Multimedia Đọc Báo in

Nông dân "cay mắt" vì chạy đua trồng tiêu: Kỳ cuối "Đánh bạc với trời"!

13:53, 19/02/2014

Phá bỏ diện tích cây trồng đang cho thu nhập để mở rộng diện tích tiêu vô tội vạ, trong khi đó lại thiếu kinh nghiệm chăm sóc vườn tiêu… đã dẫn đến nhiều hệ lụy đáng buồn, không ít hộ dân lâm vào cảnh trắng tay, thậm chí là nợ nần chồng chất.

Kỳ cuối: “Đánh bạc với trời”!

Chạy đua theo tiêu cũng đồng nghĩa với việc người dân đang “đánh bạc với trời”, nếu cây phát triển ổn định thì có thể thu lãi lớn, còn đã bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt thì trắng tay. Ngay từ chuyện chặt bỏ cà phê, hoặc một số cây trồng khác đang trong thời kỳ kinh doanh để trồng tiêu đã khiến nhiều người mất đi một nguồn thu nhập đáng kể, trong khi đó, để đầu tư mỗi héc-ta tiêu rất tốn kém. Nếu chỉ tính mức vốn đầu tư ban đầu từ tiền trụ tiêu, cây giống, phân bón… cũng khoảng 450-500 triệu đồng/ha, chưa kể còn thêm một khoảng thời gian trên 3 năm chăm sóc thì mới đến thời kỳ tiêu cho thu hoạch. Có lẽ vì thế mà cây tiêu thường được người dân gọi là “cây nhà giàu”, nếu ai muốn trồng thì “hầu bao phải dày”. Bên cạnh những hộ có sẵn vốn trong nhà để đầu tư trồng tiêu, thì cũng có nhiều hộ khó khăn, nhưng do thấy lợi nhuận nhất thời mà sẵn sàng vay vốn ngân hàng, người thân với lãi suất cao để theo đuổi “mộng làm giàu”. Gia đình anh Trần Công Minh ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng là một điển hình. Khoảng cuối năm 2012, anh Minh vay mượn người quen được 200 triệu đồng nên đã thẳng tay phá bỏ toàn bộ 3 sào cà phê đang kinh doanh của mình để xuống giống tiêu. Thế nhưng chỉ chưa đầy 2 năm sau gia đình anh đã cạn vốn, việc chăm sóc vườn tiêu lâm vào bế tắc, trong khi đó do thiếu hiểu biết về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cây tiêu hiện đang trong tình trạng suy kiệt dần, mà tiền nợ lãi vẫn ngày một tăng lên.
 
Bên cạnh đó cũng có nhiều hộ dân đã gom hết vốn liếng trong nhà để lao vào cây tiêu, khi cây bắt đầu cho thu hoạch thì sâu bệnh phát sinh không kịp xử lý gây thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, nỗi ám ảnh nhất đối với cây tiêu là bệnh chết nhanh, chết chậm và một khi bệnh đã xuất hiện thì rất khó ngăn chặn, xử lý, dễ lây lan ra cả vườn. Nhiều hộ dân như gia đình ông Hoàng Văn Hảo ở thôn 5A, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo có 5 sào tiêu chuẩn bị đến mùa thu hoạch bỗng dưng bị chết hàng loạt, không cách gì cứu chữa nổi... dẫn đến cảnh nợ nần chồng chất và kinh tế gia đình cũng tiêu tùng theo tiêu. Nếu nhìn rộng hơn, tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), chỉ trong năm 2013 đã có hơn 10.120 trụ tiêu bị chết, tương đương với diện tích gần 10 ha; hay tại huyện Cư Kuin trong năm vừa qua cũng có gần 36 ha tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, nhất là ở các xã Ea Ning với 24,6 ha, Cư Êwi có 10 ha, Ea Hu có 0,6 ha tiêu bị chết… gây thiệt hại lớn cho người dân.
Diện tích tiêu trong tỉnh đang tăng khó kiểm soát.  (Ảnh chụp tại một vườn tiêu thuộc xã Ea B’hôk, huyện Cư Kuin).
Diện tích tiêu trong tỉnh đang tăng khó kiểm soát. (Ảnh chụp tại một vườn tiêu thuộc xã Ea B’hôk, huyện Cư Kuin).

Giá tiêu hiện nay tuy vẫn ở mức cao nhưng thực tế, nhu cầu về tiêu trên thế giới tăng không đáng kể. Khi giá tiêu tăng cao, người dân vội vàng mở rộng diện tích, còn đến khi có thu hoạch thì chỉ cần trên thị trường lượng cung dư thừa một chút, các nhà đầu cơ quốc tế lại dìm giá tiêu xuống. Thấy rõ nhất là trong thời gian vừa qua, khi cây tiêu đang giai đoạn trái non (khoảng tháng 12-2013) thì giá thu mua tăng đột biến từ 130.000 đồng nhích dần đến đỉnh điểm là 170.000 đồng/kg. Thế nhưng hiện nay khi bước vào mùa thu hoạch rộ thì giá tiêu lại trở về với mức ban đầu. Điều đó chứng tỏ lợi nhuận từ tiêu khi được giá rất bấp bênh và nhiều hệ lụy khác rất khó lường đang rình rập, nhất là khi người dân cứ chặt phá các loại cây trồng khác để lấy đất trồng tiêu; chưa kể nạn đốt phá rừng lấy đất trồng tiêu đã làm rừng bị xâm hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng và gây nhiều tác hại đến môi trường… Khi mọi người đua nhau trồng tiêu thì đã có nhiều hộ vội vàng trồng trên những vùng đất không phù hợp, gây nguy hại cho cây trồng; do khan hiếm cây giống nên nhiều hộ “vét” cả những loại cây không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để trồng, cộng với thiếu hiểu biết về kỹ thuật trồng nên cây kém phát triển, phát sinh mầm sâu bệnh… Chính vì vậy, theo khuyến cáo của một số chuyên gia nông nghiệp trong tỉnh thì bà con phải cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vào loại cây này, tránh trồng ồ ạt chạy theo theo phong trào mà quên đi những loại cây trồng khác thích hợp hơn.

Quốc Thành


Ý kiến bạn đọc