm gia cầm trong thời gian đến”.
Hộ ông Lê Quang Ấn thôn 10, xã Hòa Thắng chủ động thực hiện các biện pháp tiêu độc chuồng, trại nuôi gà của gia đình.
Hộ ông Lê Quang Ấn thôn 10, xã Hòa Thắng chủ động thực hiện các biện pháp tiêu độc chuồng, trại nuôi gà của gia đình.

Tại các chợ trên địa bàn tỉnh, việc triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm cũng đang được triển khai rốt ráo. Ông Lê Hữu Trì, Đội phó Đội quản lý chợ Phan Đình Phùng, TP. Buôn Ma Thuột  cho biết, hiện Ban quản lý chợ TP. Buôn Ma Thuột đã ra thông báo về việc phòng chống dịch gia súc, gia cầm trên địa bàn các chợ. Theo đó, Đội quản lý chợ Phan Đình Phùng cũng đã thường xuyên tiến hành nhắc nhở và kiểm tra nguồn gia cầm nhập về kinh doanh tại chợ của tiểu thương phải rõ nguồn gốc. Không sử dụng gia cầm có dấu hiệu khác lạ hoặc chết. Thường xuyên kiểm tra nhắc nhở tiểu thương làm bảo đảm vệ sinh nơi buôn bán, giết mổ gia cầm buôn bán trong chợ thường xuyên phun thuốc tiêu độc, khử độc xung quanh chợ…).

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người chăn nuôi cũng rất tích cực trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Với số lượng khoảng 1.500 con gà thả vườn, trong những ngày qua, gia đình ông Lê Quang Ấn trú xóm 3, thôn 10, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) đã rất tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch cúm gia cầm để bảo vệ đàn gà của gia đình. Ông Ấn cho biết: “Mỗi năm gia đình tôi nuôi khoảng 3 lứa, mỗi lứa 1.500 con gà nên đây là khoản thu nhập chính của gia đình. Ngay trong dịp Tết vừa qua, nhờ theo dõi báo chí và đài truyền thanh của xã mà tôi được biết ngay tại buôn Kom Leo đã xảy ra cúm gia cầm. Vì vậy gia đình đã đăng ký mua vắc-xin tại Chi cục Thú y và được nhân viên thú y của xã về tiêm phòng dịch cho đàn gà đang nuôi tại nhà. Ngoài ra, gia đình cũng đã phun thuốc khử trừng toàn bộ chuồng trại nuôi gà của gia đình. Tới cuối tháng 3 này gia đình tiếp tục sẽ nuôi thêm gà thả vườn nên cũng đã thường xuyên liên lạc để mua vắc-xin tiêm phòng cho đợt tới”. Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho rằng, sau khi phát hiện và đã dập được ổ dịch trong buôn Kom Leo, hiện nay xã cũng thường xuyên chỉ đạo thôn buôn qua hệ thống truyền thanh và đến tận nhà dân để nhắc nhở bà con nâng cao ý thức nuôi gia súc gia cầm cần phải tiêm phòng vắc-xin. Người dân cần tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại, thường xuyên theo dõi tình trạng của gia súc, gia cầm đang được chăn nuôi và ngay khi có triệu chứng bất thường phải báo về ngay với chính quyền địa phương hoặc các ban ngành có liên quan để theo dõi và xử lý kịp thời, tránh để đến khi cán bộ thú y phát hiện thì đã quá muộn.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hạ tầng số đi trước “mở đường” chuyển đổi số
Hạ tầng số được xem “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số.