Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng làm giàu rừng khộp bằng cây tếch

09:32, 26/02/2014

Dak Lak là địa phương có hệ sinh thái rừng khộp lớn nhất Việt Nam. Đây là món quà quý không chỉ về giá trị kinh tế-xã hội mà còn nhiều lợi ích trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Do đó, làm thế nào để bảo vệ hệ sinh thái rừng khộp đặc trưng và gia tăng hiệu quả của rừng đối với con người là vấn đề đáng bàn trước tình trạng rừng bị suy thoái qua khai thác, chuyển đổi mục đích kém hiệu quả như hiện nay.

Lợi ích kép

Hệ sinh thái rừng khộp là hệ sinh thái độc đáo, chủ yếu ở Đông Nam Á. Ở Việt Nam tập trung phần lớn tại các tỉnh Tây Nguyên với khoảng 500.000 ha. Vùng rừng này hiện không chỉ có giá trị về kinh tế - xã hội, là cái nôi văn hóa  phong phú của cộng đồng dân tộc bản địa mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ che phủ rừng, chống xói mòn đất, điều tiết nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học… Theo kết quả điều tra, rừng khộp ở Dak Lak được phân bố ở 9 huyện, với tổng diện tích hơn 252.000 ha, trong đó các trạng thái rừng non và nghèo không cung cấp được gỗ chiếm 201.137 ha. Riêng rừng khộp sản xuất tập trung chủ yếu ở huyện Ea Súp và Ea H’leo (huyện Buôn Đôn chủ yếu là rừng khộp thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn) với diện tích 131.271 ha, trong đó rừng khộp non và nghèo kiệt hiện không mang lại hiệu quả kinh tế là 107.646 ha. Một số địa phương đã chuyển đổi diện tích rừng khộp sang trồng cây công nghiệp như: cao su, keo, bạch đàn, điều…. Việc làm này có thể mang lại hiệu quả kinh tế trong một hai chu kỳ đầu, nhưng tương lai sẽ tác động lớn đến vấn đề môi trường, nếu xảy ra tình trạng cháy rừng thì những loại cây trồng này không thể tự phục hồi. Bên cạnh đó, với chương trình giao đất giao rừng, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều diện tích rừng khộp nghèo kiệt được giao cho hộ gia đình, cộng đồng các đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 304/2005-QĐ-TTg, nhưng do nhiều nguyên nhân như thiếu sự quản lý chặt chẽ, kém hiệu quả nên nhiều nơi, nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm, chặt phá, sang nhượng trở thành đất nông nghiệp.

Các nhà nghiên cứu khoa học khảo sát hệ sinh thái rừng khộp ở Dak Lak.
Các nhà nghiên cứu khoa học khảo sát hệ sinh thái rừng khộp ở Dak Lak.

 Đứng trước thực trạng này, các nhà nghiên cứu khoa học (Khoa Nông - Lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên) đã tìm ra giải pháp làm giàu rừng khộp bằng cây tếch. Năm 2012, PGS.TS Bảo Huy (Trưởng Bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và Môi trường, Trường Đại học Tây Nguyên) cùng các cộng sự bắt đầu thực hiện đề tài khoa học “Xác định lập địa, trạng thái thích hợp và kỹ thuật làm giàu rừng khộp bằng cây tếch” tại một số vùng thuộc huyện Ea Súp. Đến thời điểm này, kết quả cho thấy cây tếch rất phù hợp với đất rừng, bởi chịu được nắng nóng, nhiệt độ cao, có khả năng tái sinh mạnh. Nếu xảy ra cháy rừng, cây tếch cũng có thể tự hồi sinh và phát triển như các loại cây họ dầu sinh sống trong rừng khộp. Với những lợi thế này đã khắc phục được nhược điểm của các loại cây keo, tràm và cao su… hiện đang được trồng trên đất rừng. Được biết, hiện trên thị trường thế giới, gỗ tếch nhỏ đường kính dưới 10cm có giá khoảng 10 triệu đồng/m3. Với mật độ trung bình 500 cây/ha và chu kỳ sinh trưởng 10-15 năm, cây tếch sẽ cho sản lượng 55m3 gỗ/ha, sau khi trừ chi phí mỗi ha còn cho thu lãi từ 30 - 45 triệu đồng/năm.

Bên cạnh lợi ích kinh tế, việc trồng tếch trong rừng khộp nghèo còn gia tăng chức năng phục hồi sinh thái, góp phần nâng cao độ che phủ rừng. Chất lượng rừng khộp sẽ được cải thiện, tạo điều kiện sinh sống cho các loài thú lớn, phát triển lâm sản ngoài gỗ… Trước hết, là bảo vệ hệ sinh thái rừng khộp đang trong giai đoạn bị suy thoái như hiện nay.

Hướng phát triển rừng nghèo

“Làm giàu rừng khộp bằng cây tếch khác với các phương thức chuyển đổi rừng khộp sang trồng các loài cây kinh tế khác như hiện nay. Bởi vì  kỹ thuật này không chặt trắng rừng khộp, mà rừng khộp nghèo sẽ được duy trì, bảo vệ. Cây tếch được đưa vào trồng xen sẽ góp phần ổn định hệ sinh thái, nâng cao các chức năng bảo vệ môi trường đất, nước và đa dạng sinh học” - PGS.TS Bảo Huy, Chủ nhiệm đề tài cho biết. Có thể nói, đây là cơ sở để các chủ rừng thuộc huyện Ea Súp và Ea H’leo đưa cây tếch vào làm giàu tại diện tích rừng khộp mà họ đang quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của các khu rừng. Mặt khác, triển vọng thành công của việc trồng cây tếch làm giàu rừng khộp còn để cho các địa phương, nhà quản lý, doanh nghiệp có cái nhìn thấu đáo hơn về cân bằng phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường.

Trong khuôn khổ của đề tài, hiện tại có 42 điểm  trồng tếch xen trong rừng khộp đang phát triển tốt tại huyện Ea Súp. Gia đình anh Nông Trường Sơn, (xã Ea Bung, huyện Ea Súp) nhận quản lý bảo vệ 246 ha rừng khộp (rừng nghèo). Sau một thời gian được các nhà khoa học chọn làm khu vực thí điểm trồng tếch xen trong rừng khộp, anh Sơn bày tỏ: “Trước đây tôi đã thực hiện một số mô hình phát triển kinh tế trong diện tích đất rừng được giao như nuôi heo rừng, bò dưới tán lá rừng nhưng đều thất bại. Sau khi được chọn thí điểm trồng cây tếch và thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt nên tôi rất yên tâm”. Được biết, từ nhiều năm nay, một số hộ dân ở xã Ea Lê (huyện Ea Súp) cũng đã đưa cây tếch vào trồng thử nghiệm trên những diện tích đất rừng kém hiệu quả. Khi nhận thấy lợi ích của loại cây trồng này, nhiều hộ dân các xã khác cũng đã làm theo...

Với một số mô hình thử nghiệm làm giàu rừng khộp nhưng không mang lại hiệu quả như trước đây (do điều kiện khắc nghiệt về khí hậu và đất đai của kiểu rừng này như: khô hạn trong mùa khô, ngập úng trong mùa mưa, dễ cháy hàng năm) thì triển vọng từ việc trồng cây tếch đang là tiềm năng, triển vọng để làm giàu rừng khộp, đáp ứng cả 3 mục tiêu: kinh tế - xã hội và môi trường.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc